Vụ nguyên Phó GĐ trung tâm phát triển quỹ đất kiện Sở TNMT tỉnh Tây Ninh: Bất thường trong quyết định buộc thôi việc

Lê Hoàng| 17/08/2017 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND TP. Tây Ninh vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lao động giữa nguyên đơn là ông Đặng Thanh Việt, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) và bị đơn là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Tây Ninh.

Đây là vụ việc gây xôn xao dư luận, từng được báo Công lý phản ánh. Diễn biến phiên tòa một lần nữa cho thấy có nhiều khuất tất khi Giám đốc Sở TNMT buộc thôi việc ông Việt.

Vụ nguyên Phó GĐ trung tâm phát triển quỹ đất kiện Sở TNMT tỉnh Tây Ninh: Bất thường trong quyết định buộc thôi việc

Ông Việt và phía bị đơn tại phiên tòa

Sở có quyền kỷ luật nhưng “không phải đối tượng bị kiện” (?)

Tại phiên tòa, ông Đặng Thanh Việt trình bày, ông làm việc tại Sở TNMT tỉnh từ năm 2008 theo quyết định của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh. Năm 2009, ông được TTPTQĐ (thuộc Sở TNMT) ký hợp đồng làm việc không thời hạn, sau đó được Giám đốc Sở TNMT bổ nhiệm chức Phó giám đốc TTPTQĐ. Đầu tháng 5/2016, bà Đ.T.X.H có đơn tố cáo ông tham gia điều hành Công ty Việt Dương, chiếm giữ con dấu, hồ sơ pháp lý doanh nghiệp.

Ngày 16/5/2016, ông Nguyễn Đình Xuân, lúc này là Giám đốc Sở TNMT, ký Quyết định số 2343/QĐ-STNMT thụ lý tố cáo. Từ kết quả xác minh, ông Xuân ký Quyết định số 5376/QĐ-STNMT ngày 12/10/2016 kỷ luật ông Việt bằng hình thức “buộc thôi việc” với lý do: vi phạm Luật Viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng, Quyết định của UBND tỉnh về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí, Quy chế làm việc cơ quan.

Ông Việt khởi kiện vụ án “Tranh chấp hợp đồng lao động” yêu cầu Tòa tuyên hủy Quyết định số 5376/QĐ-STNMT; buộc Sở TNMT tiếp nhận ông trở lại làm việc; phục hồi chức vụ; giải quyết mọi quyền lợi liên quan...

Quá trình tòa án thụ lý giải quyết, Sở TNMT tỉnh Tây Ninh có văn bản gửi Tòa án cho rằng “Sở TNMT không ký hợp đồng làm việc với ông Việt nên Sở không phải là đối tượng bị kiện”. Theo lập luận của Sở, TTPTQĐ là đơn vị sự nghiệp công lập và là một pháp nhân. Ông Việt khởi kiện vụ án lao động là tranh chấp giữa ông với TTPTQĐ.  Liên quan đến kỷ luật buộc thôi việc ông Việt, Sở này cho rằng ông Việt là viên chức do Giám đốc Sở bổ nhiệm nên “thẩm quyền xử lý kỷ luật là của Giám đốc Sở”. Việc ban hành Quyết định 5376 là đã thực hiện đúng quy định của Luật Viên chức và các văn bản có liên quan.

Sau khi xem xét, Tòa khẳng định đây là vụ án tranh chấp lao động mà Sở TNMT là bị đơn. Tại phiên tòa, ông Việt giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Sở TNMT giữ nguyên Quyết định 5376.

Biên bản “vênh” thời gian

Quá trình tranh tụng, các bên đã đặt nhiều câu hỏi để làm sáng tỏ tính pháp lý của quyết định 5376. Hồ sơ thể hiện quyết định này đã căn cứ “biên bản họp của Hội đồng kỷ luật (HĐKL) viên chức Sở TNMT ngày 10/10/2016”. Thế nhưng, không có biên bản họp nào của HĐKL đề ngày 10/10/2016, mà chỉ có biên bản họp HĐKL số 07/BB-HĐKL đề ngày 11/10/2016 do ông Xuân chủ trì. Ông Việt bức xúc: “Biên bản “vênh” thời gian, ngày tháng mâu thuẫn bất thường, không đảm bảo tính pháp lý lại được ông Xuân lấy làm căn cứ để ký quyết định kỷ luật buộc thôi việc tôi là trái luật”.

Ông Việt trình bày: "Không chỉ một lần, trước đó, Sở TNMT có một cuộc họp “kiểm điểm trách nhiệm viên chức”, họp ngày 6/10/2016 nhưng đến ngày 10/10 mới ra biên bản, bị “vênh” 4 ngày. Căn cứ theo Điều 15, Nghị định 27, trong biên bản họp kiểm điểm nêu trên, Sở phải kiến nghị hình thức kỷ luật đối với viên chức nếu có vi phạm. Tuy nhiên, Sở lại không làm đúng trình tự là trái quy định".

Mấu chốt của vấn đề chính là việc áp dụng pháp luật buộc thôi việc viên chức được quy định tại Điều 13, Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ (quy định cụ thể về việc áp dụng hình thức kỷ luật viên chức). Luật sư Trần Hải Đức, bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn đề nghị bị đơn nêu rõ đã áp dụng điều, khoản nào của Điều 13, Nghị định 27?  Phía bị đơn bất ngờ khẳng định trước HĐXX: "Sở TNMT không áp dụng Điều 13, Nghị định 27 khi buộc thôi việc ông Việt. Theo luật sư Đức, nếu không vận dụng Điều 13 thì không có căn cứ pháp lý để buộc nguyên đơn thôi việc".

Phía bị đơn còn cho rằng ông Việt đã vi phạm Quyết định số 45 ngày 29/10/2013 của UBND tỉnh Tây Ninh về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí. Trao đổi với phóng viên, nguyên đơn khẳng định không nhân danh cơ quan để phát ngôn và cũng không cung cấp thông tin cho báo chí nên không vi phạm Quyết định số 45.

Trình bày tại Tòa, nguyên đơn khẳng định: "Quá trình công tác, ông đã đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” trong nhiều năm, được nâng lương trước thời hạn năm 2015; không có vi phạm, không hề bị nhắc nhở bằng văn bản. Điều này đã được phía bị đơn xác định rõ tại Tòa. Về mặt Đảng, ông được tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi bộ 4 thuộc Đảng ủy Sở TNMT. Lẽ ra, việc này phải được xem xét một cách thận trọng trước khi kỷ luật nếu có sai phạm nhưng lại bị phớt lờ".

Trong phần tranh luận, luật sư Trần Hải Đức đề nghị tòa đưa Trung tâm PTQĐ tỉnh Tây Ninh tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Sau khi hội ý, HĐXX tuyên hoãn phiên tòa để ông Việt cung cấp bảng lương, các khoản phụ cấp, đồng thời nếu có tài liệu chứng cứ giải trình giao nộp thì nguyên đơn và bị đơn bổ sung để tòa xem xét.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán Nguyễn Như Sơn, Phó Chánh án TAND TP. Tây Ninh, Chủ tọa phiên tòa, cho biết đây là vụ kiện chưa có tiền lệ tại địa phương, Tòa sẽ xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin vụ án này khi có tình tiết mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ nguyên Phó GĐ trung tâm phát triển quỹ đất kiện Sở TNMT tỉnh Tây Ninh: Bất thường trong quyết định buộc thôi việc