Phòng ngừa, ngăn chặn người tâm thần, “ngáo đá” gây án

Phú Trung| 21/01/2017 08:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, không ít người bỗng dưng mất mạng chỉ vì đối tượng đang mắc bệnh tâm thần hoặc trong cơn “ngáo đá”. Dù nguy cơ gây chết người từ nhóm đối tượng này hiện hữu khắp nơi, song công tác quản lý, điều trị cho họ vẫn còn nhiều bất cập.

Những vụ án đau lòng

Ngày 31/10/2016, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) - Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ Nguyễn Văn Sơn (SN 1989, thôn 6, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam) theo quyết định truy nã của Công an huyện Tiên Phước.

Theo hồ sơ, tháng 7/2016, sau khi đi dự đám cưới của người quen ở thôn 5, xã Tiên Cảnh về, Sơn dùng dao bấm thản nhiên đâm một thanh niên chạy xe cùng chiều phía trước khiến người này bị thương tích. Sau khi gây án, Sơn đến một bãi vàng ở xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, Quảng Nam mưu sinh bằng nghề mót vàng và cũng để trốn truy nã.

Trong thời gian làm tại đây, vì trời mưa nên Sơn tạm ngưng công việc mót vàng. Không có việc gì làm, Sơn xuống núi. Tuy nhiên, khi “hạ sơn”, đối tượng bị lực lượng trinh sát truy nã bắt giữ.

Tại cơ quan điều tra, nói về vụ án cố ý gây thương tích, Sơn khai không hề quen biết hay mâu thuẫn với nạn nhân. Sau khi sử dụng ma túy đá vì sinh ảo giác nên Sơn “làm càn”.

Phòng ngừa, ngăn chặn người tâm thần, “ngáo đá” gây án

Đối tượng Nguyễn Văn Sơn và Lê Quang Lập 

Cũng tương tự như Sơn, sau khi sử dụng ma túy đá, Võ Duy Phước (SN 1990, thị trú trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đến nhà ông nội chơi. Không thấy ông ở nhà, đứa cháu bất ngờ lật đổ bàn thờ, đẩy tủ, bàn ghế… chất đống giữa nhà rồi châm lửa đốt. Ngồi ngắm lửa cháy hơn một tiếng, Phước bỏ đi. Hai tiếng sau, Phước quay lại, vẫn chưa thấy ông về nên gom đồ tiếp tục đốt khiến đám cháy lan rộng. Nhiều người hàng xóm phát hiện đám cháy nên đã nỗ lực dập lửa.

Giống như người bị “ngáo đá”, nguy cơ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội của người tâm thần là khá cao, song việc quản lý nhóm đối tượng này còn thiếu chặt chẽ. Do vậy, phần lớn người bệnh hiện sống tại cộng đồng hoặc lang thang ngoài đường nên có thể gây án bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, không ít gia đình dù có người mắc bệnh song không đưa thân nhân đến bệnh viện điều trị mà thường tự điều trị ở nhà hoặc bỏ mặc, thậm chí còn giấu tình trạng của người bệnh.

Đến bây giờ người dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam vẫn không thể nào quên thảm án kinh hoàng xảy ra vào năm 2014 mà hung thủ là người có tiền sử bệnh tâm thần. Nạn nhân mà Lê Quang Lập (SN 1994, trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) ra tay sát hại chính là bà ngoại và mẹ ruột của mình, hai người thân trực tiếp chăm sóc Lập nhiều năm.

Khoảng 15h45 ngày 10/7, Lập bất ngờ dùng búa đóng đinh đánh chết bà ngoại mình là cụ Nguyễn Thị Kha (SN 1928). Phát hiện sự việc, mẹ Lập là bà Trần Thị Thi (SN 1978) kêu cứu rồi chạy đi báo Công an. Chạy được một đoạn thì bà Thi bị Lập đuổi theo dùng mỏ lết đánh chết tại chỗ. Được biết, Lập mắc triệu chứng tâm thần, đã được gia đình đưa đi chữa bệnh. Do bệnh tình thuyên giảm nên anh ta về lại nhà, nhưng không lâu sau phát bệnh lại, sau đó xảy ra sự việc thương tâm.

