Vụ án Bảo Minh Cà Mau: Hà Văn Khoa có giúp sức cho Nguyễn Viết Lượng?

Nguyễn Quang| 24/03/2017 08:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Bảo Minh Cà Mau đã kéo dài 10 năm với 8 bản cáo trạng, nhiều phiên tòa xét xử nhưng vẫn chưa làm rõ được hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo buộc của cơ quan công tố...

Đơn cử trường hợp Hà Văn Khoa bị quy kết giúp sức cho Nguyễn Viết Lượng... vẫn đang kháng cáo kêu oan.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Viết Lượng, nguyên Phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc Bảo Minh Cà Mau bị truy tố về tội tham ô bằng rất nhiều bộ hồ sơ bồi thường.

Bị cáo Hà Văn Khoa bị truy tố liên quan đến hai bộ hồ sơ. Hồ sơ thứ nhất mang số 20 đối với chủ phương tiện xe 69L-5220 là bà Nguyễn Kim Yến. Ông Nguyễn Viết Lượng khi đó là Phó Giám đốc Công ty giao cho Khoa tính toán số tiền bồi thường. Theo bản án sơ thẩm 02/2016/HSST ngày 27/1/2016 của TAND tỉnh Cà Mau thì xe 69L-5220 của bà Nguyễn Kim Yến tham gia Bảo hiểm Bảo Minh từ ngày 28/7/2004 đến 28/1/2005, do Nguyễn Văn Nhung là cán bộ khai thác thị trường của công ty bán. Hồ sơ thể hiện ngày 17/8/2004 xe này xảy ra tai nạn tại phường 2, thị xã Vĩnh Long. Bảo Minh Cà Mau chi bồi thường cho Nguyễn Kim Yến hơn 59 triệu đồng bằng hai phiếu chi, kèm theo hai thông báo bồi thường do Lượng ký, biên bản giám định thiệt hại ngày 18/8/2004 do Lượng ký.

Quá trình điều tra bà Yến xác nhận xe 69L- 5220 đã được PJICO bồi thường gần hơn 26 triệu đồng. Bản án nhận định “hồ sơ bồi thường thể hiện do Hà Văn Khoa lập tính toán, đề xuất bồi thường... Trong trường hợp này lẽ ra Hà Văn Khoa từ chối đề xuất bồi thường vì hồ sơ giám định không hợp lệ và hồ sơ này được xác định là hồ sơ khống nên Khoa phải chịu trách nhiệm”.

Tương tự như vậy, hồ sơ thứ hai mang số 21 trong bản án bồi thường xe ôtô 64H - 2459 cho ông Phạm Minh Phúc, số tiền 58 triệu đồng. Hồ sơ bảo hiểm của Bảo Minh Cà Mau cho thấy chủ xe tham gia bảo hiểm, do Tạ Viễn Phương bán. Sau khi gây tai nạn tại Vĩnh Long đã được Bảo Minh Cà Mau chi trả bồi thường. Luật sư bào chữa cho Lượng xác định: cáo trạng dựa vào bản fax để cho rằng Lượng chỉ đạo Phương bán bảo hiểm lùi cho xe này là thiếu căn cứ. Tuy nhiên, cơ quan truy tố cho rằng đây là hồ sơ khống. Nguyễn Viết Lượng là người chỉ đạo Tạ Viễn Phương bán bảo hiểm và đưa hồ sơ cho Khoa tính toán, đề xuất bồi thường cho xe 64H - 2459. “Như vậy có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Viết Lượng chiếm đoạt số tiền bồi thường 58 triệu đồng; các bị cáo Tạ Viễn Phương, Hà Văn Khoa giúp sức cho Lượng chiếm đoạt”...

Vụ án Bảo Minh Cà Mau: Hà Văn Khoa có giúp sức cho Nguyễn Viết Lượng?

Các bị cáo tại phiên tòa

TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt Hà Văn Khoa 9 tháng tù về hành vi giúp sức cho Nguyễn Viết Lượng chiếm đoạt số tiền 117.177.000 đồng.

Bị cáo Hà Văn Khoa kháng cáo kêu oan vì cho rằng mình chỉ là nhân viên bồi thường, có nghĩa vụ phải tính toán các hồ sơ được giao. Khi lãnh đạo là ông Lượng giao hai hồ sơ, thấy đủ điều kiện thì tính toán đề xuất như thường lệ, không thể biết đó là hồ sơ khống do ông Lượng làm như cáo trạng quy kết. Chính bản án sơ thẩm cũng nhận định hồ sơ do Khoa tính toán mức bồi thường là “các chứng từ có trong hồ sơ đầy đủ và hợp lệ... không có căn cứ chứng minh bán khống bảo hiểm...” và Tổng công ty Bảo Minh kiểm tra hàng năm cũng không phát hiện thấy đó là hồ sơ khống.

Bị cáo Hà Minh Khoa cho rằng mình không phải là người giúp sức cho Nguyễn Viết Lượng chiếm đoạt số tiền từ hai bộ hồ sơ trên đây. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 BLHS thì “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Nghĩa là, nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Vấn đề cần làm rõ là Nguyễn Viết Lượng có trao đổi, thông báo cho Hà Văn Khoa biết việc làm giả hồ sơ để chiếm đoạt số tiền bồi thường hay không? Có thỏa thuận ăn chia khi thực hiện vụ bồi thường này hay không? Nếu Khoa không biết hồ sơ đó là giả mạo, chỉ thực hiện nhiệm vụ một cách bình thường thì không thỏa mãn dấu hiệu “cố ý cùng thực hiện tội phạm”. Hơn nữa, cáo trạng quy kết Nguyễn Viết Lượng chiếm đoạt hoàn toàn số tiền trên 117 triệu đồng từ hai hồ sơ trên.

Một vấn đề khác cần làm rõ là hồ sơ Nguyễn Viết Lượng giao cho Khoa tính toán có đủ điều kiện bồi thường hay không? Theo lời khai của Khoa thì hồ sơ khi đó đã có đầy đủ giấy tờ theo quy định như có phiếu mua bảo hiểm của Công ty Bảo Minh Cà Mau, có tai nạn thật, có tổn thất thật, có hồ sơ Cảnh sát giao thông, có hình ảnh minh họa kèm theo (hình ảnh thiệt hại), hồ sơ tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm. Theo quy định thì khi tài liệu đã đầy đủ, Khoa phải tính toán số tiền dự kiến bồi thường.

Một vấn đề khác cần làm rõ là theo quy chế bồi thường của doanh nghiệp này thì thẩm quyền, trách nhiệm quyết định bồi thường do những chức danh nào quyết định? Bản tính toán đề xuất mức bồi thường do nhân viên bồi thường đưa ra, có tính quyết định, bắt buộc phải thực hiện hay chỉ thuần túy mang tính “kỹ thuật”?

Vụ án kéo dài đã 10 năm, nhưng chưa có bản án có hiệu lực pháp luật để khép lại. Với tinh thần cải cách tư pháp, không làm oan người không phạm tội và cũng không bỏ lọt tội phạm, những người có liên quan đến vụ án này cũng như dư luận địa phương đang trông chờ một phán quyết khách quan, đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án Bảo Minh Cà Mau: Hà Văn Khoa có giúp sức cho Nguyễn Viết Lượng?