Rút hồ sơ vụ "bắt giữ người trái pháp luật" để xem xét thủ tục giám đốc thẩm

Văn Vũ| 11/02/2017 10:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi bị hai cấp tòa tuyên có tội, bị cáo làm đơn kiến nghị giám đốc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM đã thụ lý vụ án.

Theo TAND cấp cao tại TP.HCM, cơ quan vừa có quyết định rút toàn bộ hồ sơ vụ Nguyễn Văn Trình – bị cáo trong vụ án “Bắt trói treo người lên cây” để thụ lý, xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Đây là vụ án thu hút dư luận với nhiều tranh cãi trái chiều tại xứ dừa Bến Tre trong thời gian vừa qua.

Vụ án đã qua cấp sơ thẩm và bị cáo Nguyễn Văn Trình (sinh năm 1978, ngụ ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách), đã bị TAND huyện Chợ Lách tuyên phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.  Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo kháng cáo cho rằng mình vô tội.

Ngày 12/9/2015, TAND tỉnh Bến Tre đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa, HĐXX cho rằng, sự vắng mặt của bị hại (có đơn xin vắng mặt) có ảnh hưởng đến nội dung kháng cáo của bị cáo, nên HĐXX đã hoãn phiên tòa để triệu tập bị hại cùng cha mẹ bị hại. Trước đó, phiên xử phúc thẩm cũng đã một lần bị hoãn.

Rút hồ sơ vụ

Bị cáo Nguyễn Văn Trình tại phiên tòa lưu động sáng 4/1/2016.

Tại phiên tòa lưu động sáng 4/1/2016, TAND tỉnh Bến Tre tuyên y án sơ thẩm, tiếp tục phạt bị cáo Nguyễn Văn Trình, 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội danh “Bắt, giữ người trái pháp luật”.

Theo bản án phúc thẩm tuyên ngày 4/1/2016, vào lúc 2 giờ 30 ngày 21/1/2014, ông Nguyễn Văn Tập (sinh năm 1941, ngụ ấp Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách), nghe tiếng chó sủa nên nghi ngờ có trộm, ông Tập cùng con trai là Nguyễn Văn Trình đi kiểm tra xung quanh nhà thì phát hiện Phạm Văn Khôi đang ngồi trốn bên trong tiệm tạp hóa của mình.

Trình dùng tay nắm cổ áo Khôi đánh nhiều cái vào bụng, lưng đồng thời hỏi con ai. Khôi không trả lời nên Trình nắm lận hai tay Khôi ra phía sau rồi dẫn ra trước cửa tiệm tạp hóa, cạnh đường rồi kêu ông Tập lấy dây ra trói.

Ông Tập đi lấy giỏ xách đựng dây ra đưa cho Trình, Trình lấy một sợi dây dù màu xanh dài 3,2 mét trói hai tay Khôi từ phía sau, phần dây còn lại Trình trói Khôi vào một cây xanh.

Ông Tập cũng hỏi và dùng tay đánh nhiều cái vào bụng Khôi, Trình tiếp tục lấy dây gân dài khoảng 4 mét, một đầu buộc vào sợi dây dù đã trói hai tay Khôi, đầu còn lại Trình ném qua một nhánh cây xanh trước cửa tiệm tạp hóa và nắm đầu dây kéo Khôi lên rồi hạ xuống nhiều lần.

Đến khoảng 4 giờ 44 phút cùng ngày, Trình điện thoại báo cho Lê Nguyên Luyến, trưởng ấp Phú Bình và Nguyễn Văn Hải, Công an viên ấp đến tiếp nhận và cho người nhà đưa Khôi đến bệnh viện đa khoa huyện Chợ Lách cấp cứu. Bố, mẹ của Phạm Văn Khôi đã từ chối giám định tỷ lệ thương tật của Khôi (thời điểm xảy ra vụ án, Khôi sinh ngày 9/10/1999).

Sau bản án phúc thẩm, bị cáo Trình làm đơn kiến nghị giám đốc thẩm, cho rằng mình không phạm tội, một mực kêu oan. Nguyễn Văn Trình cho rằng mình không phạm tội như hai cấp tòa quy kết. Bị cáo không thực hiện hành vi trói và đánh người mà do cha bị cáo là ông Nguyễn Văn Tập thực hiện (ông Tập đã chết). Bị cáo cũng không thừa nhận các lời khai của mình tại cơ quan điều tra.

Luật sư bảo vệ cho bị cáo, cũng không thống nhất với tội danh và điều khoản mà hai bản án đã tuyên đối với Trình.

Theo luật sư, Cơ quan tố tụng đã vi phạm tố tụng như không có chứng cứ xác định thời điểm bị cáo bắt, giữ bị hại, lời người làm chứng chưa thống nhất, kết luận điều tra cho rằng người bị hại chưa thực hiện hành vi phạm tội là không đúng…

Còn ông Trần Đông Chu, nguyên Kiểm sát viên cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, tội danh mà TAND tỉnh Bến Tre tuyên không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo.

Theo đó, bản án nhận định bị hại Khôi đã đến nhà bị cáo Trình để ăn trộm và hành vi bắt giữ Khôi của Trình là bắt giữ người phạm tội quả tang là đúng pháp luật. Bởi thực tế nơi ở và tài sản của bị cáo (được pháp luật bảo vệ) đã bị xâm 
phạm bất hợp pháp.

Ông Chu cho rằng nếu coi hành vi bắt người này là bắt người phạm tội quả tang thì không thể có tội giữ người trái pháp luật.

Bản án phúc thẩm chỉ xoáy vào hành vi trói và đánh người của bị cáo Trình. Nhưng hành vi trói và đánh không cấu thành tội giữ người trái pháp luật.

Việc đánh, nếu có thì cấu thành tội cố ý gây thương tích, ở đây người bị hại từ chối giám định thương tích. Còn việc giữ Khôi là bởi Khôi phạm tội quả tang thì mới giữ.

Và cần phải hiểu rằng, việc giữ người này phải xem xét các yếu tố thời gian, không gian, địa điểm... và xem khi nào đủ điều kiện thì mới giao chứ không thể đêm hôm mang đi giao cho cơ quan chức năng.

“Vụ án này còn nhiều mâu thuẫn, nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên Tòa án và viện KSND cấp trên cần xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm” - ông Chu nói.

Trong lúc vụ án đang quá trình điều tra thì ông Nguyễn Văn Tập (bố bị cáo Trình) đã treo cổ tự vẫn.

Ông Tập từng là bộ đội, xuất ngũ ông làm cán bộ UBND xã Vĩnh Bình và mới đây ông vừa nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Thư tuyệt mệnh của ông Tập để lại có đoạn: “Tôi không còn đường nào khác phải chết… Khi tôi chết công an đến mổ xẻ thì nói tôi muốn chết, không ai giết tôi…”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút hồ sơ vụ "bắt giữ người trái pháp luật" để xem xét thủ tục giám đốc thẩm