Chờ “mất bò” rồi mới lo “làm chuồng”?

congly.com.vn| 13/04/2012 11:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý đã có bài phản ánh về những dấu hiệu sai phạm ở dự án Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài do Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư. Mới đây, tiếp tục xuất hiện nhiều phản ánh về những sai phạm nghiêm trọng hơn tại dự án này.


Hé lộ sai phạm gói thầu 18


Được biết, sau khi có đơn thư phản ánh 8 nội dung sai phạm tại gói thầu số 15, Ban quản lý dự án đã có công văn giải trình gửi các cơ quan chức năng do ông Trịnh Như Long, Giám đốc Ban QLDA ký, phủ nhận toàn bộ nội dung đơn thư. Tuy nhiên, mới đây trao đổi với báo chí, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ông đã trực tiếp cùng đoàn thanh tra của Bộ GTVT đến sân bay Nội Bài để xác minh những nội dung tố cáo.

Qua kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện có một số thay đổi đúng như đơn tố cáo và việc mất điện đột ngột là có thật...Còn ông Đỗ Quang Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam thì cho biết: Lãnh đạo Tổng Công ty đã nghe Ban QLDA báo cáo giải trình, cho thấy không có sai phạm. Còn sai phạm có hay không thì ông Việt cũng... không biết, vì ông được giao phụ trách mặt công tác dự án, việc đó là do Chủ tịch HĐQT.


Trong khi những sai phạm theo đơn thư phản ánh trước đây còn chưa được làm rõ thì mới đây, tiếp tục xuất hiện nhiều phản ánh về những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng hơn, có cơ sở rõ ràng hơn so với phản ánh trước đây. Trong đó, có nhiều nội dung trái ngược với báo cáo giải trình của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Theo đó, Ban QLDA đã qua mặt các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan pháp luật bằng cách làm trái pháp luật về đấu thầu.

Luật Đấu thầu quy định hồ sơ mời thầu, dự thầu của dự án này phải quản lý theo chế độ hồ sơ mật, toàn bộ hồ sơ phải chuyển giao cho cơ quan chức năng quản lý lưu trữ (Văn phòng Công ty quản lý bay miền Bắc). Thế nhưng, toàn bộ hồ sơ liên quan đến đấu thầu đã bị Ban QLDA do ông Long làm Trưởng ban tự ý giữ lại, nhằm thông đồng giữa bên mời thầu và nhà thầu thực hiện tráo đổi, bổ sung những trang hồ sơ để hợp thức những sai phạm trong giai đoạn đấu thầu. Khi các cơ quan chức năng tìm hiểu những vấn đề liên quan thì ông Long đều tự mình ứng phó không cho ai tiếp xúc với người ngoài. Do bộ hồ sơ rất lớn, bố cục rất lộn xộn, hơn nữa có nhiều nội dung chuyên ngành nên việc tráo đổi rất khó phát hiện.


Mua giá “trên trời”

Trong khi những nghi vấn về khuất tất tại gói thầu số 15 (xây lắp dân dụng có giá trị 170 tỷ đồng) còn chưa được làm rõ thì hiện nay, gói thầu số 18 cũng đang bộc lộ nhiều dấu hiệu sai phạm, tiêu cực, làm thất thoát hàng triệu USD của Nhà nước.


Ở gói thầu mua hệ thống ra-đa giám sát mặt đất, nhà thầu Technimex không có đăng ký hành nghề lắp đặt ra-đa, khi chào thầu tại dự án Đài KSKL Tân Sơn Nhất đã bị chính bộ máy thẩm định của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam chấm trượt về pháp lý thì nay lại được chấp nhận tại dự án Đài KSKL Nội Bài. Loại ra-đa này cùng một nhà sản xuất cung cấp, cùng mã hiệu, cùng nội dung dịch vụ nhưng Ban QLDA đài Tân Sơn Nhất chỉ mua với giá hơn 1,8 triệu USD trong khi Ban QLDA đài Nội Bài mua với giá gần 2,4 triệu USD, chênh lệch tới hơn 500.000 USD mà không rõ nguyên nhân?

Báo cáo của Ban kế hoạch thẩm định, kiến nghị về những bất cập tại gói thầu số 18.


