Xét xử Châu Thị Thu Nga: Luật sư và các bị hại không phục

Mạnh Hùng| 10/10/2017 22:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 10/10, phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được tiếp tục với phần tranh tụng.

Mở đầu phiên tòa, luật sư Đặng Xuân Cường, bào chữa cho bị cáo Đoàn Thanh Thủy, nguyên quyền Kế toán trưởng Housing Group cho rằng, về mặt chủ quan, đồng phạm phải cùng thực hiện lỗi cố ý, cùng ý chí, biết hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Đối chiếu với vụ án này, luật sư nhận thấy bị cáo Thủy không phạm tội, vì hành vi của bị cáo không nguy hiểm, chỉ thực hiện theo đúng hợp đồng lao động, nhiệm vụ được giao, không phạm luật kế toán.

Bị cáo Thủy bị buộc là đồng phạm giúp sức cho Châu Thị Thu Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hành vi ký 57 phiếu thu, luật sư cho rằng việc có chữ ký của bị cáo Thủy không nói lên việc công ty Housing có thu được tiền hay không. Như vậy hành vi ký vào 57 phiếu thu của bị cáo Thủy không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ phân tích nêu trên, vị luật sư này đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thủy không phạm tội.

Cũng tại phiên tòa, luật sư Trương Anh Tú nhận định: “Viện KSND nói các bị cáo tự nhận mình là chủ dự án, đưa thông tin sai lệch, khoan cọc nhồi với tính chất làm mầu, đặt mô hình… để bị hại lầm tưởng về dự án để từ đó thu tiền. Nhưng thực tế việc thu tiền đã có từ trước khi bị cáo Thủy ký vào biên lai thu tiền”.

Xét xử Châu Thị Thu Nga: Luật sư và các bị hại không phục

Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa xét xử

Ở góc độ khác khi quy kết các bị cáo phải biết dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, luật sư Tú cho rằng việc cầm hồ sơ pháp lý đánh giá một dự án có đầy đủ pháp lý không là rất khó ngay cả với người làm công tác pháp luật, luật sư Tú nói: “Trong vụ án có một số bị hại là người có hiểu biết pháp luật rất tốt nhưng việc thẩm định hồ sơ pháp lý là rất khó. Thủy không đủ năng lực thẩm định hồ sơ pháp lý nên việc quy kết Thủy phải biết… tôi thấy là có gì đó rất khiên cưỡng”.

Vị luật sư này tiếp tục: “Ở góc độ dân sự, với hơn 700 bị hại sẽ chỉ nằm trên giấy. Tôi tiếc là có một giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn của bà con nhưng chưa được xét tới. Có giải pháp là cổ phần hóa Housing, cổ đông chính là hơn 700 khách hàng sẽ tiếp tục thực hiện dự án; thành phố phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho người dân”.

Về phía các bị hại, bà Vũ Thị Phương Lan không đồng ý với phần cáo trạng mà Viện KSND đưa ra. Bởi giao dịch mà khách hàng ký có thể là thỏa thuận vay vốn, góp vốn đều hợp pháp. Quan trọng là khách hàng đã ký với pháp nhân Housing Group, không ký riêng với bà Nga. Đây là vụ án hình sự xét xử bà Nga về tội lừa đảo nên các khách hàng chỉ có ý kiến về phần dân sự, bà Lan nói: “Housing Group là pháp nhân vẫn tồn tại, Viện KSND lại yêu cầu bà Nga bồi thường, vậy có sự nhầm lẫn chủ thể? Chúng tôi quan hệ với pháp nhân, không quan hệ với cá nhân, không đúng bản chất giao dịch của chúng tôi”.

Theo bị hại này, nguyện vọng của các bị hại là có được nhà để ở, không phải lấy lại tiền nên Viện KSND đã đề nghị không đúng nguyện vọng của các khách hàng, bà Lan tiếp tục nói: “Châu Thị Thu Nga biển thủ tiền của Housing thì trả tiền cho Housing. Chúng tôi còn đây, mảnh đất còn đó, mong Dự án B5 được triển khai, mong chính quyền tạo điều kiện để hơn 700 con người chúng tôi có nhà để ở. Nếu tòa không làm được điều đó thì không làm đúng hiến pháp”.

