Vụ trốn thuế và chiếm đoạt tài sản tại Bình Dương: Nhiều vấn đề của vụ án chưa được làm rõ

Văn Vũ| 13/06/2017 07:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý có loạt bài phải ánh về vụ trốn thuế và chiếm đoạt tài sản tại Bình Dương liên quan đến Nguyễn Thị Minh Trang, Phó TGĐ Cty CP Chế biến và Đóng gói Thuỷ Hải sản (Công ty USPC). Vụ án được dư luận quan tâm bởi nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ.

Chưa đủ cơ sở truy tố tội Trốn thuế

Như Báo Công lý đã đưa tin, ngày 27/4/2017, TAND tỉnh Bình Dương đã hoãn phiên tòa sơ thẩm xét xử hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang, trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng của vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa.

Tại Quyết định trả hồ sơ, TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu điều tra bổ sung những vấn đề về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, tại phiên tòa thể hiện: Bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang chỉ ký hợp đồng ủy thác xuất khẩu hàng hóa, thỏa thuận ba bên về việc trả hàng. Mọi hoạt động liên quan đến việc nhập hàng, xuất hàng ra ngoài Công ty USPC đều phải có sự chỉ đạo và đồng ý của ông Byron Scott Mc Laughlin, Tổng giám đốc Công ty USPC.

Đồng thời, khách hàng mua lô hàng là Levittown Fish Market nhận hàng và thanh toán cho Công ty USPC. Bị cáo Trang hoàn toàn không thể biết được do bị cáo Trang không được ủy quyền để quản lý tài chính của Công ty USPC.

Điều này chứng tỏ bị cáo Trang chỉ thực hiện việc ký kết hợp đồng theo sự chỉ đạo của ông Byron trong thời gian được ông Byron ủy quyền. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương chưa chứng minh bị cáo Trang chiếm đoạt hoặc hưởng lợi từ số tiền bán hàng cho Levittown Fish Market là chưa điều tra đầy đủ.

Bên cạnh đó, Công ty Vinh Sâm cho rằng, Công ty Vinh Sâm giao hàng cho Công ty USPC gia công và được Công ty USPC cung cấp các phiếu nhận hàng. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Byron khẳng định các phiếu nhập hàng nêu trên đều là giả mạo. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương chưa thu thập bản chính các phiếu nhập hàng nêu trên để làm cơ sở xem xét.

Đồng thời, tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty USPC cung cấp cho HĐXX Công văn số 1401 ngày 26/12/2016 của Agribank chi nhánh Bình Định gửi Công ty USPC về việc yêu cầu hợp tác hỗ trợ thu hồi nợ vay quá hạn (bản sao y). Trong công văn thể hiện Công ty Bình Định khi vay vốn tại ngân hàng đã cung cấp cho ngân hàng Hợp đồng gia công chế biến hàng đông lạnh số 003 ngày 28/7/2012 và Hợp đồng ủy thác xuất khẩu số 001 ngày 25/9/2012 là các hợp đồng mà Công ty Bình Định đã ký kết với Công ty USPC. Do đó, Cơ quan CSĐT cần điều tra làm rõ các hợp đồng nêu trên để làm cơ sở xác định tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của bị cáo Trang theo như truy tố của VKSND tỉnh Bình Dương.

Vụ trốn thuế và chiếm đoạt tài sản tại Bình Dương: Nhiều vấn đề của vụ án chưa được làm rõ

Công văn của Agribank chinh nhánh Bình Định gửi Công ty USPC về việc yêu cầu hợp tác hỗ trợ thu hồi nợ vay quá hạn

Đối với hành vi “Trốn thuế”, TAND tỉnh Bình Dương nhận thấy, căn cứ hợp đồng mua hàng hóa số 021, thì bên bán hàng là Công ty USPC, bên mua hàng là Levittown Fish Market (New York - USA). Căn cứ thỏa thuận ba bên về việc trả hàng lại là LT Fish Market (New York - USA). Tại phiên tòa, đại diện theo pháp luật của Công ty USPC là ông Byron khẳng định Levittown Fish Market và LT Fish Market là cùng một công ty.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT chưa làm rõ vấn đề này. Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT chưa làm việc Levittown Fish Market để xác định có sự việc thỏa thuận ba bên về việc trả lại lô hàng cho Công ty USPC hay không?