Tại gói thầu mua hệ thống huấn luyện không lưu, hồ sơ dự thầu của hãng Thales hoàn chỉnh nhất, giá chào thầu chỉ 396.193 USD. Thế nhưng, Ban QLDA lại mua của hãng Technimex với giá 950.000 USD. Điều 70, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP quy định rõ: “Trong trường hợp hồ sơ dự thầu có đơn giá khác thường mà gây bất lợi cho chủ đầu tư thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ bằng văn bản về những đơn giá khác thường đó. Nếu sự giải thích của nhà thầu không đủ rõ, không có tính thuyết phục thì đây được coi là sai lệch và thực hiện hiệu chỉnh sai lệch theo quy định...”. Dự toán mục này đã được Cục Hàng không phê duyệt là 498.000 USD. Vậy mà, Ban QLDA đã không hiệu chỉnh sai lệch, làm Nhà nước mất 452.000 USD.


Tương tự với các bàn điều hành bay gồm 28 bàn, hồ sơ của hãng Thales đạt yêu cầu mời thầu chỉ có giá 72.663 USD nhưng Ban QLDA lại chọn mua của hãng Technimex với giá lên tới 586.600 USD mà không hề xử lý tình huống theo quy định của pháp luật, làm Nhà nước “mất oan” 513.937 USD.


Chờ sự cố rồi mới...thanh tra?


Ở gói thầu hệ thống ra-đa được Cục Hàng không Việt Nam duyệt chi 300.000 USD theo hồ sơ mời thầu có yêu cầu bắt buộc kết nối trực tiếp hệ thống xử lý dữ liệu ra-đa của đài với hệ thống xử lý dữ liệu kế hoạch bay. Tuy nhiên, nhà thầu Nortnrop Grumman đã không đáp ứng cam kết. Đến nay, việc kết nối trực tiếp giữa hai hệ thống dữ liệu đã bất thành và Ban QLDA đã đánh lừa cấp trên bằng cách làm kết nối vòng qua mạng thông tin hàng không, không có tác dụng gì cho công tác an toàn bay.


Ở gói thầu 30 máy tính nằm trong dây chuyền điều hành bay, nhà thầu Technimex bị “tố” đã chào hàng của các Công ty Trần Anh, Trần Quang chỉ là những cơ sở thương mại nhỏ, không có chức năng sản xuất, chỉ lắp ráp máy tính giá rẻ cho học sinh, sinh viên, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Ở gói thầu các bàn điều hành bay, hãng Technimex trúng thầu nhưng khi lắp đặt các màn hình lại không vừa với lỗ khoét trên mặt bàn. Ban QLDA đã có “sáng tạo”, “chế” thêm các tay treo màn hình dẫn đến các màn hình cao hơn bình thường, kiểm soát viên không nhìn được đường băng. Vì vậy, 10 ghế ngồi đã mua phải bỏ đi, thay vào 10 ghế cao. Mặc dù ông Trịnh Như Long giải trình việc lắp đặt này vẫn đáp ứng các tiêu chí của ICAO nhưng hiện các kiểm soát viên không lưu đã phản đối thay đổi này vì các ghế cao khiến họ không đạp tới khoá thu phát đạp chân đạt ở sàn, tính linh hoạt xử lý của họ bị giảm sút.

Theo Ban QLDA, sự cố mất điện xảy ra ngày 25-7 là do dùng điện lưới công trường và đã được khắc phục nhưng vừa qua vẫn liên tục xảy ra mất điện. Bảo đảm nguồn điện liên tục là ưu tiên hàng đầu, sống còn của Đài KSKL nên mọi đài chỉ huy đều phải có 3 cấp nguồn (2 mạng điện lưới, 2 máy phát điện và tối thiếu 2 hệ thống UPS đấu online, ngoài ra cấu trúc cấp nguồn phải luôn có by past để nếu UPS hỏng thì vẫn không bị mất điện). Thế nhưng ngày 25-7, một UPS bị sập, ngày 27-7, UPS còn lại cũng sập nốt và ngày 26-9 thì cả hai UPS cùng sập một lúc (log-on của máy tính còn ghi lại).

Mặc dù có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như vậy nhưng khi trả lời báo chí, ông Phạm Quy Tiêu lại đơn giản cho rằng: “Chúng tôi đã đề xuất lãnh đạo Bộ GTVT thanh tra ngay khi công trình được nghiệm thu, khai thác vào cuối năm nay”. Thật là một cách xử lý khó hiểu. Chất lượng của Đài không lưu liên quan tới tính mạng cả triệu hành khách, sao không thanh tra ngay bây giờ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sai phạm. Sau khi hoàn thiện, khai thác rồi mới thanh tra thì những sai phạm có thể bị hợp thức hoá. Đó là chưa kể khi khai thác rồi, lỡ xảy ra sự cố thì ai là người chịu trách nhiệm?

Chí Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ “mất bò” rồi mới lo “làm chuồng”?