Những “khoảng tối” trong vụ án cố ý gây thương tích ở Hà Nội

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án Nguyễn Văn Sơn (ở xã Hoàng Kim, Mê Linh, Hà Nội) bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” qua hai lần điều tra đến nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập, sai sót khiến dư luận cho rằng cần phải khắc phục để tránh oan sai.

Do có mâu thuẫn với gia đình chồng, tối 14-8-2009, chị Hằng cùng chị gái là Nguyễn Thị Thúy đã đến chửi bới, đánh hai con của anh Nguyễn Văn Sơn (em chồng chị Hằng). Biết tin, anh Nguyễn Văn Thành (chồng chị Hằng) cùng một số người chạy về can thiệp và Thành đã túm tóc vợ, tát liền mấy cái. Hai chị em chị Hằng, chị Thúy được mọi người đẩy vào sân nhà chị Tuyết gần đó để tránh nhưng theo lời khai của chị Hằng được CQĐT Công an huyện Mê Linh chấp nhận thì Nguyễn Văn Sơn đã lao vào sân nhà chị Tuyết, “dùng tay trái túm tóc, tay phải đẩm liên tiếp vào mặt chị Hằng” làm nạn nhân bị tổn hại 32% sức khỏe do di chứng chấn thương mắt trái. Sơn bị khởi tố và bắt giam về hành vi “Cố ý gây thương tích”.


Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thành, chồng bị hại khai nhận chính mình là người dùng tay tát chị Hằng thì lại chỉ bị phạt hành chính. Anh Thành khai: “Thương tích ở mặt Hằng là do tôi gây ra. Tuy nhiên, cần phải giám định lại thương tích này vì 3 cái tát của tôi không thể làm mắt Hằng tổn thương 32% sức khỏe được. Chú Sơn không hề vào sân nhà chị Tuyết và không tát Hằng”.


Luật sư Đinh Duy Hải (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) là người bào chữa cho Nguyễn Văn Sơn đã nêu nghi vấn bị hại đã khai gian dối nhằm đổ tội cho Sơn. Lúc đầu Hằng khai bị Sơn cầm nửa viên gạch đập vào mắt nhưng sau khi biết kết quả giám định vết thương của mình là do vật tày tác động thì Hằng lại thay đổi lời khai rằng, Sơn đấm mình bằng tay không.

Bị cáo Sơn khẳng định, mình không hành hung chị dâu


Vấn đề tỷ lệ thương tật của bị hại theo kết luận điều tra cũng đầy nghi vấn. Chính Sơn nhiều lần đề nghị CQĐT trưng cầu giám định lại thương tích của Hằng nhưng không hiểu sao yêu cầu này lại bị từ chối. Thêm một điều khuất tất nữa là bệnh án của bị hại không có trong hồ sơ vụ án (?).


Luật sư Đinh Duy Hải sau khi được tiếp cận các bản kết luận giám định cho biết: trong các bản giám định có phần kết luận mắt phải 10/10 song mắt trái của bị hại bị gây thương tích thì không thấy ghi thị lực là bao nhiêu? Ông Hải kiến nghị phải cho bị hại đi giám định lại để xác định cụ thể mắt trái của bị hại bị ảnh hưởng tầm nhìn tỷ lệ là bao nhiêu thì mới có căn cứ so sánh áp dụng tỷ lệ phần trăm sức khỏe là 32%. Tuy nhiên, kiến nghị này đến nay vẫn chưa được chấp nhận.


Bản kết luận giám định cũng nêu: Nguyễn Thị Hằng bị “tổn hại đường dẫn truyền thị thần kinh”. Theo ông Hải, Thông tư liên bộ gồm Y tế - Lao động, Thương binh và xã hội số 12 ngày 26-7-1995 quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật không có bệnh “tổn hại đường dẫn truyền thị thần kinh” . Đó là chưa kể qua xác minh của ông Hải, cả hai lần giám định đều do một hội đồng gồm 3 bác sĩ thực hiện là trái với Điều 159 Bộ Luật TTHS quy định việc giám định bổ sung phải do hội đồng giám định khác thực hiện.


Đặc biệt, LS Hải còn phát hiện thêm trong hồ sơ thể hiện tại Bút lục số 51 có bức ảnh bị hại Nguyễn Thị Hằng bị thương ở mắt. Tuy nhiên, không rõ bức ảnh này được ai đưa vào hồ sơ, không thấy có biên bản giao nhận song vẫn được đánh số thứ tự 51. Phía sau tấm ảnh có ghi là “13h ngày 14 tháng 3 hay tháng 8” nên nếu nó được chụp lúc 13h ngày 14-8 thì đây là thời điểm sự việc xô xát chưa xảy ra. LS Hải nghi ngờ có việc “tuồn” thêm bức ảnh để tạo chứng cứ giả cho vụ án.


Ngày 4-8-2011, LS Hải đã đi xác minh tại hiệu chụp ảnh của ông Lưu Ngọc Thuỷ tại Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội. Tại biên bản xác minh có chữ ký của ông Thuỷ, những người liên quan và được UBND xã Thạch Đà xác nhận có nêu rõ: “Ngày 14-6-2011, người phụ nữ trong ảnh có đem một tấm ảnh giống ảnh luật sư cho ông Thuỷ xem, yêu cầu ông Thuỷ chụp lại tấm ảnh đó và in ra cung cấp cho người phụ nữ đó. Sau đó mấy ngày thì cán bộ Công an đến tiến hành xác minh về tấm ảnh mà trước đó người phụ nữ yêu cầu chụp lại và in ra”. LS Hải nghi ngờ, bức ảnh Nguyễn Thị Hằng có vết thương ở mắt là bức ảnh được chụp lại có dùng kỹ thuật “vẽ” thêm phần vết thương.


Với những thông tin trên đây, có thể thấy quá trình điều tra vụ án còn bộc lộ nhiều hạn chế cần tiếp tục làm rõ để tránh oan sai cho công dân trước khi phiên toà xét xử vụ án diễn ra.


Công Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “khoảng tối” trong vụ án cố ý gây thương tích ở Hà Nội