Thủ tục rút gọn trong Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Quang Huy| 27/08/2014 17:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tục rút gọn trong Tố tụng dân sự là thủ tục tố tụng để giải quyết đối với những tranh chấp nhỏ, đơn giản và có chứng cứ rõ ràng...

Hoặc những vụ án không đáp ứng những điều kiện này nhưng các bên đương sự đều thống nhất và có văn bản đề nghị Tòa án giải quyết bằng thủ tục rút gọn. Việc giải quyết các vụ việc dân sự theo thủ tục rút gọn sẽ giúp cho vụ việc được giải quyết nhanh chóng, giúp cho các bên đương sự và các cơ quan chức năng tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của.

Thực tiễn xét xử các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động tại Tòa án các cấp cho thấy, có nhiều loại tranh chấp đơn giản, giá trị tranh chấp thấp, các bên đều thống nhất về nội dung tranh chấp và chứng cứ rõ ràng… nhưng các Tòa án vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định chung của BLTTDS để giải quyết, dẫn tới thời gian giải quyết kéo dài, tốn kém tiền bạc của Nhà nước và của đương sự. Căn cứ vào đề xuất của TANDTC, ngày 29/12/2011, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 428/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (Chương trình chuẩn bị), trong đó có Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS. TANDTC là cơ quan được Quốc hội giao trách nhiệm chủ trì thực hiện Dự án Pháp lệnh này. Hiện nay, TANDTC đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh này và đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động liên quan.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 thì “Việc xét xử sơ thẩm của TAND có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” và “TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Tuy nhiên, việc xây dựng quy định về thủ tục rút gọn trong TTDS thành một Pháp lệnh riêng biệt hay thành một phần của BLTTDS (sửa đổi) còn có các quan điểm khác nhau.

Thủ tục rút gọn trong Dự án  Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Ban soạn thảo và Tổ biên tập góp ý vào Dự án BLTTDS (sửa đổi) 

 Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần phải xây dựng Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS là một văn bản riêng quy định về trình tự, thủ tục xét xử, giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động cho phù hợp với đặc thù của thủ tục xét xử rút gọn. Mặt khác, việc xây dựng một Pháp lệnh riêng về thủ tục xét xử rút gọn sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng của Tòa án và là cơ sở đề xuất xây dựng Tòa giản lược (Tòa rút gọn) trong hệ thống TAND sau này.

 Quan điểm thứ hai cho rằng, thủ tục rút gọn trong TTDS là một bộ phận hay một ngoại lệ của BLTTDS, bởi khi chưa có quy định riêng về thủ tục rút gọn (như Pháp lệnh), thì các quy định của BLTTDS được áp dụng để giải quyết chung cho tất cả các loại vụ việc bao gồm những vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng, cơ chế hối thúc trả nợ và cơ chế tố tụng đối với séc và hối phiếu. Qua thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự, cho thấy nhiều loại vụ việc dân sự không nhất thiết phải áp dụng tất cả các thủ tục tố tụng quy định trong BLTTDS mà vẫn có thể giải quyết nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời, kinh nghiệm lập pháp về thủ tục rút gọn trong TTDS của nhiều nước trên thế giới đều quy định thủ tục rút gọn là một thủ tục đặc thù được quy định trong Luật TTDS. Việc đề xuất xây dựng Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS chỉ đặt ra khi chưa có điều kiện để sửa đổi toàn diện BLTTDS.

Hiện nay, Quốc hội đã quyết định sửa đổi toàn diện BLTTDS thì việc xây dựng thủ tục xét xử rút gọn nên được quy định ngay trong BLTTDS (sửa đổi) để vừa đảm bảo tính đặc thù của thủ tục rút gọn đồng thời vẫn đảm bảo được sự thống nhất của pháp luật TTDS (tương tự như thủ tục rút gọn trong BLTTHS). Ngoài ra, việc xây dựng thủ tục rút gọn trong TTDS đang đặt ra vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật, pháp lệnh như: Luật Thi hành án dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án... do đó, việc quy định thủ tục rút gọn trong BLTTDS sẽ đảm bảo tính khả thi của việc sửa đổi các luật, pháp lệnh nêu trên, đồng thời đảm bảo hiệu lực thi hành của thủ tục rút gọn khi được quy định trong một văn bản luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Pháp lệnh.

Mặt khác, theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 và Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; TANDTC được giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Tố tụng lao động, dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS và Dự án BLTTDS (sửa đổi). TANDTC nhận thấy, trong điều kiện sửa đổi toàn diện BLTTDS thì nên thu hút việc xây dựng Dự án Bộ luật Tố tụng lao động và Pháp lệnh thủ tục rút gọn trong TTDS vào Dự án BLTTDS (sửa đổi). Theo đó, cần xây dựng thủ tục rút gọn trong TTDS thành một phần riêng của BLTTDS (sửa đổi), đồng thời quy định cụ thể hơn những đặc thù của thủ tục tố tụng đối với những vụ việc lao động.

Vì những lẽ trên, Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án BLTTDS (sửa đổi) thể hiện thủ tục rút gọn theo quan điểm thứ hai và được thể hiện tại Phần thứ năm của Dự thảo BLTTDS (sửa đổi).

Bài 3: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục rút gọn trong Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)