Hành trình tìm lại “ánh sáng” của hai thiếu nữ bị cha dượng giở trò đồi bại

Kết Đoàn| 14/03/2015 06:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người phụ nữ ly dị chồng và có hai cô con gái đã xao lòng trước người đàn ông. Họ gá nghĩa với nhau và ở chung một căn nhà. Thế nhưng, người phụ nữ từng qua một lần đò ấy không thể ngờ rằng, người mình thương yêu lại nhẫn tâm giở trò đồi bại với con gái.

Những đứa trẻ tội nghiệp 

Nằm biệt lập với các xóm khác ở thị trấn Long Hải (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), “xóm nhà lá” hiu hắt với vài chục nóc nhà lụp xụp. Tên gọi đã trở thành “thương hiệu” nói lên cái nghèo của những con người tứ xứ trôi dạt về đây. Trong cái xóm nhỏ nằm giữa cồn cát trắng ấy, câu chuyện về gã cha dượng đồi bại vẫn con râm ran mặc dù thời gian trôi qua đã lâu.

Theo đó, từ năm 2009 - 2012, nhiều lần Trần Văn Tuấn (SN 1986, quê tỉnh Khánh Hòa) giở trò với các cháu Lê Thị Xuân (khi đó 12 tuổi) và Lê Thị Hương (khi đó 10 tuổi). Sau thời gian dài trôi qua, Xuân và Hương đã để quá khứ đau buồn lại sau lưng, viết lên những trang mới của cuộc đời mình.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Hoa (mẹ của hai nạn nhân - PV) vừa khóc vừa kể về hai cô con gái nhỏ của mình: “Sau khi sự việc xảy ra, hai đứa con của tôi, ban ngày theo mẹ buôn bán hàng rong, tối về, hai chị em lại chơi với nhau. Mỗi khi ai đó vô tình nhắc đến cha dượng là hai đứa hốt hoảng, sợ hãi, co rúm người lại. Tôi đã mấy lần gửi hai đứa về bên ngoại cho khuây khỏa, nhưng do nhớ mẹ nên được vài bữa chúng lại đòi về. Giờ thì chúng đã biết tự lo cho mình và rất thương nhau. Rất may, hai đứa không trượt trong nỗi đau quá khứ”.

Hành trình tìm lại “ánh sáng” của hai thiếu nữ bị cha dượng giở trò đồi bại

Trần Văn Tuấn trong phiên xử phúc thẩm tại TP.HCM 

Ngừng giây lát, chị Hoa nhớ lại: “Khi biết sự việc hai con tôi bị cha dượng hãm hại, người ta bàn tán dữ lắm. Họ không biết đã vô tình làm tổn thương chúng tôi. Thậm chí đôi khi người ta tới mua khô cá nhưng thực chất là để hỏi chuyện về hai đứa nhỏ. Tôi đau lắm. Làm mẹ mà không thể bảo vệ được con mình…”.

Vượt qua tất cả, ba mẹ con chị Hoa vẫn lầm lũi sống, hai cô bé con ít nói hơn những vẫn ngoan ngoãn phụ mẹ. Lớn hơn một chút, Xuân biết đây không phải mảnh đất em có thể nương náu về sau nên quyết định ra đi.

“Mới đây, con bé lớn xin tôi cho xuống TP.HCM học làm tóc. Mấy tháng sau, em nó cũng xin đi theo chị luôn. Chúng bảo dưới đó hai đứa có thể kiếm được nhiều việc tự nuôi sống bản thân. Thỉnh thoảng, chúng có về thăm mẹ. Từ ngày xảy ra chuyện, chúng cứ lớn lên trong u uất rồi đâm ra ít nói. Sống trong cái xóm nghèo, lại không được đi học đến nơi đến chốn nên hai đứa rất ít bạn. Tôi biết mình cũng có lỗi khi để con gái phải chịu khổ như vậy”, chị Hoa xót xa.

Bà Lâm Thị Bền (hàng xóm của chị Hoa - PV) cho hay: “Chuyện nhà Hoa, ở xóm này ai cũng biết. Thằng đó (tức Tuấn - PV) nó bất nhân thiệt. Nhưng mà việc mẹ của chúng đi suốt ngày, để chúng nó và cha dượng ở với nhau thì có khác nào mỡ dâng miệng mèo… Hai đứa nhỏ thỉnh thoảng thấy về thăm mẹ và em rồi lại đi ngay. Tội nghiệp, thấy bảo nó xuống TP.HCM, không biết thân cô, thế cô, chúng nó sẽ làm gì dưới đó”.

