Tranh chấp đất đai tại Bình Dương: Vì sao bản án hai cấp bị hủy?

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đất khai hoang, phục hóa từ năm 1967 - 1968 được chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận đăng ký ruộng đất năm 1985, đã xây nhà kiên cố, đăng ký kinh doanh… Thế nhưng, một công ty có trụ sở liền kề đã liên tục “làm phép” để sử dụng. Mặc dù đương sự đã có đơn khiếu nại nhưng chính quyền địa phương vẫn cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bên “xin”. Từ đó dẫn đến vụ c�

Có nguồn gốc trước khi tranh chấp hàng chục năm, nhưng nhà và tài sản của gia đình ông Phụng vẫn bị cưỡng chế

Nguyên đơn thắng kiện

Theo nguyên đơn là Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương thì ngày 15-1-2004, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Dương ký hợp đồng thuê đất với Công ty. Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty này. Diện tích đất Công ty ký trong hợp đồng thuê đất tại xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với mục đích sử dụng là xây dựng công trình công nghiệp với thời hạn thuê là 49 năm. Hiện nay, gia đình ông Đỗ Minh Phụng đang sinh sống trên diện tích đất mà Công ty đã ký hợp đồng thuê và được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nói trên. Năm 2006, Công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất nên tiến hành san lấp thì ông Phụng cản trở.

Tuy nhiên, theo ông Phụng thì năm 1967-1968, cha mẹ ông là cụ Đỗ Văn Sử và bà Nguyễn Thị Sởn khai phá một phần đất và cất nhà ở. Năm 1985, cụ Sởn có đăng ký diện tích đất 13.250 m2. Khi cụ Sởn chết, ông tiếp tục sử dụng đất, khoảng trước năm 1996, Xí nghiệp Chế biến mủ Bù Chí đã lấn chiếm khoảng 4.228m2 trong tổng số diện tích đất mà cha mẹ ông để lại, ông đã có đơn khiếu nại gửi chính quyền các cấp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Khi đăng ký thì chính quyền cho rằng đất có tranh chấp và không cho đăng ký. Ông xây nhà kiên cố trên đất nhưng không có ai ngăn cản. Ông không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Bản án dân sự sơ thẩm ngày 16-4-2007 của TAND huyện Bến Cát đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc ông Phụng phải tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản trên đất và trả lại 4.097 m2 đất cho Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương. Ngày 25-9-2007, tại bản án dân sự phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Dương đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương; buộc ông Phụng phải tháo dỡ nhà và các tài sản khác để trả lại toàn bộ diện tích đất đã lấn chiếm (diện tích 672m2).

Hủy bản án của 2 cấp xét xử

Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Phụng liên tục có đơn khiếu nại. Ngày 22-9-2010, Chánh án TANDTC đã có kháng nghị đề nghị Tòa Dân sự TANDTC hủy cả 2 bản án sơ, phúc thẩm nói trên. Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 123/2011/DS-GĐT ngày 16-2-2011, Tòa Dân sự TANDTC cho rằng: Theo trình bày của ông Phụng, toàn bộ diện tích đất tranh chấp là một phần trong tổng số 13.250 m2 đất do cha mẹ của ông là cụ Sử khai hoang vào khoảng năm 1967-1968. Sau khi giải phóng, gia đình ông đã đăng ký, kê khai và sử dụng diện tích đất trên.

Tại Giấy chứng nhận đăng ký ruộng đất số 336/ĐKRĐ ngày 25-4-1985 thể hiện, Hội đồng đăng ký ruộng đất xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã nhận đơn đăng ký ruộng đất của bà Sởn đối với một số thửa ruộng, có tổng diện tích là 13.250m2. Tại Biên bản xác minh ngày 12-9-2007, ông Phạm Văn Thanh (cán bộ Địa chính xã Thới Hòa) xác nhận theo sổ mục kê, sổ đăng ký đất và tờ bản đồ vào thời điểm năm 1985 (đăng ký 299) thì ông Đỗ Minh Phụng quản lý các thửa 3929 đến 3935, tổng diện tích 2.660m2. Tuy nhiên, bản đồ 299 và bản đồ chính quy năm 1995 có trong hồ sơ vụ án thì không thể hiện các thửa đất từ 3929 đến 3935 (trong bản đồ 299) và thửa 309 (diện tích 6.311m2) trong bản đồ chính quy năm 1995 là một.

Như vậy, có cơ sở xác định, có việc cụ Sởn đăng ký một số thửa đất, diện tích 13.250m2 vào năm 1985; cùng năm, ông Phụng có đăng ký các thửa 3929 và 3935, diện tích là 2.660m2. Nhưng hiện tại, ông Phụng đang sử dụng thửa 309, diện tích 6.311m2. Tòa án các cấp chưa xác minh làm rõ, diện tích đất hiện tại ông Phụng đang sử dụng có nằm trong diện tích các thửa đất mà ông Phụng hoặc cụ Sởn đăng ký, kê khai vào năm 1985 hay không.

Mặt khác, quá trình thực hiện việc ký hợp đồng cho thuê đất giữa Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Dương và Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương, sau đó là Quyết định số 612/QĐ-CT ngày 15-1-2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc thu hồi đất có diện tích 39.076 m2 đất của Công ty XNK Bình Dương (nay là Công ty Thương mại đầu tư và phát triển) để cho Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương thuê đất không đề cập đến việc thu hồi diện tích đất của các hộ gia đình ông Phụng.

Ngoài ra, tại phiếu hướng dẫn số 17/4BT/XKT ngày 17-4-1996 của Thanh tra huyện Bến Cát thể hiện, ông Đỗ Minh Phụng đã có đơn yêu cầu giải quyết việc tranh chấp đất đai giữa ông với Xí nghiệp Chế biến mủ Bù Chí (trực thuộc Công ty Thương mại tổng hợp XNK Becamex tỉnh Sông Bé). Như vậy, đã có việc tranh chấp đất giữa ông Phụng với Công ty Thương mại tổng hợp XNK Becamex tỉnh Sông Bé. Do vậy, cần phải xác minh việc tranh chấp này đã được cơ quan nào giải quyết.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên, nhưng lại căn cứ vào lời khai của đại diện Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư tỉnh Bình Dương và việc Công ty này đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện, từ đó buộc ông Phụng, bà Ngọc dỡ bỏ nhà và tài sản có trên đất, trả đất cho Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư tỉnh Bình Dương là chưa đủ căn cứ. Do đó, Quyết định giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án TANDTC, hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, bản án sơ thẩm của TAND huyện Bến Cát. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tống Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp đất đai tại Bình Dương: Vì sao bản án hai cấp bị hủy?