Xét xử phúc thẩm đại án 9.000 tỷ: Các bị cáo khai về “quy trình bổ nhiệm”

Lê Hoàng| 05/01/2017 15:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 5/1, phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục với ngày làm việc thứ 7. HĐXX xét hỏi nhóm bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh và các đồng phạm rút 5.000 tỷ đồng thông qua việc lập khống hồ sơ kinh doanh vay tiền của 14 công ty. Danh nhờ thuộc cấp tại Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên giám đốc 12 pháp nhân, sau khi trừ tài sản đảm bảo, hành vi trên gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhiều bị cáo vốn chỉ là bảo vệ, lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh được “đôn” lên làm giám đốc các công ty “hữu danh vô thực” để vay hàng trăm tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Công ty An Phát bị cấp sơ thẩm phạt 4 năm tù kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Quân khai: “Bị cáo làm giám đốc từ tháng 2-2014, đến tháng 3-2014 có ký hợp đồng vay với VNCB. Trước đó, bị cáo chỉ là bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh”. HĐXX hỏi “Công ty An Phát hoạt động kinh doanh gì bị cáo biết không?” “Thưa, bị cáo không hề biết”.

HĐXX truy: “Ai nhờ bị cáo đứng tên?”. Quân lúng túng: “Dạ, Tập đoàn Thiên Thanh. Bị cáo gặp anh Phan Minh Tùng (là bị cáo trong vụ án), rồi anh Tùng nói bị cáo cứ làm giám đốc đi, công ty đang cần người đứng tên”.

HĐXX gọi bị cáo Phan Minh Tùng lên đối chất: “Bị cáo có nghe rõ lời khai của Quân về việc bị cáo nhờ làm giám đốc không?”. Tùng đáp: “Trong quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo xác định không nhờ mà chính bị cáo Quân xin làm giám đốc thông qua tổ trưởng tổ bảo vệ Lê Văn Tuấn”.

Bị cáo Nguyễn Minh Quân tiếp tục nêu một số lý do kháng cáo giảm nhẹ hình phạt lý do. Theo đó, bị cáo ký hợp đồng vay vốn vào tháng 3-2014, nhưng án sơ thẩm lại xác định giải ngân ngày 28-2-2014 là không đúng, mong cấp phúc thẩm xem lại. Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình bị cáo, con cái bị bệnh, nhiều khó khăn chưa được nhắc đến, chưa được đánh giá nhân thân trong án sơ thẩm. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Vưu Thị Diệu bị cấp sơ thẩm phạt 3 năm tù kháng cáo xin giảm nhẹ khai: “Bị cáo là giám đốc Công ty Toàn Tâm. Năm 2010, bị cáo sống với anh Nguyễn Hữu Duyên, làm rửa xe trong Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương  hơn 3 triệu. Do khó khăn nên Duyên nói bị cáo vào làm giám đốc, anh Phạm Công Trung, Phó tổng giám đốc Thiên thanh nhờ. Về thủ tục làm giám đốc, thư ký Tập  đoàn Thiên Thanh lo hết”.

HĐXX hỏi về mức lương bị cáo được nhận, Diệu khai: “Lúc đầu Tập đoàn Thiên Thanh trả 5 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 10 triệu. Công ty chỉ có mỗi mình bị cáo làm giám đốc, bị cáo cũng không biết kinh doanh gì, chỉ đứng trên giấy tờ. Bị cáo có ký vay nhưng lúc đó không không nhìn hồ sơ, sau mới biết vay đến 260 tỷ đồng, bị cáo biết là mình đã sai”.

Xét xử phúc thẩm đại án 9.000 tỷ: Các bị cáo khai về “quy trình bổ nhiệm”

Áp giải các bị cáo về trại giam

Bị cáo Nguyễn Văn Cường bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù kháng cáo xin giảm án treo. Cường khai: "Bị cáo là Giám đốc Công ty Cường Tín nhưng trước đó chỉ là phụ hồ. Khi ký các hợp đồng liên quan đến công ty, người của Tập đoàn Thiên Thanh gọi thì bị cáo đến ký. Năm 2011, bị cáo thấy sức khỏe yếu và được người giới thiệu công việc ổn định, lại làm “giám đốc” nên bị cáo đồng ý. Bây giờ bị cáo biết việc ký các giấy tờ như vậy là sai".

Một bảo vệ Tập đoàn Thiên Thanh khác cũng được “bổ nhiệm” làm “sếp” là bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty Thịnh Quốc từ tháng 5/2012. Thịnh khai việc ký nhận vay đều làm theo chỉ đạo của nhân viên kế toán Tập đoàn này. Cấp sơ thẩm phạt Thịnh 3 năm tù giam, Thịnh trình bày kháng cáo xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Võ Ngọc Nguyễn Bình, nguyên phó phòng kinh doanh (chưa có trưởng phòng) tại VNCB Chi nhánh Sài Gòn bị án sơ thẩm phạt 5 năm tù kháng cáo xin giảm án. Bình khai: "Khi 6 công ty vay tiền của Chi nhánh Sài Gòn, bị cáo có nhiệm vụ cùng với nhân viên tín dụng xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn để cấp trên phê duyệt. Trong 6 hồ sơ tòa hỏi, bị cáo Bình thừa nhận chỉ làm 4 hồ sơ, đối với hai Công ty Toàn Tâm, An Phát, bị cáo xem thấy không đủ điều kiện cho vay nên từ chối, sau đó bị cáo làm đơn xin thôi việc”. 

HĐXX công bố một số chứng cứ cho thấy Bình chưa thực hiện đúng quy trình cho vay, các tài sản thế chấp đã bị cầm cố ở các ngân hàng khác. Bình khai nhận: "Do lãnh đạo nói các công ty vay vốn là “đối tác chiến lược” nên bị cáo chấp nhận rủi ro, vậy là sai. Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo vì bị cáo không thực hiện việc cho vay đối với Công ty Toàn Tâm, An Phát. Mong HĐXX áp dụng các điều khoản khoan hồng, có lợi cho bị cáo theo quy định mới; bị cáo không vụ lợi, vai trò của bị cáo trong phòng kinh doanh bị áp lực lớn nên sai lầm, mong được Tòa lưu tâm; VNCB cũng có văn bản gửi tòa để xin giảm nhẹ cho bị cáo để bị cáo có cơ hội giúp ích cho gia đình, xã hội".

Bị cáo Bùi Thanh Nguyên, nhân viên tín dụng tại VNCB Chi nhánh Lam Giam bị phạt 3 năm tù kháng cáo xin hưởng án treo với lý do bị cáo đã nhận thức rõ và hối hận về sai phạm của mình; bị cáo có người thân là bà mẹ Việt Nam anh hùng

Khi HĐXX gọi ra trước vành móng ngựa, Phạm Công Danh khai: “Xin HĐXX xem lại hành vi của những người liên quan. Họ chỉ đứng tạm làm giám đốc dù công việc của họ chỉ là bảo vệ hay lái xe. Họ đứng tên công ty trong thời gian ngắn, chưa hoạt động kinh doanh gì.” Danh xác định “bị cáo không đùn đẩy trách nhiệm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử phúc thẩm đại án 9.000 tỷ: Các bị cáo khai về “quy trình bổ nhiệm”