Hãm hại con riêng của vợ 

“Xóm nhà lá” này như luôn bị bao trùm bởi cái nghèo. Những con người cùng cực ngoài xã hội dồn nhau về một bãi cát trống giữa rừng keo, cất lên những căn chòi nhỏ, mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Ở đây, những người mẹ thương con nhưng khiếm khuyết về kiến thức nên không đủ tinh tế để nhận thấy những thay đổi nhỏ nhặt nơi những đứa con. Chị Hoa cũng vậy, nghèo quá, nên chị đâm đầu lo kế mưu sinh để hai đứa con gái phải chịu biết bao uất ức. Có lẽ, bi kịch cuộc đời chị và hai cô con gái nhỏ bắt nguồn từ cái nghèo đói đó.

“Sau khi ly hôn chồng trước, tôi nghĩ sẽ ở vậy nuôi con. Ngày ngày đội thúng khô cá đi bán mà có được bao nhiêu tiền đâu. Hai đứa con nhỏ lại đang tuổi ăn tuổi lớn. Đang chới với thì gặp Tuấn, cũng một đời lỡ dở như nhau. Thấy Tuấn chấp nhận cảnh mẹ góa con côi, nên tôi đồng ý về sống cảnh “rổ rá cạp lại”, mong hai người sẽ cùng lao động lo cho gia đình tốt hơn. Nào ngờ đâu mọi chuyện lại đi quá xa như thế. Nhìn đám con nheo nhóc, tôi lao vào kiếm tiền. Tôi rong ruổi khắp nơi từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà…”, chị Hoa nhắc lại trong đau khổ.

Hành trình tìm lại “ánh sáng” của hai thiếu nữ bị cha dượng giở trò đồi bại

Gã cha dượng đồi bại

Người mẹ trẻ bị cuốn theo cuộc mưu sinh và quên mất rằng hai đứa con gái cũng cần nhiều sự quan tâm của mẹ. Thời gian này, sau khi chở vợ ra chợ, Tuấn thường về quanh quẩn ở nhà. Nhìn hai đứa con riêng của vợ, y nảy sinh ý định tà dâm. Một lần, nhân việc cô con gái lớn xin tiền cha dượng đi sinh nhật bạn, Tuấn hứa sẽ cho với điều kiện con bé phải nghe theo lời y. Thế là bé Xuân rơi vào bẫy của Tuấn, y còn dọa không được nói cho ai biết nếu không sẽ bị đánh. Không dừng lại ở đó, y tiếp tục dụ dỗ bé Hương và nhiều lần giở trò dâm ô với em, dù khi đó cô bé mới 10 tuổi.

Chị Hoa vẫn không hề biết người chồng mà mình tin yêu lại đang tâm xâm hại đời hai cô con gái chưa kịp lớn. Chị Hoa trải lòng: “Trong một lần trò chuyện với người cậu, Xuân và Hương đã kể ra tất cả. Mọi người vô cùng ngỡ ngàng khi biết sự thật đau đớn này. Nhưng giữa tôi và Tuấn còn có thằng út nữa, sợ mọi chuyện bại lộ đến tai chính quyền, ảnh kêu tôi đem hai đứa nhỏ đi gửi, rồi cùng tôi mang theo thằng út lên Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) tìm việc làm. Khi nào mọi chuyện lắng lại rồi sẽ tính tiếp, nhưng tôi thật không ngờ Tuấn vẫn “ngựa quen đường cũ. Mỗi khi hai đứa lên thăm tôi, Tuấn lợi dụng lúc tôi vắng nhà vẫn tiếp tục hành vi thú tính”.

Giữa buổi trưa nắng, chiếc radio cũ trong căn chòi rách phát ra những tiếng ca não nề như chính cuộc đời của những con người tương lai bất định ấy. Cùng với tiếng ca não nề bên này là tiếng ê a của bọn trẻ vọng lại từ xóm bên kia khiến chúng tôi chạnh lòng. Cũng vì nghèo mà hai đứa trẻ tội nghiệp không được cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa. Nhưng dẫu sao, hai em cũng rất giàu nghị lực khi biết tự vươn lên.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Hai cô bé giàu nghị lực 

Hiện nay, Xuân đã 18 tuổi, còn Hương đã là thiếu nữ 16. Hai chị em Xuân và Hương đang theo học làm tóc tại quận 5 (TP.HCM). Chị Hoa cho biết: “Vừa qua về thăm gia đình, Xuân và Hương khoe đã cắt tóc khá thành thạo và nếu làm tốt thì hết năm có thể “đứng kéo” cắt tóc cho khách hàng”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình tìm lại “ánh sáng” của hai thiếu nữ bị cha dượng giở trò đồi bại