Nỗi đau sau vụ án “yêu râu xanh” rối loạn nhân cách

An Dương| 13/08/2014 11:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre xưa nay là vùng quê hiền hòa, êm ả, thế nên chuyện Dương Văn Thảo (18 tuổi, tự Quẹo) giở trò đồi bại với một người phụ nữ xấp xỉ tứ tuần khiến dư luận không khỏi xôn xao.

Trong phiên tòa xét xử Thảo có nhiều nước mắt của gia đình người bị hại và cả sự chua xót của người thân bị cáo. Việc để đứa con “rối loạn nhân cách” gây án đau lòng có một phần trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Nếu như họ gần gũi, giáo dục thì có thể Thảo sẽ có nhận thức đầy đủ hơn về giới tính và cuộc sống…

Bị cáo Dương Văn Thảo sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mới học đến lớp 8, Thảo bỏ ngang ở nhà làm mướn phụ giúp bố mẹ. Mặc dù Thảo to khỏe, nhìn bề ngoài cũng bình thường như nhiều thanh niên khác nhưng thực tế, Thảo bị mắc chứng bệnh “rối loạn nhân cách thực tổn”. Gia cảnh quá khó khăn nên Thảo không được đưa đi điều trị, đành phải “sống chung với bệnh”, trở thành nguy cơ tiềm ẩn đối với tất cả mọi người.

Nỗi đau sau vụ án “yêu râu xanh” rối loạn nhân cách

Hình minh họa

Ngày 29/1, Dương Văn Thảo cùng anh Nguyễn Văn Giờ, Nguyễn Văn Chiến (em ruột của anh Giờ) được ông Dương Văn Liều cùng ở ấp Tân Ngãi, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam thuê móc bùn mương vườn. Cả nhóm làm hì hục nguyên ngày, đến khi trời xẩm tối mới xong, ông Liều trả công cho ba người là 160.000 đồng. Trên đường về, ba người ghé quán tạp hóa chị Bùi Thị Mười đổi tiền lẻ. Anh Chiến chia cho anh Giờ 80.000 đồng, phần tiền còn lại, anh Chiến chia cho Thảo 40.000 đồng nhưng Thảo không nhận mà cấn trừ vào số tiền Thảo nợ anh Chiến trước đó. Anh Giờ mua 10.000 đồng rượu đế, Thảo mượn của anh Chiến 10.000 đồng mua khô bò dự định về nhà anh Giờ sẽ gầy độ nhậu.

Khi mọi người về đến nhà anh Giờ, anh Chiến kiểm tra tiền phát hiện bị rơi mất 50.000 đồng. Anh Chiến liền cùng Thảo quay ngược trở lại để đi tìm nhưng không thấy. Sau đó, cả hai quay trở lại nhà anh Giờ rồi anh Chiến về nhà. Lúc này, chị Lê Thị Nhung (vợ của anh Giờ) nghe vậy liền nói: “Số tiền phải làm vất vả mới có, để tôi lấy xe đạp và đèn pin đi tìm 50.000 đồng cho anh Chiến”. Nghe vậy, Thảo liền nói: “Tôi biết chỗ anh Chiến móc tiền ra...” rồi xin đi theo chị Nhung. Trong mắt chị Nhung, Thảo chỉ là cậu nhóc hàng xóm nên không hề nghi ngờ gì, liền lấy xe đạp chở theo Thảo.

Sau khi rời khỏi nhà được 100m, Thảọ ngồi sau bám vào eo chị Nhung. Mặc dù chị Nhung lớn hơn 20 tuổi nhưng với một gã trai mắc chứng “rối loạn nhân cách” mới lớn, Thảo liền nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Nhung. Tới quán tạp hóa chị Bùi Thị Mười, chị Nhung rẽ vào lộ Tân Lập (liên xã Tân Trung - Minh Đức), xuống xe dẫn bộ được một đoạn khoảng 30m, chị Nhung dừng lại để xe cặp gốc dừa rồi đi bộ rọi đèn tìm tiền, Thảo theo sau. Đến cầu bê tông bắc qua kênh Triền, cách quán chị Mười khoảng 200m, bất ngờ Thảo ôm chị Nhung nhảy xuống kênh, mục đích là quan hệ với chị Nhung ở dưới kênh để nạn nhân không thể phản kháng được. Tuy nhiên, do nước đang lên nên ngập đầu cả hai người.

Thảo kéo chị Nhung về hướng cách cầu gần 20m để giở trò đồi bại. Do chị Nhung la lên nên y liền bế nạn nhân vào vườn đất gần đó. Chị Nhung luôn miệng kêu nên Thảo liền với tay bịt miệng nạn nhân. Sau khi gây án, Thảo mới phát hiện chị Nhung đã tắt thở. Lúc này, Thảo hoảng hốt đến mức quên cả mặc đồ, bỏ chạy về nhà. Về phía chồng chị Nhung, chờ mãi không thấy vợ về nên đi tìm suốt đêm, đến sáng hôm sau mới phát hiện được sự việc nên trình báo Công an. Thảo bị bắt khẩn cấp ngay sau đó. Tại Biên bản giám định pháp y tâm thần của Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam kết luận: Về y học “trước, trong, sau khi gây án, Thảo bị bệnh rối loạn nhân cách thực tồn. Thảo gây án trong lúc tỉnh, có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng hạn chế do bệnh”.

Trước Tòa, Dương Văn Thảo cúi đầu thừa nhận tội trạng, tỏ thái độ ăn năn, hối hận. Qua xét hỏi, vị Thẩm phán chủ toạ nhận định, bị cáo Thảo là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Vụ án để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, chị Nhung mất đi gây biết bao khó khăn trong việc chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng các con nhỏ, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình, không gì bù đắp được. Hành vi phạm tội của bị cáo gây mất trật tự trị an ở địa phương, gây tâm lý bất an, bất bình, phẫn nộ trong nhân dân nên cần phải trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Tòa tuyên phạt Thảo 2 năm tù về tội “Hiếp dâm”, 16 năm tù về tội “Giết người”, tổng hợp hình phạt bị cáo phải chịu là 18 năm tù. Phiên tòa kết thúc trong những giọt nước mắt đau khổ của cả gia đình người bị hại lẫn bị cáo. Giá như Thảo được chăm sóc, giáo dục, được đưa đi chữa bệnh thì bi kịch đau lòng đã không xảy ra. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau sau vụ án “yêu râu xanh” rối loạn nhân cách