Một bị hại khác có mặt tại tòa phản biện lại ý kiến của luật sư khi luật sư cho rằng bị cáo Tình không lừa đảo, không giúp sức.

Người này giải thích, từ khi liên hệ với Tình để mua nhà, nay chị ấy gọi điện thoại, mai gọi đưa đi xem đất, chị ấy lấy của khách hàng hơn 400 triệu đồng - “Khi chúng tôi chưa nộp tiền, chị Tình bảo có trách nhiệm với chúng tôi, nộp tiền xong chị ấy lại nói không biết chúng tôi. Khi chúng tôi mua nhà, chị Tình có hoa hồng lớn, bao nhiêu tấn thóc mới được tiền trăm, tiền tỉ. Chúng tôi có ý kiến trả lại tài sản để chúng tôi đỡ khổ…”.

Xét xử Châu Thị Thu Nga: Luật sư và các bị hại không phục

Đại diện VKSND tại phiên tòa xét xử

Cũng trong phiên tòa xét xử ngày hôm nay, sau quá trình thẩm vấn công khai và sau khi nghe quan điểm bào chữa của các luật sư, Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố của mình.

Theo đó, vị đại diện Viện KSND cho rằng: Công ty Housing Group chưa được cấp giấy chứng nhận là chủ dự án, giấy phép xây dựng ở thời điểm huy động vốn. Số tiền thu của khách hàng đến nay bị cáo Nga chi tiêu hết. Căn cứ vào quy định của pháp luật, chủ đầu tư muốn huy động vốn thì phải có thiết kế nhà và đã được cấp phép. Công ty Housing Group chưa được phép huy động nhưng bị cáo Nga vẫn có hành vi huy động vốn.

Hành vi huy động vốn thể hiện, bị cáo Nga ra nghị quyết HĐQT cho phép tổng giám đốc huy động vốn của khác hàng, lập kế hoạch vay vốn. Trong các cuộc họp giao ban, vào thứ hai hàng tuần, bị cáo Nga đều thông báo tình trạng dự án đang xin phép nhưng lại phân công các bị cáo thực hiện các hành vi tiếp theo: Đưa thông tin nhận là chủ đầu tư lên website, dựng mô hình thiết kế các tòa nhà 29-33 tầng, khoảng 1.668 căn, tổ chức thi công cọc khoan nhồi để thể hiện là công ty Housing Group đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai…Ngoài ra để khách hàng tin tưởng, Nga đã yêu cầu các nhân viên lập các hợp đồng theo mẫu để mình phê duyệt: đặt cọc, vay vốn, thỏa thuận góp vốn, vay vốn…có nội dung công ty Housing Group làm chủ dự án, thiết kế đã được phê duyệt. Phiếu thu thể hiện nộp hoặc thu tiền để xây dựng Dự án B5 Cầu Diễn, căn hộ cụ thể…

Tiếp nữa, theo Viện KSND, khi khách hàng đến công ty tìm hiểu mua nhà, các nhân viên đều cho xem mô hình, thiết kế tòa nhà đang được phê duyệt và cho xem hợp đồng để khách hàng thỏa thuận góp vốn mua căn hộ…Những hành vi trên, theo Viện KSND bị pháp luật cấm mà Nga cùng các bị cáo vẫn làm. Tổng số tiền chiếm được là hơn 377 tỷ, đã trả 28 tỷ, còn lại 348 tỷ.

Căn cứ vào những điều trên, Viện KSND cho rằng bị cáo Nga cùng 9 bị cáo đều có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản. Còn việc chưa lấy được lời khai của tất cả các bị hại, theo Viện KSND từ khi xảy ra vụ án cơ quan điều tra đã làm đủ thủ tục đăng báo nhưng các bị hại không đến. Hồ sơ vụ án có đủ căn cứ kết luận bị cáo Nga cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 348 tỷ đồng. Hành vi chiếm đoạt chỉ xác định trong một lần lần nên không giảm trừ khoản tiền 157 tỷ được tách ra điều tra ở giai đoạn hai vụ án.

Đối với 9 đồng phạm của bị cáo Nga, theo Viện KSND, bị cáo Lê Hồng Cương, cựu Phó Tổng giám đốc công ty Housing đã ký tiếp nhận mô hình để trưng bày, thi công cọc khoan nhồi, sử dụng tiền của công ty Housing Group thu của khách hàng, là tiền thu trái pháp luật nên việc sử dụng đều trái pháp luật. Vì vậy, VKS vẫn kết luận tổng số tiền bị cáo Cương giúp sức bà Nga chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng.

Với cựu Phó Tổng giám đốc Nguyễn Trường Sơn, VKS nhận định, ông này ký các hợp đồng góp vốn, thi công cọc khoan nhồi đều trái pháp luật nên có căn cứ Sơn giúp sức bà Nga chiếm đoạt hơn 270 tỷ. Tương tự với 8 thuộc cấp khác, VKS cũng giữ nguyên quan điểm truy tố. VKS cũng cho rằng việc đề nghị buộc bị cáo Nga bồi thường cho các bị hại là có cơ sở.

Xét xử Châu Thị Thu Nga: Luật sư và các bị hại không phục

Luật sư Hoàng Văn Hướng trong giờ nghỉ giải lao tại phiên tòa xét xử

Bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng, việc Viện KSND cho rằng công ty Housing chưa được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư Dự án B5, luật sư cho rằng: Thực ra công nhận với nhau đã có rồi. Luật sư Hướng nói: “Dự án B5 có hai phần. Chúng ta buộc phải tin tưởng văn bản 4368/2008 cho phép công ty HAIC làm chủ đầu tư sau đó phát sinh ra liên danh giữa Housing Group với công ty này. Như vậy chưa hợp pháp nhưng hợp lý”.

Còn việc huy động vốn trái phép, theo vị luật sư này thì phải chứng minh trái phép theo nguồn luật nào. Vì khi có nhiều luật điều chỉnh thì phải tôn trọng luật chuyên ngành. Luật sư cho rằng phải áp dụng luật kinh doanh bất động sản chứ không phải luật nhà ở như VKS dẫn giải. luật sư Hướng nói: “Các buộc tội của VKS quá lung lay không thuyết phục được chúng tôi”.

Về việc Châu Thị Thu Nga ra nghị quyết, lập kế hoạch vay vốn, luật sư cho rằng đúng đắn vì ai có doanh nghiệp cũng biết có quá trình chuẩn bị kinh doanh. Luật sư lập luận: “Vấn đề thứ tư là  việc đưa thông tin lên trang web, VKS cũng không thuyết phục được chúng tôi vì trên đó có 5, 7 dự án đó ‘đi may áo thì phải biết may ở hiệu nào”.

Vị luật sư này cho rằng việc đưa thông tin lên trang web không thể là căn cứ để xác định hành vi gian dối. Còn mô hình nhà đến 1/2011 mới có mà hợp đồng đã ký từ 2008. Tiếp theo vấn đề cọc, theo luật sư là quan trọng nhất, cọc phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đóng âm xuống mặt đất, không ai nhìn thấy nên khách hàng nói nhìn thấy là khiên cưỡng. “Cáo trạng cứ vin vào những cái này để buộc tội thì không thể nào thuyết phục được chúng tôi”, luật sư nói.

Một việc khác, Nga yêu cầu các nhân viên lập các hợp đồng, luật sư cho rằng phải nhìn vào năng lực của khách hàng ‘mua một mớ rau cũng phải biết nó tươi hay héo’. Bà Nga chỉ là đại diện của pháp nhân, khách hàng khi ký phải xem kỹ nội dung hợp đồng.

Về khoản tiền chiếm đoạt, luật sư cho rằng không thể buộc tội thân chủ mình với cả 348 tỷ được. Theo luật sư, 85 tỷ cáo trạng cũng công nhận đầu tư vào hạng mục của công ty nên không thể nói bà mang về chiếm đoạt. Luật sư Hoàng Thị Dinh cho rằng 25 tỷ chi cho các dự án khác cũng là hợp pháp. Còn 157 tỷ, luật sư cho rằng nếu đưa vào quy buộc ở vụ án này thì khi điều tra xét xử ở giai đoạn hai lấy gì làm căn cứ?.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Châu Thị Thu Nga: Luật sư và các bị hại không phục