Ban hành văn bản không thể tùy hứng

Thanh Phương| 12/08/2014 11:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng năm, Nhà nước tốn không ít kinh phí để nghiên cứu, soạn thảo các điều luật cho phù hợp với thực tế khách quan, thuận tiện cho người dân, các cơ quan, ban, ngành.

Thay vì áp dụng chúng một cách linh hoạt, không ít địa phương lại tự nghĩ ra những quy định riêng khiến tình trạng “phép vua thua lệ làng” vẫn còn phổ biến.

Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản) đã “tuýt còi” một quyết định liên quan đến hoạt động báo chí của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 16/7, Cục Kiểm tra văn bản đã có kết quả kiểm tra Quyết định số 1726/2014 QĐ-UBND về “Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Việc UBND tỉnh Thanh Hóa đặt ra một số nội dung quản lý, đặc biệt là quy định hoạt động, tạm ngừng, thay đổi, chấm dứt hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trong nước tại Quyết định số 1726 là chưa phù hợp về thẩm quyền. Bởi lẽ, theo quy định tại Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002, việc quản lý Nhà nước về báo chí của UBND cấp tỉnh rất hạn chế, phải theo sự phân cấp của Chính phủ và ủy quyền của Bộ TT&TT.

Ban hành văn bản không thể tùy hứng

Nhà báo không chỉ bị cản trở tác nghiệp bằng hành động cụ thể kiểu này... (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Quyết định số 1726 yêu cầu cơ quan đại diện, phóng viên thường trú chỉ được phép hoạt động sau khi có văn bản đồng ý của Sở TT&TT tỉnh. Tuy nhiên, Nghị định số 51/2002 và Thông tư số 13/2008 của Bộ TT&TT không quy định phóng viên thường trú chỉ được phép hoạt động sau khi có văn bản đồng ý của Sở TT&TT. Ngoài ra, Quyết định số 1726 quy định cơ quan đại diện hoặc phóng viên thường trú có thể bị yêu cầu thay đổi hoặc chấm dứt hoạt động khi vi phạm một trong các nội dung như: Trưởng cơ quan đại diện hoặc phóng viên thường trú bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; trong một năm có từ ba nội dung thông tin trở lên nêu sai sự thật, đã được cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận. Theo Cục Kiểm tra văn bản, nội dung trên chưa phù hợp với Thông tư số 07/2007 của Bộ TT&TT ở chỗ, nếu bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên thì bị thu hồi thẻ nhà báo và khi bị thu hồi thẻ nhà báo thì đương nhiên phóng viên bị chấm dứt hoạt động…

Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản, tại cuộc họp với các cơ quan liên quan của UBND tỉnh Thanh Hóa, đại diện Sở Tư pháp và Sở TT&TT đã nhất trí với nhận định, đánh giá của Cục Kiểm tra văn bản. Hai cơ quan này có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa (trước ngày 18/7) theo hướng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp tại Quyết định số 1726. Cục Kiểm tra văn bản sẽ tiếp tục theo dõi việc tiếp thu, xử lý Quyết định số 1726 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Trường hợp UBND tỉnh Thanh Hóa không tự xử lý hoặc xử lý không đúng quy định một số nội dung sai trái tại Quyết định số 1726 thì Cục Kiểm tra văn bản sẽ có thông báo kiểm tra văn bản.

Qua theo dõi, nắm tình hình, hiện nay, có một số địa phương ban hành văn bản quản lý về hoạt động báo chí trên địa bàn có một số nội dung sai trái tương tự như Quyết định số 1726 của UBND tỉnh Thanh Hóa, do đó, Cục Kiểm tra văn bản sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan của Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra văn bản chuyên đề này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban hành văn bản không thể tùy hứng