Thẻ ATM có phải là giấy tờ có giá?

Đỗ Văn Chỉnh| 06/10/2016 10:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, sử dụng thẻ ATM để giao dịch chuyển tiền, rút tiền trở nên khá phổ biến, nhiều người luôn mang theo nhiều thẻ ATM để tiện sử dụng. Cũng vì thế mất cắp thẻ ATM cũng đã xảy ra. Vấn đề pháp lý đặt ra là thẻ ATM có phải là tài sản hay không?

Bạn đọc phản ánh một sự kiện pháp lý như sau: Minh lén lút lấy chiếc túi xác của Hoa, trong túi không có tiền mà có thẻ ATM. Do biết mã PIN của thẻ nên Minh đã rút được tiền từ trong thẻ để tiêu xài. Sau đó Minh nói cho Tiến biết về thẻ, về mã số PIN và nhờ Tiến rút tiền. Mỗi khi Tiến rút tiền theo yêu cầu của Minh thì được Minh chia lại cho một ít. Tính ra Minh lấy khoảng 10 triệu đồng và Tiến lấy 4 triệu đồng.

Sau khi vụ việc bị phát giác, các ý kiến đều cho rằng Minh phạm tội trộm cắp tài sản, nhưng với Tiến lại có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng Tiến phạm tội Tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có. Có ý kiến cho rằng Tiến cũng phạm tội Trộm cắp tài sản.

Chúng tôi cho rằng, tội Trộm cắp tài sản hay tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đều có chung một dấu hiệu bắt buộc là phải có tài sản. Vậy tài sản trong vụ việc này là thẻ ATM hay tiền gửi ở Ngân hàng và tài sản là gì? Đó là mấu chốt của vụ việc này cần phải giải quyết.

Theo chúng tôi, tài sản trong giao dịch dân sự cũng như tài sản trong vụ án hình sự phải là tài sản quy định tại Điều 163 BLDS hiện hành. Điều 163 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Như vậy có 4n loại được xác định là tài sản. Đối với “vật, tiền” thì dễ thống nhất về nhận thức. Còn quyền tài sản được quy định tại Điều 181 BLDS hiện hành như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Đối với giấy tờ có giá thì tại điểm 8 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010 thì giấy tờ có giá “là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.

Theo quy định này thì giấy tờ có giá có thể là một trong các loại giấy tờ sau đây: Hối phiếu đòi nợ, Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu Công ty, Tín phiếu, Công trái, Các lại chứng khoán… Thẻ ATM không phải giấy tờ có giá nên không phải là tài sản.

Do đó, vụ việc trên đây có thể xảy ra các trường hợp sau đây:

Trường hợp Minh chiếm đoạt được thẻ ATM của Hoa mà không biết mã PIN thì không rút được tiền từ máy ATM của Ngân hàng và Hoa không bị mất tài sản, còn Minh không phạm tội Trộm cắp tài sản.

Trường hợp Minh chiếm đoạt thẻ ATM của Hoa mà biết mã PIN và đã  rút được tiền từ máy ATM của Ngân hàng và Hoa bị mất tài sản, thì hành vi của  Minh phạm tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS hiện hành. Một tình tiết quan trọng để Minh rút được tiền từ máy ATM là phải biết số PIN của thẻ, nếu không cung cấp đúng số PIN thì máy không trả tiền.

Đối với Tiến, do Tiến được Minh cung cấp mã PIN đồng thời Minh đã rút tiền từ máy ATM của Ngân hàng và chiếm đoạt của Hoa 4 triệu đồng. Hành vi của Tiến thực hiện là lén lút đối với Hoa. Hành vi của Tiến vi phạm Điều 138 BLHS, phạm tội Trộm cắp tài sản.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẻ ATM có phải là giấy tờ có giá?