Quy định của pháp luật về xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội

08/08/2014 10:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người chưa thành niên là chủ thể có nét đặc trưng riêng về tâm lý, sinh lý nên hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trước hết nhằm mục đích giáo dục, cải tạo, sau đó mới mang tính chất trừng trị.

Thủ tục tố tụng chặt chẽ

Căn cứ các quy định của BLTTHS và Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT ngày 12/7/2011 giữa VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS thì Thẩm phán xét xử vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội phải có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học, giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm. Số lượng Thẩm phán và Hội thẩm trong HĐXX vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được thực hiện theo quy định chung tại các Điều 185 và 244 BLTTHS. Do tính chất đặc thù của bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, nên Điều 307 BLTTHS quy định trong thành phần HĐXX đối với người chưa thành niên phạm tội phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Khi xét xử đối với bị cáo là người chưa thành niên, cần phải xác định rõ: Tuổi, trình độ, phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên; điều kiện sinh sống, giáo dục; có hay không có người thành niên xúi giục; nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Xét xử người chưa thành niên phạm tội thì sự có mặt của người bào chữa tại phiên toà là bắt buộc; nếu người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên toà. Trong trường hợp người bào chữa vắng mặt, nhưng đã gửi trước bản bào chữa thì phiên toà vẫn được tiến hành nếu Toà án thấy rằng việc vắng mặt người bào chữa không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án tại phiên toà. Khi xét xử, Tòa án có thể sắp xếp lại vị trí của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng trong phòng xử án nhằm làm giảm cảm giác căng thẳng, sợ hãi đối với người chưa thành niên phạm tội. Không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác trong quá trình xét xử, trừ trường hợp họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý hoặc có hành vi tiêu cực, có biểu hiện chống đối, gây mất trật tự tại phiên tòa.

 Tại phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức xã hội và họ có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tham gia tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án. Trường hợp cần thiết hoặc khi người chưa thành niên có yêu cầu, Tòa án có thể mời đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia phiên tòa để hỗ trợ cho họ. Việc thẩm vấn, xét hỏi bị cáo là người chưa thành niên tại phiên tòa phải theo quy định tại Điều 209 BLTTHS và phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của bị cáo. Những lời giải thích về quyền và nghĩa vụ, thủ tục xét xử cũng như các câu hỏi đưa ra tại phiên tòa phải đơn giản, rõ ràng để đảm bảo cho người chưa thành niên và đại diện gia đình của họ có thể hiểu và trả lời đúng câu hỏi. HĐXX phải cho phép người chưa thành niên bày tỏ ý kiến, quan điểm, nguyện vọng của mình và phải cân nhắc, xem xét các ý kiến, quan điểm, nguyện vọng đó trước khi ra bản án, quyết định.

Ngoài các trường hợp quy định tại Điều 18 BLTTHS, Tòa án có thể quyết định xét xử kín vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra để tạo thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ. Không tiến hành xét xử lưu động vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm.

Áp dụng hình phạt cũng đặc thù

Người chưa thành niên phạm tội - họ là chủ thể có nét đặc trưng riêng về tâm lý, sinh lý (các nhà khoa học đã xác định người ở độ tuổi chưa thành niên thì não bộ vẫn còn đang phát triển) nên hình phạt đối với họ trước hết nhằm mục đích giáo dục, cải tạo, sau đó mới mang tính chất trừng trị. Do đó, hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được cân nhắc để vừa bảo đảm được mục đích giáo dục, răn đe những hành vi sai lệch, mà còn làm cho họ thấy rõ được sai phạm và tự giác sửa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường, bạn bè, xã hội. Mục đích giáo dục của hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội còn được thể hiện qua việc quy định về điều kiện áp dụng hình phạt, mức tối đa của hình phạt luôn thấp hơn so với người đã thành niên để bảo đảm cho họ có thể nhanh chóng tái hòa nhập với xã hội. Đặc biệt, các hình phạt bổ sung, hình phạt tù chung thân, hình phạt tử hình không được áp dụng với người phạm tội ở độ tuổi chưa thành niên.

Theo quy định tại Điều 71 BLHS năm 1999 thì người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong bốn hình phạt: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn. Điều 29 BLHS 2009 quy định về hình phạt cảnh cáo: "Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”. Người chưa thành niên được áp dụng hình phạt cảnh cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, còn người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội được áp dụng hình phạt cảnh cáo là người có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức được miễn hình phạt. Nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được hiểu là phải có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và các tình tiết giảm nhẹ này được quy định tại Điều 46 BLHS

Hình phạt tiền là việc Tòa án buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định theo quy định của pháp luật để sung công quỹ Nhà nước. Phạt tiền là hình thức trừng phạt về kinh tế đối với người phạm tội; tuy nhiên, không phải người phạm tội nào cũng bị áp dụng hình phạt này. Luật quy định không áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, vì ở độ tuổi này, người phạm tội là người chưa thành niên đang ở độ tuổi đi học, chưa có thu nhập hay tài sản riêng; nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế về hình sự có tính chất kinh tế sẽ đem lại gánh nặng cho gia đình họ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sửa chữa sai lầm, không bảo đảm được mục đích của hình phạt. Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên, hiện nay nhiều người đã có thu nhập hoặc tài sản riêng... nên việc quy định hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 16 đến 18 tuổi là phù hợp.

Hình phạt cải tạo không giam giữ là không buộc người chưa thành niên phạm tội phải cách ly khỏi xã hội, họ vẫn được chung sống với gia đình, xã hội nhưng chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương nơi người đó thường trú. Việc không cách ly họ khỏi xã hội vẫn bảo đảm đạt được mục đích giáo dục, phòng ngừa. Đây là hình phạt có tính khả thi cao và là hình phạt thể hiện rõ mục đích giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội, tạo điều kiện giúp họ sửa chữa sai lầm, tự tái hòa nhập cộng đồng. Hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại các Điều 31, 73 BLHS và chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; áp dụng đối với bị cáo là người chưa thành niên đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng. Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội tối đa là 18 tháng và tối thiểu là 6 tháng. Trong trường hợp người chưa thành niên bị tạm giam, tạm giữ thì thời hạn tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giam, tạm giữ bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.

Đối với hình phạt tù có thời hạn được quy định tại Điều 33 và Điều 74 BLHS, buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định. Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, vì nó tước tự do của người chưa thành niên bị kết án, buộc họ phải cách ly khỏi xã hội trong một khoảng thời gian, phải lao động, học tập trong trại giam, trại cải tạo. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 77 BLHS thì thời hạn để xoá án tích đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn quy định tại Điều 64 BLHS. Người chưa thành niên phạm tội, nếu được áp dụng những biện pháp tư pháp quy định tại khoản 1 Điều 70 của BLHS thì không bị coi là có án tích.n

(Bài cuối: Thực tiễn xét xử người chưa thành niên phạm tội)

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định của pháp luật về xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội