Mùa xuân sau cánh cổng trại giam

Đoàn Nga| 10/02/2016 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có anh lính ngay năm đầu tiên công tác đã phải đón Giao thừa trên chòi gác, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết mắt rớm lệ vì nhớ nhà, nhưng cũng không dám khóc to vì sợ mọi người nghe thấy...

Từ bao đời nay sum họp trong ngày Tết cổ truyền vốn là truyền thống thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Ai cũng vậy, dù mưu sinh ở đâu, giàu hay nghèo, thành công hay thất bại nhưng Tết đến đều trở về đoàn viên với gia đình. Ấy vậy mà, đối với cánh lính trại giam Tết cũng như ngày thường, đa số các anh vẫn túc trực 24/24 trong trại.

Trong khi người người lo sắm Tết thì lính trại giam lại căng mình trong giá rét để hoàn thành nhiệm vụ. Ngồi lặng lẽ trong vọng gác, Thiếu tá Nguyễn Việt Anh, Đội phó đội Cảnh sát bảo vệ khẽ kéo cao cổ áo để ngăn cái lạnh đang len lỏi vào da thịt, mắt không rời các vị trí quan trọng quanh khu vực trại, vừa chậm rãi cho hay, cái rét ban ngày chưa thấm vào đâu so với ban đêm. Khi mọi người quấn mình ấm áp trong chăn, chìm sâu vào giấc ngủ thì Cảnh sát bảo vệ luôn phải căng mắt theo dõi mọi động tĩnh xung quanh trại. Mỗi ca trực kéo dài 2 tiếng, khi đó, các anh lại bồng súng đi một vòng quanh khuôn viên trại kiểm tra nhằm phát hiện những điều bất thường mà phạm nhân có thể gây ra bất kể lúc nào. 

Theo Thiếu tá Nguyễn Việt Anh: “Đặc thù công việc của lính Cảnh sát bảo vệ không chỉ đơn thuần là tuần tra canh gác, bảo vệ trại giam mà chúng tôi còn làm cả công tác dẫn giải phạm nhân, kiểm tra phạm nhân đi lao động về và kiểm tra nơi ăn ở của họ. Những ngày Tết, lính cảnh sát bảo vệ càng bận rộn hơn vì ngoài những phạm nhân làm ở đội bếp ra, tất cả đều được nghỉ làm. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải duy trì nề nếp, nội quy trại”. 

Với thâm niên 20 năm gắn bó với nghề thì Thiếu tá Việt Anh đã có tới 10 năm ăn Tết tại đơn vị. Do đã nhiều năm làm lính trại giam nên anh khá am hiểu tâm lý của các phạm nhân trong những ngày Tết đến Xuân về. “Tâm lý chung của phạm nhân ngày Tết là nhớ nhà. Mặc dù mỗi người một tâm trạng khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ thất thường vì thế mà rất dễ tự ái, chỉ cần một câu nói động chạm là xảy ra khẩu chiến. Những khi xảy ra xô xát, chúng tôi phải nhanh chóng có mặt, dẫn giải người vi phạm về phòng trực ban cho bộ phận khác xử lý, tìm nguyên nhân”, Thiếu tá Việt Anh cho hay.

Không chỉ phải đón Tết ở trại, lính bảo vệ nhiều khi còn phải đón Giao thừa trên chòi gác giữa đồng không mông quạnh. “Có anh lính ngay năm đầu tiên công tác đã phải đón Giao thừa trên chòi gác, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết mắt rớm lệ vì nhớ nhà nhưng cũng không dám khóc to vì sợ mọi người nghe thấy. Ai cũng trải qua tâm trạng đó nên hiểu mà. Cảm giác lúc đó thật khó diễn tả vừa có chút gì đó bâng khuâng, bùi ngùi nhưng giờ thì ai cũng quen rồi”, Thượng úy Dương Đức Nghĩa - Trung đội phó Trung đội Cảnh sát bảo vệ phân trại nữ trại giam Ninh Khánh bộc bạch.