Tại phiên tòa, đại diện hãng tàu Công ty APL-NOL Việt Nam trình bày đến thời điểm này vẫn chưa có căn cứ pháp lý để xác định container hàng của Công ty USPC xuất đi Mỹ cho khách hàng là Levittown Fish Market có còn nguyên niêm phong hay không khi đến Mỹ và trên đường vận chuyển lô hàng đến Mỹ thì Công ty APL-NOL Việt Nam có chuyển tải lô hàng tại Singapore.

Việc Công ty APL-NOL Việt Nam có văn bản trả lời cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương về lô hàng khi đến Mỹ vẫn còn nguyên niêm phong là do theo tập quán mua bán hàng hóa quốc tế và do khách hàng không có khiếu nại gì đối với lô hàng nên Công ty APL-NOL Việt Nam cho rằng khi hàng đến Mỹ vẫn còn nguyên niêm phong. Cơ quan CSĐT cần điều tra làm rõ lô hàng Công ty USPC bán cho Levittown Fish Market có còn nguyên niêm phong khi đến Mỹ hay không?

Ngoài ra, tại phiên tòa, Giám định viên tư pháp của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương khẳng định trách nhiệm đóng thuế nhập khẩu (nếu có) theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 27 đối với lô hàng cá ngừ loin lột da với tổng số 811 kiện là trách nhiệm đóng thuế của Công ty USPC chứ không phải trách nhiệm cá nhân bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang.

Từ những vấn đề nêu trên, TAND tỉnh Bình Dương nhận thấy VKSND tỉnh Bình Dương truy tố bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang về tội “Trốn thuế” là chưa đủ cơ sở.

Công ty Bình Định thành lập nhưng không tồn tại hoá đơn

Ngày 28/07/2012, Công ty Bình Định ký hợp đồng với Công ty USPC hợp đồng gia công chế biến hàng đông lạnh. Theo đó, Công ty USPC nhận cá ngừ nguyên liệu và chế biến nguyên liệu ra thành phẩm cá ngừ loin CO cho Công ty Bình Định.

Sau khi chế biến được 11.062,04 kg cá ngừ thành phẩm cho Công ty Bình Định. Công ty USPC đã gửi rất nhiều thư điện tử, cũng như gọi điện thông báo cho đối tác thanh toán tiền phí gia công và lấy hàng về. Tuy nhiên, Công ty Bình Định đã không có động thái gì. Điều này gây khó khăn và phát sinh chi phí cho Công ty USPC. Chính vì vậy, ngày 07/8/2012, bà Trang đã gửi thư điện tử thông báo sẽ không tiếp tục gia công nữa. Và thực tế, Công ty Bình Định cũng không giao nguyên liệu và phản đối về việc ngưng gia công này.

Bên cạnh đó, mặc dù chưa được đối tác thanh toán tiền gia công nhưng Công ty USPC đã rất nhiều lần tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Bình Định xuất hàng đi bán. Thậm chí, khi Công ty Bình Định lấy hàng bán không được về gửi lại, Công ty USPC vẫn cho nhập kho. Thấy Công ty Bình Định đang gặp khó khăn trong việc xuất bán hàng cá ngừ này, ngày 03/9/2012, bà Trang gửi thư điện tử đề xuất có thể hỗ trợ với đối tác xuất ủy thác cho khách hàng của Công ty USPC bên Mỹ.

Ngay lập tức, bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Định đã hối thúc Công ty USPC nhanh chóng làm hợp đồng để có thể xuất nhanh lô hàng. Ngày 25/9/2012, Công ty Bình Định ký kết Hợp đồng ủy thác xuất khẩu số 001 qua bản fax.

Ngày 03/10/2012, Công ty USPC đã gửi phiếu đặt container hàng xuất cho Công ty Bình Định và thông báo cho biết sẽ xuất khẩu lô hàng ủy thác vào ngày 06/10/2012.

Ngày 06/10/2012, ông Byron là người đại diện của Công ty USPC đã ra lệnh đóng 11,062.04 kg cá ngừ đông lạnh vào container xuất khẩu và ký tên đóng dấu Tờ khai hải quan số 2619, để bộ phận xuất nhập khẩu làm thủ tục Hải quan xuất lô hàng ủy thác xuất khẩu này.

Do bất đồng trong phương thức thanh toán, ông Đỗ Tấn Vinh, Giám đốc Công ty Bình Định và bà Sâm đã đến Công ty USPC đòi lại hàng. Sau đó, qua trao đổi, bà Sâm yêu cầu Công ty USPC phải thanh toán tiền bán lô hàng trong vòng 07 ngày. Còn Công ty USPC đòi Công ty Bình Bình xuất hóa đơn thì sẽ thanh toán như hợp đồng ủy thác xuất khẩu đã ký kết thì phát sinh mâu thuẫn.