Cũng đầu 8/2016, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ giết người chôn xác rúng động dư luận Quảng Nam năm 2014.

Theo cáo trạng, do tức tối vì bị gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1994, ngụ xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) đánh trước đó, nên tối 10/9/2014, Lê Phúc (SN 1991, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) lấy rựa ra đường chờ chị Tuyết đi làm về để ra tay sát hại.

Đến khoảng 22h, khi phát hiện chị Tuyết đi làm về, Phúc lao ra chặn đường rồi dùng rựa chém nhiều nhát vào đầu và mặt khiến nạn nhân gục ngã. Thấy chị Tuyết nằm im, Phúc nghĩ nạn nhân đã chết nên không chém nữa. Lúc này, Phúc giở trò đồi bại với nạn nhân nhưng thấy chị Tuyết cử động nên tiếp tục cầm rựa chém thêm nhiều nhát nữa cho đến khi nạn nhân tử vong.

Phòng ngừa, ngăn chặn người tâm thần, “ngáo đá” gây án

Bị cáo Lê Phúc

Sau khi giết chị Tuyết, Phúc kéo thi thể nạn nhân đến bờ ruộng cách đó 3m, dùng rựa và tay đào một cái hố, kéo Tuyết lại nằm úp xuống đất rồi lấp đất chôn xác nạn nhân, sau đó lấy bèo phủ lên lớp đất. Chôn xác nạn nhân xong, Phúc về tắm rửa, cất giấu rựa và đi ngủ.

Đến ngày 13/9/2014, một người dân đi câu cá vô tình phát hiện chiếc xe máy của chị Tuyết dưới suối và báo cho người nhà nạn nhân đi tìm thì phát hiện thi thể của chị Tuyết bị chôn đã phân hủy, bốc mùi.

Trong quá trình điều tra, Phúc có biểu hiện tâm thần và gia đình bị can đã cung cấp hồ sơ bệnh án của Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. Theo kết luận của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng; trước, trong, sau khi gây án và hiện tại, Phúc bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.

Đại diện VKS cũng cho rằng do bị cáo Phúc bị hạn chế về năng lực nhận thức do bị bệnh tâm thần phân liệt “loạn dục phô bày” theo kết luận của Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng nên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phúc mức án từ 18-20 năm tù.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND cấp cao vẫn giữ y án chung thân đối với bị cáo Lê Phúc như bản án sơ thẩm mà TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên trước đó.

Chủ động phòng ngừa

Các vụ án do người bị bệnh tâm thần và người sử dụng ma túy gây ra đều có điểm chung là sự việc diễn ra bất ngờ, không thể lường trước. Chính vì vậy, cần phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng người có biểu hiện, bệnh lý tâm thần, “ngáo đá” gây án.

Ngày 30/12/2016, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa như rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng có tiền sử bị bệnh lý về tâm thần hay đang có biểu hiện tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp và các chất ma túy khác gây ra hiện tượng ảo giác, “ngáo đá”; tiếp tục tấn công trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy...

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, người dân cũng cần phải chủ động phòng ngừa. Thực tế cho thấy, những vụ án mạng từ người có bệnh tâm thần và “ngáo đá” xảy ra một phần là do người thân trong gia đình của họ đã không nhận thức được mức độ nguy hiểm khi đối tượng mất kiểm soát. Gia đình cứ nghĩ rằng khi người bệnh được xuất viện là đã ổn, không nghĩ tới hậu quả khi bệnh tái phát.

Còn đối với những đối tượng sử dụng ma túy, cần phải nhận biết được dấu hiệu của người đang bị “ngáo đá” như đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục, mắt có quầng thâm... Khi “ngáo đá” có những hành vi mất kiểm soát như nói lảm nhảm, la hét, leo trèo...cần trấn an đối tượng, cho đối tượng uống nhiều nước để giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá. Nếu đối tượng có hành vi hung hãn cần phải sơ tán người già, trẻ em ra khỏi nhà và nhờ hàng xóm, lực lượng chức năng khống chế, kịp thời ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm của đối tượng. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giải pháp “phần ngọn”, về mặt lâu dài, phải giúp người thân cai nghiện và tránh xa với hiểm họa ma túy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa, ngăn chặn người tâm thần, “ngáo đá” gây án