Hà Nội: Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai hàng chục năm chưa xử lý

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều sai phạm đã được thanh tra làm rõ kiến nghị xử lý hình sự nhưng bị lờ đi… Đó là những gì đang tồn tại ở Khu sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tập trung (gọi tắt là Khu làng nghề) thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Tp. Hà Nội.

Sai phạm đã rõ nhưng bị… lờ đi

Từ năm 2002, UBND xã Chàng Sơn đứng ra ký hợp đồng với hàng trăm hộ dân để cho thuê đất phục vụ làng nghề ở địa phương. Theo hợp đồng, mỗi hộ dân được thuê 300m2 ( 5 x 60) đất trên trục đường đến UBND huyện Thạch Thất trong thời hạn 30 năm với giá cho thuê 37,5 triệu đồng/ suất. UBND xã Chàng Sơn yêu cầu người thuê phải nộp ngay tiền trong vòng 5 ngày và tất cả các hộ có nhu cầu đã chấp hành xong. Nhưng thực tế, chỉ có hơn 300 hộ dân được Phòng TN&MT (thay mặt UBND huyện Thạch Thất) đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất. Số còn lại 64 hộ dù cũng đã có hợp đồng sơ bộ với UBND xã Chàng Sơn, đã nộp tiền đầy đủ ngay từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn không được huyện ký hợp đồng cho thuê đất.

Liên quan đến việc cho thuê đất làng nghề ở đây, trước tố cáo của công dân, nhiều đoàn thanh tra đã vào cuộc với nhiều kết luận nhưng vẫn bị khiếu nại vì cho rằng chưa thỏa đáng. Mới đây nhất, ngày 11-11-2011, Thanh tra thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 2670/BC-TTTP với những nội dung kết luận rõ ràng những sai phạm. Theo đó, đã có 14 hộ dân không đủ tiêu chuẩn được thuê đất làm nghề nhưng vẫn được UBND xã Chàng Sơn tự ý giao đất dịch vụ, thu tiền không minh bạch gây khiếu kiện phức tạp, trong đó có không ít cán bộ, Đảng viên. Việc này, theo nhận định của Thanh tra thành phố Hà Nội thì có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, đã nhiều năm qua nhưng không thấy cơ quan có thẩm quyền ở Thạch Thất có động thái nào và người dân thì nghi ngại rằng có lẽ vụ này sẽ bị “chìm”!

Việc sử dụng đất cho thuê làng nghề ở khu vực này giờ đây vô cùng phức tạp. Phần diện tích đất làm đường gom rộng 4m chạy dài phía sau các lô khu đồng Màu bị các hộ dân lấn chiếm xây dựng công trình nhưng UBND xã không có ý kiến gì. Người dân “tuỳ hứng” xây dựng không theo quy chuẩn nào: nhà xưởng, nhà ở, nhà 2, 3 tầng lẫn lộn, tràn lan (ảnh)…

Lúng túng trong việc xử lý

Làm việc với phóng viên Báo Công lý, ông Chu Thế Huấn - Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn (được Chủ tịch UBND xã ủy quyền) đã thừa nhận những sai phạm và bất cập đang tồn tại ở khu vực này là thực tế. Ông Huấn cho biết đã nắm rất chắc những vấn đề này bởi thời kỳ đó, chính ông Huấn cũng giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng Ban QLDA cho thuê đất làng nghề này và là người trực tiếp ký các hợp đồng với dân.

Về những sai phạm của người dân trong việc xây dựng lấn chiếm đường gom, ông Huấn cho hay, xã đã biết từ lâu nhưng vì “nể nang” nên đến giờ vẫn chưa có biện pháp gì(!?). Liên quan đến việc xây dựng nhà, xưởng tràn lan, ông Huấn thừa nhận chính quyền xã nhiều năm đã buông lỏng quản lý, không kiên quyết và thiếu trách nhiệm dẫn đến tình trạng như hiện nay. Ông Huấn thừa nhận với chúng tôi, chính gia đình ông cũng tự ý xây nhà … 2 tầng.

Ông Huấn cho biết, chính quyền xã Chàng Sơn đã đề nghị huyện tiếp tục xem xét và cho 64 hộ còn lại (đã nộp tiền từ 2002) được ký hợp đồng thuê đất. Nhưng đến bao giờ mới tiến hành thì … chịu bởi thẩm quyền là của huyện. Nhiều năm qua, do không có hợp đồng thuê nên những khoản thuế sử dụng đất bị thất thoát.

Về quản lý trật tự xây dựng, ông Huấn cho biết chính quyền xã có “nể nang” vì toàn là người làng. Mãi gần đây, UBND huyện Thạch Thất vừa có văn bản gửi về chỉ đạo xử lý một hộ gia đình xây dựng trong khu vực này. Được hỏi tại sao cả khu vực có hàng trăm hộ xây dựng với tình trạng như vậy mà chỉ xử lý một trường hợp, ông Huấn cho rằng đó là do huyện. Tuy nhiên khi chúng tôi muốn có được văn bản đó (văn bản hành chính và không có dấu mật) mà ông Huấn đưa ra thì ông Huấn không cung cấp mà chỉ “hé lộ” rằng văn bản đó mới ban hành ngày 2-3-2012. Ông Huấn “hướng dẫn” chúng tôi lên huyện xin. Chuyện này có vẻ như càng khó khăn hơn vì dù đã đến UBND huyện đặt lịch làm việc, nhưng hàng tuần chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được người có thẩm quyền của UBND huyện để làm rõ căn nguyên.

Về cơ sở pháp lý làm căn cứ để xử lý những ngôi nhà xây dựng tại khu vực này, ông Huấn cho biết, huyện và tỉnh Hà Tây (cũ) trước đây không có văn bản nào quy định về xây dựng ở khu vực này. Tuy nhiên, theo ông Huấn, khi cho thuê đất, UBND xã có quy định chỉ được xây nhà xưởng cấp 4. Khi chúng tôi muốn có được văn bản đó thì ông Huấn bảo vì ban hành lâu rồi, để đâu không tìm thấy. Dù vậy, ngay chính ông Phó Chủ tịch kiêm Phó Trưởng ban QLDA này cũng “vượt rào” thì giờ đây xem ra mọi chuyện sẽ càng khó khăn hơn. Hơn nữa, bản “dự thảo”mà ông Huấn cho chúng tôi xem và bảo rằng “bản chính thức cũng na ná như vậy” lại chỉ là quyết định hành chính của UBND xã mà không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Cho nên việc xử lý trật tự xây dựng xem ra không chỉ là sự lúng túng về pháp lý mà còn “vướng” bởi chính ngôi nhà 2 tầng của ông Phó Chủ tịch UBND xã cũng trong tình trạng đó.

Kết ngỏ

Thiết nghĩ, sau vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng, những chỉ đạo về công tác quản lý đất đai của Thủ tướng Chính phủ cần được chấp hành. Những tồn tại, sai phạm nêu trên cần được xử lý sao cho thấu tình, đạt lý và đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật.

Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc này sau khi UBND huyện Thạch Thất bố trí làm việc với báo chí.

X.Thao - T.Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai hàng chục năm chưa xử lý