Cựu cán bộ Bộ Tư lệnh cảnh vệ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng

Mạnh Hùng| 16/08/2017 13:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 16/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử hai bị cáo Mai Văn Hiển (SN 1966, trú tại phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) và Tô Kỳ Thiệu (SN 1981, trú tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, trong các ngày 23/8/2015, 26/8/2015, 17/9/2015, cơ quan điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm và Cục Cảnh sát hình sự  - BCA nhận được đơn tố cáo của chị Trần Thị Dùng, Đinh Thị Hồng, Phùng Thị Dũng tố cáo Mai Văn Hiển và Tô Kỳ Thiệu có hành vi gian dối trong việc hứa hẹn xin việc, xin học để nhận tiền của họ sau đó không thực hiện những gì cam kết, chiếm đoạt tiền.

Trong quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, Mai Văn Hiển từng có thời gian công tác trong Bộ Tư lệnh cảnh vệ Bộ Công an đã nghỉ hưu. Để có tiền, Mai Văn Hiển vẫn giới thiệu bản thân với những người quen biết là đang công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ, có vợ đang công tác tại Bộ Công an nên Hiển có nhiều mối quan hệ, có thể xin cho rất nhiều người vào công tác tại ngành Công an.

Do tin tưởng nên một số người đã đưa tiền và hồ sơ để nhờ Hiển xin học, xin việc. Khi nhận tiền, Hiển có viết giấy biên nhận dưới dạng giấy vay tiền vì làm trong ngành nên Hiển biết nếu viết giấy biên nhận dưới dạng nhận tiền để xin việc, xin học sẽ bất lợi.

Trường hợp đầu tiên, thông qua mối quan hệ, chị Nguyễn Thị Thúy ở Đống Đa, Hà Nội nhờ chị Linh xin cho con trai vào làm trong ngành Công an. Chị Linh nói với Hiển và anh ta ‘báo giá’ 250 triệu đồng, đưa trước 200 triệu đồng, thành nhiều lần không có giấy biên nhận. Hiển còn nhận xin học, xin việc cho hai trường hợp tương tự và chiếm đoạt tổng số tiền 750 triệu đồng của chị Linh.

Cựu cán bộ Bộ Tư lệnh cảnh vệ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng

Hai bị cáo Hiển và Thiệu tại phiên tòa xét xử sáng nay

Tuy nhiên,tại cơ quan điều tra, Hiển khai chỉ nhận 340 triệu đồng của chị Linh để lo việc, học cho ba người còn hơn 300 triệu đồng còn lại là vay mượn.

Ngoài ra, trong một lần khác vào tháng 8/2014, thông qua mối quan hệ xã hội với chị Đặng Thanh Thủy ở Thanh Trì, Hà Nội, chị Dùng quen biết với Mai Văn Hiển. Hiển tự giới thiệu đang công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ có nhiều mối quan hệ. Do tin Hiển nên chị Dùng đặt vấn đề nhờ Hiển xin cho con trai vào học trường Học viện cảnh sát. Hiển báo giá 670 triệu đồng, đặt cọc trước 300 triệu đồng, khi nào con trai chị Dùng vào học sẽ đưa nốt 370 triệu đồng.

Chị Dùng đã chuyển làm nhiều lần cho Hiển số tiền cọc 300 triệu đồng. Còn 370 triệu đồng, để chị Dùng tin và giao nốt, Hiển bàn với Tô Kỳ Thiệu về việc làm giả giấy báo nhập học vào Học viện Cảnh sát để đưa cho chị Dùng. Thiệu tới một quán phô tô ở Mỹ Đình làm mẫu giấy báo nhập học, làm giả cả con dấu của Học viện Cảnh sát với giá 1,2 triệu đồng.

Cuối tháng 11/2014 Thiệu gặp và đưa giấy báo nhập học giả cho Hiển, sau đó Hiển đã gọi thông báo cho gia đình Dùng biết đã có giấy báo. Hơn một tháng sau, chị Dùng cùng chồng đưa cho Hiển 370 triệu đồng có sự chứng kiến của một số người.

Sau khi nhận tiền, Hiển và Thiệu nhiều lần hứa hẹn đưa con trai chị Dùng đến trường nhập học. Thiệu đã thu lại giấy nhập học đã đưa rồi đốt bỏ.

Đến đầu năm 2015, biết bị lừa chị Dùng và gia đình nhiều lần đòi tiền Hiển và Thiệu song cả hai không có khả năng trả nên sau đó gia đình đã báo Công an.

Ngoài hai vụ nói trên, Hiển và Thiệu còn lừa một số người nữa với hơn 300 triệu đồng. Cho tới nay, Hiển mới khắc phục đền cho chị Dùng được 50 triệu đồng.

Cơ quan chức năng xác định, tổng số tiền các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại lên đến 1,6 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Hiển chỉ thừa nhận một phần hành vi phạm tội và đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết mà trong bản cáo trạng chưa làm rõ.

Cũng tại phiễn tòa, luật sư Phạm Hồng Kiên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng việc truy tố bị cáo Hiển về tội danh trên là đúng. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT, Viện KSND chưa làm rõ đâu là số tiền lừa đảo, đâu là số tiền vay nợ dân sự và còn nhiều tình tiết khác chưa được làm rõ nên đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án.

Trong quá trình xét xử, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, lời khai và diễn biến tại phiên tòa, xét đề nghị của luật sư là có căn cứ, do đó HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ  điều tra bổ sung vụ án.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu cán bộ Bộ Tư lệnh cảnh vệ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng