Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề lừa tiền của dân nghèo

Mạnh Hùng| 17/04/2017 15:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 17/4, TAND cấp cai tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thị Loan - nguyên Phó Hiệu trưởng một trường Cao đẳng nghề về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 17/12/2015, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Loan 17 năm tù về tội danh trên. Sau bản án sơ thẩm bị cáo Loan cho rằng, bị cáo bị oan nên đã có đơn kháng cáo lên Tòa cấp cao.

Bị hại là hàng chục người dân nghèo sống ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2007, Nguyễn Thị Loan (SN 1977, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) được tuyển dụng vào làm việc tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Mỹ thuật Việt Nam, thuộc Liên minh HTX Việt Nam. Gần 3 năm sau, Loan được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng trường này, kiêm Giám đốc Trung tâm đào tạo thường xuyên và ngoại ngữ.

Ở cương vị nêu trên và mặc dù không có chức năng, khả năng, nhưng từ tháng 10-2010 đến tháng 12-2011, Loan vẫn nhận tiền cùng hồ sơ của hàng chục người dân, đồng thời hứa hẹn sẽ nhanh chóng đưa họ đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc. Theo đó, giá cả mà cựu Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Mỹ thuật Việt Nam đưa ra là từ 150 triệu đến 180 triệu đồng/suất đi Hàn Quốc.

Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề lừa tiền của dân nghèo

Bị cáo Loan tại phiên tòa phúc thẩm

Để bị hại tin tưởng, Loan “vẽ” ra mức lương rất cao từ 22 triệu đến 28 triệu đồng/tháng, đồng thời bảo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động đưa trước cho đối tượng từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/hồ sơ. Số tiền còn lại Loan sẽ nhận nốt khi người lao động chính thức được phía đối tác nước ngoài tiếp nhận sang làm việc.

Ngoài ra, sau khi nhận hồ sơ xuất khẩu lao động, cựu Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ Thuật – Mỹ thuật Việt Nam còn tổ chức cho mọi người được học tiếng Hàn Quốc như thật. Tuy nhiên, dù đã hoàn thành khóa học tiếng Hàn, song tất những người đưa tiền cho Loan để được ra nước ngoài làm việc vẫn không thể xuất ngoại.

Không đi được Hàn Quốc như lời Loan hứa hẹn, các bị hại lần lượt đòi lại tiền nhưng đều bị Loan lấp liếm để chiếm đoạt. Tổng cộng, Loan đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng của 26 bị hại và đầu mối đứng ra nhờ đối tượng lo cho nhiều người đi xuất khẩu lao động.

“Cạn tàu ráo máng” hơn, Loan còn lừa đảo cả những đồng nghiệp trong trường, khi những một số giáo viên đứng ra “bao tiêu” cho hàng loạt người họ hàng, thân thích. Tính đến thời điểm phiên tòa sơ thẩm mở ra, Loan mới khắc phục hậu quả được 420 triệu đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Loan vẫn luôn quanh co, chối tội và cho rằng mình bị oan nhưng không đưa ra được những tình tiết mới để chứng minh mình vô tội.

Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, HĐXX cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, gây mất trật tự an toàn xã hội, mất uy tín cho tổ chức xuất khẩu lao động, trong đơn kháng cáo cũng như tại phiên tòa bị cáo luôn kêu oan nhưng không đưa ra được tình tiết mới để chứng minh mình vô tội, bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án trên là có cơ sở, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Từ phân tích trên, HĐXX quyết định bác đơn kháng cáo kêu oan, giữ nguyên bản án sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Loan về tội danh trên.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề lừa tiền của dân nghèo