Nữ nhân viên “ngân hàng” lừa nhiều người “sập bẫy” như thế nào?

Sơn Tùng| 30/12/2016 08:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ trong vòng 2 tháng 9 và 10/2016, Loan đã thực hiện trót lọt 7 vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Như Báo Công lý đã thông tin, vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45) – Công an Quảng Nam đã bắt tạm giam đối tượng Võ Thị Kim Loan (SN 1991, trú thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” .

Qua điều tra xác định, từ khoảng từ đầu tháng 9/2016 đến đầu tháng 10/2016, với thủ đoạn giới thiệu là cộng tác viên của ngân hàng, làm thủ tục hồ sơ cho khách hàng vay, Loan đã thực hiện trót lọt 7 vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vào tháng 9/2016, Nguyễn Thị V. (trú thôn Quý Xuân 1, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam; là tư vấn viên tài chính của Công ty Tài chính TNHH MTV T.V.) đề nghị Loan tìm khách hàng cần vay vốn làm hồ sơ để hưởng tiền hoa hồng và Loan đồng ý.

Để công việc trôi chảy, V đã trực tiếp tư vấn cho Loan 3 hình thức để Loan tìm kiếm khách hàng làm hồ sơ vay vốn gồm: vay bằng hóa đơn tiền điện, vay bằng bảng lương sao kê và vay bằng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Nữ nhân viên “ngân hàng” lừa nhiều người “sập bẫy” như thế nào?

Võ Thị Kim Loan tại cơ quan điều tra (Ảnh: S.T)

Sau khi có “nghề” trong tay, Loan tiến hành tìm kiếm khách hàng, thu thập hồ sơ và tư vấn khách hàng. Ngày 26/9, trong quá trình làm hồ sơ vay vốn cho khách hàng, vì muốn chiếm đoạt tài sản của khách nên Loan đã tự nghĩ ra một hình thức vay vốn “mới” được Loan gọi là “vay bằng hợp đồng trả góp”.

Cụ thể, Loan nói với khách hàng dùng hợp đồng trả góp để vay vốn và sẽ yêu cầu khách hàng phải mua một đồ vật có giá trị trên 5 triệu đồng dưới hình thức trả góp. Sau khi khách hàng tin và mua đồ vật trả góp thì Loan sẽ yêu cầu khách hàng đưa đồ vật đã mua trả góp đó cho mình. Khi được vay vốn Loan sẽ trả lại nhưng mục đích của Loan là để chiếm đoạt đồ vật này .

Với “chiêu thức” mới, vào ngày 26/9, Loan đã yêu cầu chị Trương Thị Kim L.(trú tại thôn An Lâu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) là người cần vay vốn đến Siêu thị Viễn Thông A (đóng tại TP. Tam Kỳ) làm hồ sơ trả góp với Công ty tài chính TNHH HD Saison mua một điện thoại di động nhãn hiệu SamSung GaLaXy A7 với giá 9.990.000 đồng. Sau đó Loan yêu cầu chị L. giao điện thoại vừa mua cho Loan. Loan mang điện thoại này đến Cửa hàng ĐTDĐ V.N. (nằm trên đường Phan Chu Trinh, TP.Tam Kỳ) bán được 5.350.000 đồng và sử dụng tiêu xài cá nhân. Còn chị L. phải chịu trách nhiệm trả góp số tiền đã mua điện thoại.

Ngoài ra, nữ nhân viên “tinh quái” này còn tự nghĩ ra một hình thức vay vốn khác được Loan gọi là “vay bằng sổ tiết kiệm”. Cụ thể, khi có khách hàng cần vay vốn Loan sẽ yêu cầu khách hàng phải chi ra một số tiền từ 4 -10 triệu đồng để làm sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Loan đang làm (Loan tự xưng là nhân viên Ngân hàng Q.Đ chi nhánh Quảng Nam) thì sẽ được vay số tiền dao động từ 10 - 180 triệu đồng. Với “chiêu thức” này, nếu khách hàng nào tin và giao tiền cho Loan để làm sổ tiết kiệm thì Loan sẽ chiếm đoạt số tiền đó.

Nghĩ là làm, ngày 30/9, Loan đã chiếm đoạt của chị Võ Thị Kim Th.(trú tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) 3,5 triệu đồng; ngày 1/10, Loan chiếm đoạt của chị Hồ Thị Ngọc Tr. và chị Nguyễn Thị Mộng T. (cùng trú tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) mỗi người 1 triệu đồng; ngày 2/10, Loan chiếm đoạt của chị Lê Thị Xuân K.( trú tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) 1,5 triệu đồng; ngày 3/10, Loan chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị H. (trú tại thị trấn Hà Lam) 3 triệu đồng; ngày 4/10, Loan chiếm đoạt của anh Mai Vũ Ph. (trú tại Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) 7 triệu đồng.

Mặc dù khá ma mãnh nhưng hành vi của Loan đã không qua mắt được lực lượng Công an. Sau thời gian điều tra, 8h ngày 28/12, Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành khởi tố Loan về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bắt tạm giam 2 tháng để điều tra, làm rõ vụ án.

Được biết, hầu hết các nạn nhân đều là công nhân, người lao động có thu nhập thấp nên số tiền trên với họ không phải là nhỏ. Theo lời những người này, do cần số tiền “nóng” để giải quyết gấp công việc nên họ không đến ngân hàng mà giao dịch với Loan, vì “thủ tục dễ dàng, nhanh gọn”, nào hay, họ đã sập bẫy của nữ nhân viên “ngân hàng” lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ nhân viên “ngân hàng” lừa nhiều người “sập bẫy” như thế nào?