Việc thay đổi thanh toán không tuân theo thỏa thuận ban đầu khiến Công ty USPC không thể thực hiện được và đồng ý trả lại hàng theo như yêu cầu. Công ty USPC đã liên hệ với bên mua để triệu lại lô hàng đang cập cảng trung chuyển tại Singapore để tái nhập về nước.

Ngày 17/11/2012, Công ty USPC ký tên Tờ khai hải quan số 27/NT để tái nhập lô hàng. Sau khi hàng về, Công ty USPC đã gửi rất nhiều thông báo cho Công ty Bình Định về việc lô hàng đã được triệu hồi và yêu cầu họ đến nhận, cũng như yêu cầu họ thanh toán tiền gia công cho Công ty USPC. Nhưng đối tác lại thay đổi yêu cầu, đòi thanh toán tiền chứ không nhận hàng. Chính sự không thống nhất này đã dẫn đến hai bên phát sinh tranh chấp.

Xuất phát từ tranh chấp về lô hàng trên, VKSND tỉnh Bình Dương ra cáo trạng truy tố hình sự đối với Nguyễn Thị Minh Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty USPC về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Trốn thuế” theo điểm a, khoản 4 Điều 140 và khoản 2 Điều 161 BLHS. Sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Bình Dương đã hoãn phiên tòa, trả hồ yêu cầu điều tra bổ sung như nêu trên.

Vụ trốn thuế và chiếm đoạt tài sản tại Bình Dương: Nhiều vấn đề của vụ án chưa được làm rõ

Thông báo của Cục thuế tỉnh Bình Định về việc Công ty Bình Định không còn tồn tại hoá đơn

Ở đây có thể nhận thấy rõ, nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp là do bất đồng trong phương thức thanh toán. Theo đó, Công ty USPC yêu cầu Công ty Bình Định xuất hóa đơn theo hợp đồng ký kết thì mới thanh toán tiền. Ngược lại, Công ty Bình Định né tránh việc xuất hóa đơn này. Kết quả là các bên không tìm được tiếng nói chung trong giải quyết tranh chấp. 

Qua tìm hiểu, Công ty Bình Định không có trụ sở hoạt động. Trụ sở đăng ký 26 Hàm Tử, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là cảng cá Quy Nhơn. Cho nên, khi làm việc với Đoàn công tác của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, Công ty Bình Định phải mời đến làm việc tại Nhà hàng 144 Xuân Diệu, TP Quy Nhơn.

Bên cạnh đó, ngày 26/12/2012, Cục thuế tỉnh Bình Định ra đã Thông báo số 4840 khẳng định rằng, “ngày 21/12/2012, Cục thuế tỉnh Bình Định kết hợp với chính quyền địa phương đến xác minh tại địa chỉ trụ sở Công ty Tuna Fish Bình Định (gọi tắt Công ty Bình Định) địa chỉ số 26 Hàm Tử, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã không còn tồn tại theo địa chỉ kinh doanh đăng ký với cơ quan thuế. Do đó, Cục thuế tỉnh Bình Định thông báo đến thời điểm ngày 26/12/2012 Công ty Bình Định không còn tồn tại hóa đơn”.

Như vậy, Công ty Bình Định thành lập nhưng không hề phát hành và tồn tại hóa đơn. Do đó, Công ty USPC yêu cầu xuất hóa đơn thanh toán các đơn hàng như hợp đồng ký kết Công ty Bình Định né tránh là điều dễ hiểu.

Thậm chí, ông Đỗ Tấn Vinh, người đại diện pháp luật của Công ty Bình Định luôn khẳng định rằng, Công ty Bình Định không hề ký kết bất kỳ hợp đồng nào với Công ty USPC. Trong khi đó, để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay 150.000 USD và 2,868 tỷ đồng của Agribank chi nhánh Bình Định, Công ty Bình Định đã cung cấp hai hợp đồng gia công và ủy thác xuất ký kết với Công ty USPC.

Như nêu trên, từ thành lập đến khi Cục thuế tỉnh Bình Định có thông báo, Công ty Bình Định không hề phát hành và tồn tại hóa đơn. Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Định, đến đầu tháng 5/2017, Công ty Bình Định vẫn còn hoạt động. Vậy Công ty Bình Định thành lập để làm gì? Phải chăng Công ty Bình Định được tạo ra để vay khoản vay gần 6 tỷ đồng của Agribank chi nhánh Bình Định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ trốn thuế và chiếm đoạt tài sản tại Bình Dương: Nhiều vấn đề của vụ án chưa được làm rõ