Bài học từ vụ án MB24: Dùng hàng ảo “móc” tiền thật

(TH)| 07/08/2012 19:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kinh doanh hàng đa cấp không chỉ là bán sản phẩm điện tử, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng... hiện nay còn “núp bóng” kinh doanh thương mại điện tử (KDTMĐT) để “móc túi” những người nhẹ dạ cả tin…

Mất tiền vì ham lợi

Hiện nay đang có khoảng 40 Website ở nước ta đang hoạt động KDTMĐT, 2 trong số này bị khởi tố điều tra về tội chiếm đọat tài sản và tội  trốn thuế. Mới đây nhất là CQĐT đã khởi tố vụ án trốn thuế tại Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24). Theo kết quả điều tra ban đầu, thông qua việc KDTMĐT (chưa được cấp phép) MB24 đã “móc túi” hơn 600 tỷ đồng của hàng trăm ngàn khách hàng thông qua hơn 120 ngàn gian hàng ảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp. Với “chiêu“ mua gian hàng điện tử với giá 5,2 triệu đồng, các tư vấn viên, trong đó có cả Phó Giám đốc và Chủ tịch HĐQT của MB24 thuyết phục rằng, nếu tham gia với số lượng lớn thì giá mỗi gian hàng sẽ giảm, đồng thời được mua những sản phẩm chính hãng với giá ưu đãi đến hơn 50%... Vì thế chỉ trong một thời gian một năm, MB24 đã vươn tới 32 tỉnh, thành phố trong cả nước, với hơn 50 chi nhánh. Quản lý hệ thống đầu não MB24 gồm 4 nhân vật: đứng đầu là Ngô Văn Huy, Lê Văn Cường, Nguyễn Tuấn Minh và Nguyễn Mạnh Hà. Hiện Minh đang bỏ trốn, 3 đối tượng còn lại đều đã bị bắt khẩn cấp theo lệnh ngày 2-8 của cơ quan CSĐT Công an Hà Nội.

 

Liên quan đến việc núp bóng KDTMĐT để chiếm đoạt tiền của khách hàng, tháng 2-2012, Công an quận Long Biên phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam Lâm Phúc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Diamond Holiday Travel Đông Nam Á (DHT) phạm tội chiếm đoạt tài sản. Ông Lâm Phúc Hùng cùng Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Ái Dân (bỏ trốn đang bị truy nã) đã chiếm đoạt hàng triệu USD của 73.000 người  bằng chiêu quảng cáo “vừa du lịch vừa kiếm tiền”. Đi du lịch thế giới chỉ với 375 USD, nghỉ tại khách sạn 3 đến 5 sao, người tham gia đóng 375 USD sẽ được xếp vào một vị trí ở bàn du lịch tầng 1. Ngoài ra, người chơi còn có thể kiếm tiền thưởng bằng cách cứ kêu gọi được nhiều người tham gia thì sẽ được lên tầng cao hơn. Khi người đầu tiên qua bàn bậc 4 sẽ được chuyển sang bàn kim cương và được thưởng 1.000 USD. Bản chất chương trình là huy động vốn đa cấp, lấy tiền của người dưới thưởng cho người trên.  Nó tạo ra cho chính người chơi trở thành kẻ đi lừa những người khác vào cuộc để tạo lợi nhuận cho mình…

 

Bài học từ vụ án MB24:  Dùng hàng ảo “móc” tiền thật

Cơ quan CSĐT đọc lệnh khởi tố bắt tạm giam nhiều nhân vật đứng đầu MB24

 

Cũng liên quan đến việc núp bóng KDTMĐT để “móc túi” khách hàng, năm 2008-2009, cơ quan chức năng triệt phá các mạng lừa đảo tài chính Colony tại các tỉnh phía Nam hoặc mạng Vip-Viet ở phía Bắc.  

 

Lợi dụng “lỗ hổng” của pháp luật “móc túi” khách hàng

 

Xung quanh vụ án MB24 ý kiến của LS Nguyễn Anh Minh (Trưởng VPLS Trí Minh - Hà Nội) là người được MB24 thuê tư vấn cho rằng: “Việc MB24 chưa được cấp phép sàn giao dịch TMĐT là do “lỗ hổng” pháp luật, thông tư hiện hành chưa quy định với mô hình phức hợp (cung ứng dịch vụ bán hàng và có cả hoạt động kiếm lời từ hoa hồng cho các thành viên), chứ không phải do lỗi của MB24. Không thể nói họ lừa đảo hay làm trái pháp luật được”. Một luật sư khác nhận xét: MB24 có chính sách phát triển thành viên theo mạng lưới song song... không có cơ sở để khẳng định đây là kinh doanh đa cấp... 

 

Trước khi bị khởi tố về tội trốn thuế, những thành viên của MB24 đã “lách” khỏi các quy định của Luật Cạnh tranh (Điều 48 - bán hàng đa cấp bất chính) và Thông tư 46 của Bộ Công Thương về quản lý hoạt động của web TMĐT). Dù không được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cấp phép mở sàn giao dịch TMĐT nhưng tại trụ sở chính, các chi nhánh của MB24 đều treo biển có dòng chữ “Sàn giao dịch thương mại điện tử Muaban24”. MB24 được Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) kết nạp là hội viên. Với “vỏ bọc” này, cộng với việc có giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến... nhiều người tin tưởng MB24 hoạt động hợp pháp.  Khi bị báo chí phanh phui MB24 hoạt động bất hợp pháp, Tổng Giám đốc MB24 Nguyễn Tuấn Minh vẫn quả quyết trên một vài tờ báo: “Web muaban24.vn không phải là đối tượng đăng ký sàn giao dịch TMĐT, chỉ bán gian hàng ảo, không bán hàng thật nên không phải đăng ký cấp phép bán hàng đa cấp”. Trước ngày bị bắt (30-7), Chủ tịch HĐQT MB24 Ngô Văn Huy đã khẳng định với báo chí: “Báo chí chưa hiểu hết hoạt động của MB24, chúng tôi hoạt động đúng quy định của pháp luật”. Lãnh đạo MB24 cho rằng không thể bị bắt vì tội lừa đảo như “siêu lừa DHT” và không bao giờ nghĩ rằng sẽ bị bắt vì tội trốn thuế (Điều 161) và Điều 266b (bổ sung) Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009 - các hành vi tội phạm về CNTT và TMĐT. 

 

Tại phiên họp báo thường kỳ Bộ Công thương tháng 7 diễn ra ngày (6-8-2012), Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết: Trong thời gian gần đây Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT - CNTT) của Bộ Công thương đã liên tục nhận được những phản ánh của các tổ chức và cá nhân về hoạt động của một số doanh nghiệp lợi dụng TMĐT để huy động lượng tiền mặt lớn từ mạng lưới người tham gia và với một mô hình hoạt động có nhiều điểm không minh bạch như Muaban24, G7.com v.v...

 

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, đây là lúc chúng ta cần xem xét, điều chỉnh các quy định pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp, trong đó cần thiết đưa ra các quy định để nhận biết việc bán hàng đa cấp trá hình, đồng thời có biện pháp xử lý hình sự hành vi tổ chức bán hàng đa cấp nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

 

Tùng Lâm (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ vụ án MB24: Dùng hàng ảo “móc” tiền thật