Quyết định của UBND huyện Sóc Sơn liệu có đúng?

Đào Trang| 23/12/2016 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không rõ với động cơ và mục đích gì mà UBND huyện Sóc Sơn đã ra một văn bản với nhiều điểm bất hợp lý, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Ngày 18/11/2016 vừa qua, Báo Công lý có bài: “Huyện Sóc Sơn - Hà Nội: Người dân “điêu đứng” vì quyết định của UBND xã Bắc Phú”. Bài viết phản ánh việc, UBND xã Bắc Phú có nhiều quyết định bất hợp lý liên quan đến quyền sử dụng mảnh đất 362m2 ở xứ đồng Dọc Nghè của gia đình ông Nghiêm Văn Bốn, trú tại thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Sau khi bài báo được đăng tải, Báo Công lý nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc, đa số các phản hồi đều tỏ ra bức xúc trước việc làm trên của UBND xã Bắc Phú đối với gia đình ông Nghiêm Văn Bốn. Các phản hồi đều mong muốn Báo Công lý và chính quyền huyện Sóc Sơn sớm làm sáng tỏ vụ việc trên.

Quyết định của UBND huyện Sóc Sơn liệu có đúng?

Ảnh minh hoạ

Ngày 7/12/2016, Báo Công lý nhận được Công văn số 1988/UBND - TNMT của UBND huyện Sóc Sơn liên quan tới bài báo. Đồng thời, cùng thời điểm trên, Báo Công lý cũng nhận được “Đơn kêu cứu lần 2” của gia đình ông Nghiêm Văn Bốn.

Trong đơn gửi tới Báo Công lý, ông Nghiêm Văn Bốn đã bày tỏ thái độ vô cùng bức xúc và khẳng định, Công văn số 1988 của UBND huyện Sóc Sơn có nhiều điểm bất hợp lý, cần được làm sáng tỏ, trả lại sự công bằng cho người dân.

Về vụ việc này, Luật sư Dương Xuân Huề (Văn phòng Luật sư Hoàng Huy - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Mảnh đất tại Xứ Đồng Dọc Nghè, thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn có diện tích 362m2 là mảnh đất mà gia đình ông Bốn đã sử dụng ổn định, lâu dài từ trước thời điểm năm 1993, không có bất kỳ tranh chấp gì. Gia đình ông Bốn có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, bao gồm: Văn bản khoán thầu lâu dài, Biên lai thuế, Bộ Sổ thuế nông nghiệp.

Trên thực tế, gia đình ông Bốn đã được UBND xã Bắc Phú xác nhận về việc giao khoán thầu. Ngay trong Bộ Sổ thuế nông nghiệp số 09 năm 1993 của gia đình ông Bốn được cấp có ghi đầy đủ hướng dẫn sử dụng đối với trường hợp đất có văn bản giao khoán của HTX (tại trang 2 của Bộ Sổ thuế nông nghiệp).

Việc UBND huyện Sóc Sơn khẳng định Văn bản khoán thầu mà gia đình ông Bốn cung cấp không có giá trị pháp lý, cùng với việc dựa trên căn cứ “theo quy định Luật Đất đai 1987, HTX nông nghiệp và Hội Người cao tuổi không phải cơ quan nhà nước và không có thầm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất" là hoàn toàn bất hợp lý.

Căn cứ theo Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, văn bản khoán thầu, biên lai thuế, Bộ Sổ thuế nông nghiệp là căn cứ để chứng minh việc gia đình ông đã sử dụng đất ổn định theo quy định pháp luật. Như vậy, những văn bản chính quyền cấp cho gia đình ông Bốn hoàn toàn có giá trị về mặt pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất của gia đình ông.

Ngoài ra, qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc thì nội dung Quyết định số 1630/QĐ-UBND và Quyết định số 1631/QĐ-UBND ngày 26/5/2016 của UBND huyện Sóc Sơn tồn tại rất nhiều điểm mâu thuẫn.

Thứ nhất, UBND huyện Sóc Sơn không công nhận Văn bản giao khoán thầu giữa HTX nông nghiệp Yên Tàng với gia đình ông Nghiêm Văn Bốn theo Nghị quyết 03 của Huyện ủy Sóc Sơn vì cho rằng thời điểm này HTX nông nghiệp không có thẩm quyền trong việc giao đất và cho thuê đất. Tuy nhiên, tại trang 1 của Quyết định lại ghi: "Thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy Sóc Sơn về việc giao đất sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn huyện, gia đình bà Vụ được HTX nông nghiệp thôn Yên Tàng giao cho 1 thửa đất sản xuất nông nghiệp …". Vậy, việc giao đất cho gia đình bà Vụ cũng không đúng theo quy định Luật Đất đai 1987, tại sao lại vẫn được công nhận?

Thứ hai, tại trang 2 của quyết định còn nêu rất rõ, theo báo cáo của UBND xã Bắc Phú: “Quá trình giao đất theo Khoán 10 và Nghị quyết 03 của Huyện ủy Sóc Sơn cho các hộ dân thì HTX nông nghiệp tổ chức giao đất cho các đội sản xuất căn cứ vào diện tích được giao và sổ nhân khẩu nông nghiệp của từng hộ gia đình, Đội sản xuất tiến hành bàn giao cho các hộ dân ngoài thực địa, không lập thành biên bản giao đất". Việc giao đất được ghi nhận ngoài thực địa, không có biên bản được ghi nhận thì không có lý gì việc giao khoán thầu có văn bản rõ ràng lại không được ghi nhận.

"Tại thời điểm này, ông Bốn đã có đơn khởi kiện vụ án hành chính đối với nội dung trong Quyết định 1631/QĐ-UBND của UBND huyện Sóc Sơn về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Nghiêm Văn Bốn và gia đình bà Nguyễn Thị Hà, Trần Thị Vụ đang được Tòa án huyện Sóc Sơn thụ lý giải quyết. Do vậy, khi chưa có phán quyết cuối cùng của Tòa án thì UBND huyện Sóc Sơn không có quyền đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến mảnh đất trên”, LS. Dương Xuân Huề nhấn mạnh.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết định của UBND huyện Sóc Sơn liệu có đúng?