Vụ Tiên Lãng: Cần một cách nhìn công tâm, đúng bản chất

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xung quanh vụ việc xảy ra ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, hiện có rất nhiều thông tin đa chiều, thậm chí trái chiều nhau khiến không ít người dân bức xúc, đặt ra nhiều câu hỏi. Tổng hợp của nhóm PV dưới đây sẽ cung cấp thêm một số tình tiết mới chưa được biết đến, giúp bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn bản chất của vụ việc.

Cho tới thời điểm này, sau tròn một tháng diễn ra vụ cưỡng chế thu hồi 40,3ha đầm của ông Đoàn Văn Vươn, tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, 2 vấn đề lớn đặt ra đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là, có hay không những vụ vi phạm pháp luật trong quy trình giao và thu hồi khu đất đầm của ông Vươn? Công dân Đoàn Văn Vươn đã chấp hành đến đâu quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, sử dụng đất được giao? Để bạn đọc tiện theo dõi, trước khi đề cập tới những thông tin chúng tôi vừa cập nhật, xin được lược lại một số diễn biến chính của vụ việc.

Cuối năm 1993, căn cứ Luật Đất đai 1987 và được Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) cho phép trong Quyết định phê duyệt số 750TS/QĐ ngày 22-10-1993, UBND huyện Tiên Lãng đã có chủ trương giao một số diện tích bãi bồi ven biển cho các hộ dân để nuôi trồng thủy sản.

Đây là chủ trương đúng với 2 mục đích, vừa siết chặt công tác quản lý đất đai, vừa tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển sản xuất, vượt nghèo. Các quyết định giao đất đều ghi rất rõ thời hạn sử dụng là 10 - 15 năm, sau đó các hộ sẽ phải giao trả lại Nhà nước. Nếu ai còn nhu cầu sẽ được thuê lại theo đúng trình tự và quy định. Đến cuối 2011, đã có tổng số 219 hộ hết thời hạn đã chấp hành nghiêm việc giao lại đất cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.

Riêng ông Đoàn Văn Vươn đã hành xử hoàn toàn ngược lại. Được UBND huyện giao 21ha bãi bồi ở khu cống Rộc từ ngày 4-10-1993, với thời hạn 14 năm, liền sau đó, ông Vươn đã tự ý đắp bờ bao, lấn chiếm luôn thêm 19,3ha buộc chính quyền huyện phải xử phạt hành chính.

Căn nhà của Đoàn Văn Vươn - nơi các đối tượng ẩn náu chống lại lực lượng cưỡng chế.

Cho tới năm 1997, ông Vươn có đơn xin được… "giao đất bổ sung" (19,3ha nêu trên) với hứa hẹn… "sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ được giao" và đã được UBND huyện Tiên Lãng xem xét chấp thuận cũng với thời hạn 14 năm, tính từ 4-10-1993 như với 21ha được cấp trước đó (tại Quyết định số 220/QĐ-UB ngày 9-4-1997).

Từ đó đến nay, ông Vươn không hề có khiếu kiện gì về quyết định này vì trên thực tế ông Vươn đã sử dụng diện tích 19,3ha ngay từ khi được giao đất trong Quyết định 447 ngày 4-10-1993. Điều đáng nói, năm 2009, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 461 thu hồi 19,3ha đất giao đã hết hạn sử dụng của hộ ông Vươn theo đúng quy định song ông Vươn đã có những phản ứng quyết liệt, khăng khăng đòi UBND huyện phải ra quyết định "giao" đất tiếp cho mình.

Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng, ông Đan Đức Hiệp, trong suốt một thời gian dài, chính quyền cơ sở đã không dưới 10 lần đề nghị đương sự nếu có nhu cầu sử dụng tiếp khu đầm cần phải làm đơn xin thuê đất và sẽ được xem xét giải quyết. Song, ông Vươn không đồng ý và đã khởi kiện đến TAND huyện Tiên Lãng. Bị bác đơn kiện, ông Đoàn Văn Vươn kháng cáo tới Tòa phúc thẩm rồi lại tự rút đơn chấp nhận phán quyết của Tòa án cấp cơ sở.

Nhận định, đánh giá toàn bộ diễn biến sự việc, nhiều chuyên gia am hiểu về pháp luật đất đai, các cán bộ chuyên ngành có uy tín và trình độ nghiệp vụ không chỉ ở Hải Phòng, qua theo dõi sát và tìm hiểu kỹ đều đã có quan điểm nhất quán cho rằng, quy trình giao đất cũng như thu hồi đất khu đầm của công dân Đoàn Văn Vươn đều thực hiện đúng quy trình pháp luật. Có 3 căn cứ chính để các chuyên gia xác định điều này.

Thứ nhất, 40,3ha đất bãi bồi giao cho Đoàn Văn Vươn sử dụng nằm ngoài đê biển quốc gia, trước năm 1993 là đất chưa sử dụng và không thuộc quỹ đất nông nghiệp giao lâu dài cho nông dân. Do vậy, trường hợp của ông Vươn không nằm trong điều chỉnh của Luật Đất đai và Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ với quy định thời hạn sử dụng từ 20 năm trở lên. Quan điểm cho rằng, ông Vươn đáng phải được sử dụng khu đầm 20 năm là không có cơ sở pháp lý.

