Cựu Tổng giám đốc Công ty mía đường Tây Ninh làm thất thoát hàng chục tỉ đồng

Văn Vũ| 15/05/2017 15:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 20 ngày xét xử, sáng 15/5, phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ án liên quan đến lãnh đạo Công ty mía đường Tây Ninh đã kết thúc với các bản án thích đáng dành cho các bị cáo.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Cảnh Lạc, sinh năm 1954 (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh) 10 năm tù; Nguyễn Xuân Danh, sinh năm 1969, (nguyên Trưởng phòng kinh doanh - thương mại) 10 năm tù và Nguyễn Thị Phúc, sinh năm 1962 (nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng kế toán tài chính công ty) 7 năm tù – cùng tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về trách nhiệm dân sự, bản án tuyên bị cáo Lạc và Danh liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 25 tỷ đồng (mỗi bị cáo chịu một nửa) và ba bị cáo Lạc, Danh và Phúc liên đới chịu bồi hoàn số tiền hơn 6 tỷ đồng, mỗi bị cáo chịu 1/3.

Cựu Tổng giám đốc Công ty mía đường Tây Ninh làm thất thoát hàng chục tỉ đồng

Ba bị cáo trước tòa

Theo nội dung bản án mà TAND tỉnh Tây Ninh vừa tuyên, trong quá trình giao dịch mua bán gạo, tinh bột sắn với các đối tác Trung Quốc, các bị cáo đã làm thiệt hại tài sản Nhà nước lên đến gần 70 tỉ đồng. Cụ thể:

Với nhiệm vụ được phân công, năm 2009, Nguyễn Xuân Danh sang Trung Quốc tìm đối tác để xuất khẩu hàng nông sản cho Công ty mía đường Tây Ninh. Danh thỏa thuận bán hàng cho Đinh Thị Thảo, sinh năm 1962, ngụ tỉnh Lạng Sơn (đối tượng Thảo có dấu hiệu tội phạm, hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh đã tách riêng khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), để Thảo đem hàng sang Trung Quốc bán lại.

Thảo lấy tên các công ty Trung Quốc gồm Công ty TNHH TM XNK Xi Lai Phúc (tỉnh Quảng Tây) và Công ty TNHH Guo Qi Do Li (tỉnh Guangxi) ký kết hợp đồng với Công ty mía đường Tây Ninh. Thỏa thuận mua bán cho Đinh Thị Thảo, được Danh, ông Lạc và bà Phúc thống nhất và ông Lạc là người ký kết các hợp đồng.

Từ tháng 12/2009 đến 8/2012, Danh và Phúc đã tham mưu cho ông Lạc ký tổng cộng 50 hợp đồng xuất khẩu tinh bột sắn, gạo cho 2 công ty này. Thảo là người nhận hàng, chậm thanh toán nhưng Danh và Phúc vẫn trình ông Lạc để ký tiếp 5 hợp đồng khác, trong đó có 3 hợp đồng (bán 4.000 tấn bột sắn) cho Xi Lai Phúc và 2 hợp đồng (bán 2.270 tấn gạo) với Guo Qi Do Li có tổng giá trị hơn 61,6 tỉ đồng. Sau khi nhận hàng, Thảo thanh toán hơn 6 tỉ đồng, còn lại 55,5 tỉ đến nay Công ty mía đường Tây Ninh không thu hồi được. Theo Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh, 5 hợp đồng có tổng giá trị gần 70 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, HĐXX đã thẩm vấn, làm rõ về việc Công ty mía đường Tây Ninh ký kết hợp đồng với 2 đối tác là Công ty Xi Lai Phúc và Công ty Guo Qi Do Li chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế; việc thực hiện các hợp đồng được ký kết, mở tờ khai hải quan, xuất hóa đơn, cũng như việc thanh toán từ 2 đối tác có sai phạm.

Các luật sư bào chữa các bị cáo tại phiên tòa cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế khi truy tố các bị cáo. Trên thực tế thì Công ty Xi Lai Phúc và Công ty Guo Qi Do Li đã có quan hệ mua bán với Công ty mía đường Tây Ninh từ năm 2009, với tổng doanh thu hơn 451 tỉ đồng, tổng lợi nhuận Công ty Mía đường Tây Ninh thu được hơn 21 tỉ đồng và số tiền nộp cho ngân sách từ các hợp đồng đã thực hiện xong gần 50 tỉ đồng.

Theo các luật sư, nếu các bị cáo nếu có vi phạm thì đó cũng là vi phạm các thủ tục hành chính hoặc vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự. Các vi phạm không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả thiệt hại xảy ra. Cách lập luận của HĐXX cho rằng các sai phạm của bị cáo đã tạo điều kiện cho 2 Công ty Xi Lai Phúc, Guo Qi Do Li không trả tiền hàng là suy luận dồn hết trách nhiệm cho các bị cáo mà không phân biệt rõ vi phạm nào là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số tiền nợ chưa thu hồi được.

Việc VKS đã ban hành cáo trạng với các thông tin chưa đầy đủ nhưng đã quy kết về sự móc nối của bị cáo Lạc và Danh trong việc tự dựng lên 3 hợp đồng trả nợ là quy kết trái pháp luật, gây oan sai cho các bị cáo.

Nói lời sau cùng, cả 3 bị cáo đều cho rằng mình bị VKS truy cứu oan, các bị cáo khẳng định mình không phạm tội.

Còn đại diện VKSND tỉnh Tây Ninh – giữ quyền công tố tại phiên tòa – đã bảo lưu quan điểm buộc tội các bị cáo.

Theo chủ tọa phiên tòa, HĐXX đã tuyên bản án đúng với hành vi sai phạm mà các bị cáo gây nên, có xem xét toàn diện tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu Tổng giám đốc Công ty mía đường Tây Ninh làm thất thoát hàng chục tỉ đồng