Mùa xuân sau cánh cổng trại giam

Các phạm nhân được nhận quà Tết theo đúng tiêu chuẩn

Những tưởng ngày nghỉ thì lính trại giam sẽ nhàn hơn nhưng thực tế không phải vậy, họ còn bận hơn rất nhiều. Trong khi phạm nhân được nghỉ thì lính trại giam lại phải căng mình làm việc mà nếu chỉ nhìn bề ngoài, chẳng ai bảo họ đang lo lắng. Nói như Thiếu tá Nguyễn Văn Hồng, Đội trưởng Đội Giáo dục trại giam Ninh Khánh thì ngày Tết là ngày đáng lo nhất trong năm, bởi ngày thường lo phạm nhân trốn trại một thì ngày Tết, nỗi lo ấy tăng gấp mười lần. Ngoài ra, chưa kể những nỗi lo khác như lo phạm nhân bội thực, rối loạn tiêu hóa, ốm đau, đánh nhau. Phương châm chống trốn, chống ốm, chống chết và chống đánh nhau luôn là khẩu hiệu mà tất cả những người lính trại giam đều tâm niệm trong đầu.

Tết là khoảng thời gian mà ai cũng nghĩ về gia đình, mong muốn được sum họp với người thân bên mâm cơm ấm cúng. Và những người đang cải tạo ở các trại giam họ chỉ có thể mơ hoặc hoài niệm về điều ấy. Nước mắt, thở dài hay rầu rĩ rồi trốn vào giấc ngủ,… là những tâm trạng mà các phạm nhân thường thể hiện để nguôi đi nỗi nhớ nhà. Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó đội Quản giáo phân trại 3, trại giam Quyết Tiến, người đã có 25 năm công tác trong trại giam kể, có nhiều phạm nhân vì không kìm nén được cảm xúc cứ thế kêu la suốt, thôi thì nhớ tên ai là họ réo hết cả ra, từ ông bà, bố mẹ, con cháu rồi đến tên cán bộ trại.

“Bình thường nghe tiếng phạm nhân gọi cán bộ đã giật mình, huống hồ là những ngày Tết, lắm hôm giữa đêm khuya im ắng, bỗng rộ lên tiếng kêu của vài phạm nhân khiến chúng tôi ai cũng toát mồ hôi vì tưởng xảy ra sự cố nghiêm trọng”, anh Hùng kể.

“Thời khắc bước sang năm mới dễ khiến người ta xúc động quá mà không kiềm chế được dẫn đến những hành động như nổi loạn. Thế nên bỗng nhiên thấy không gian im ắng hay chợt rộ lên tiếng cười,... âm thanh lạ nào cũng khiến chúng tôi giật mình, cảnh giác, nhất là nghe tiếng gọi cán bộ ơi thì đang làm gì cũng vứt đó mà chạy vào, Trung tá Hùng cho hay.

Đặc biệt, đối với những phạm nhân mới nhập trại vì họ là những người vừa có án, tâm lý còn chưa ổn định, môi trường sống lại mới, cán bộ giáo dục chưa có thời gian tìm hiểu kỹ về nhân thân, tính cách nên khi xảy ra bất thường, cán bộ giáo dục, quản giáo rất vất vả mới giúp họ vượt qua xúc cảm tức thời để ổn định tâm lý.

Vất vả, thiệt thòi là vậy, nhưng những cán bộ trại giam nơi đây chưa từng nghĩ tới từ bỏ công việc. Bởi ai cũng tâm niệm và mong muốn một điều, những việc làm thầm lặng của mình sẽ phần nào hàn gắn, cảm hóa được những con người từng lầm đường lạc lối. Các anh thực thi nhiệm vụ không quản ngày đêm khó nhọc với một niềm tin sắt đá nhằm góp phần ươm mầm thiện cho những người lầm lỗi sớm hoàn lương, trở về hòa nhập với gia đình, xã hội.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa xuân sau cánh cổng trại giam