Thứ hai, Nghị định 181 (năm 2004) của Chính phủ quy định, hết 6 tháng, người sử dụng đất phải có đơn đề nghị và phải được cấp chính quyền xem xét đồng ý mới được thuê lại. Luật Đất đai 1993, tại khoản 10 Điều 38 cũng nói rõ, đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn, khi hết hạn, UBND cấp huyện có trách nhiệm thu hồi chuyển sang hình thức khác. Với trường hợp của ông Vươn, không có đơn đề nghị, thậm chí chính quyền sở tại còn phải nhiều lần "thương thuyết", hướng dẫn đương sự làm đơn nhưng vẫn không chấp thuận là điều khó chấp nhận... Việc huyện phải ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất là trách nhiệm phải làm.

Thứ ba, cũng theo Luật Đất đai 1993 áp dụng vào thời điểm hiện tại, ông Đoàn Văn Vươn không còn là đối tượng được giao đất nữa mà phải thuê đất. Giữa "giao" và "thuê" đất là 2 khái niệm rất khác nhau cả về quyền và nghĩa vụ đối với người sử dụng. Khi đất đã được giao cho người sử dụng mà bị Nhà nước thu hồi sử dụng mục đích khác, chủ sử dụng đương nhiên hưởng lợi rất lớn. Đây cũng là nguyên do sâu xa để ông Đoàn Văn Vươn một mực đưa ra yêu sách buộc chính quyền huyện Tiên Lãng phải "giao" tiếp lại đất cho mình.

Vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đang được Thành ủy, UBND và các ngành chức năng Hải Phòng khẩn trương xem xét để sớm có kết luận chính thức. Chắc chắn sẽ có những bài học kinh nghiệm đắt được rút ra từ một số khâu, một số công đoạn trong tiến trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, bản chất của vụ việc luôn rất cần được dư luận xã hội hiểu và đánh giá một cách đúng đắn và tội ác phải bị nghiêm trị theo đúng kỷ cương pháp luật.

Vào thời điểm bài báo này đã lên khuôn, nhóm PV chúng tôi được tin, theo chỉ đạo của Chính phủ, một số ngành chức năng đã vào cuộc để góp phần làm rõ bản chất sự việc. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp nghe và có ý kiến chỉ đạo cụ thể để giải quyết vụ việc này.

Cá nhân nào đúng, sai đều phải công khai, minh bạch, sai đến đâu thì xử lý đến đó

Tại cuộc họp báo chiều 4-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND Tp. Hải Phòng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc giao đất, tổ chức sử dụng đất, thu hồi và cưỡng chế đất. Mới đây, Văn phòng Chính phủ tiếp tục truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, giao các Bộ, ngành liên quan nắm chắc thông tin để tuần tới Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp nghe các ý kiến, báo cáo. Tinh thần chung là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi việc phải xử lý theo pháp luật, cá nhân nào đúng, sai đều phải công khai, minh bạch, sai đến đâu thì xử lý đến đó.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, sau khi sự việc xảy ra, UBND Tp. Hải Phòng đã có báo cáo sơ bộ nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa chi tiết, cụ thể, nên Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng tiếp tục báo cáo làm rõ. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp, thống nhất quan điểm, làm rõ 3 nội dung: giao đất, thu hồi đất đúng ở điểm nào, sai điểm nào, trách nhiệm thuộc cơ quan, cá nhân nào; việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, nếu không đúng thì sai ở đâu, tổ chức nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm; ai có chủ trương phá hủy tài sản của công dân như ao cá, nhà..., có hay không có chủ trương này, của cấp nào?

Các Bộ, ngành cũng phải có ý kiến rõ ràng về vấn đề này. Bộ trưởng Vũ Đức Đam ghi nhận những đóng góp của báo chí, phê phán sự vào cuộc chậm trễ của các Bộ, ngành, cũng như thiếu chính kiến, quan điểm từ góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành. Bộ trưởng cho biết trong cuộc họp do Thủ tướng chủ trì tới đây sẽ xem xét cả trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan liên quan đã kịp thời chưa, có bảo đảm công khai, minh bạch không?

Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc năm 2013, thời hạn giao đất nông nghiệp cho nông dân sẽ hết hiệu lực, đến khi nào việc này được Chính phủ thảo luận và phương hướng thế nào, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhận định, đây là nội dung Chính phủ rất quan tâm và sẽ bàn trước khi đến hạn. Đất đai là tài nguyên hữu hạn, phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất phục vụ cho sự phát triển của đất nước, đảm bảo nhu cầu của nhân dân, nhưng đồng thời nhân dân cũng phải có đất để sản xuất.

Theo Bộ trưởng, đây là một việc lớn, cần phải bàn kỹ, trong khi chưa có giải pháp rõ ràng thì tốt nhất nên kéo dài đến khi nào Luật Đất đai được sửa, mọi quy định đã rõ ràng thì mới thực hiện thu hồi.

Theo CAND Online

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Tiên Lãng: Cần một cách nhìn công tâm, đúng bản chất