Cần sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Đỗ Văn Chỉnh| 10/09/2014 09:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010.Sau 4 năm thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực, Luật bộc lộ nhiều hạn chế bất cập.

Do đó, vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật được đặt ra một cách cấp thiết.

Gây tâm lý thiếu tin tưởng

Luật này kế thừa, phát triển và thay thế các văn bản sau đây”

- Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH 11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị can do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

- Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ về giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định Nhà nước với tư cách là chủ thể sử dụng người lao động có trách nhiệm bồi thường đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau: Trong hoạt động quản lý hành chính; Trong hoạt động tố tụng bao gồm: hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, hoạt động tố tụng hành chính; Trong hoạt động thi hành án bao gồm: thi hành án hình sự, thi hành án dân sự.

Sau hơn bốn năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã là căn cứ pháp luật để người bị thiệt hại yêu cầu giải quyết bồi thường, yêu cầu giải quyết khiếu nại việc giải quyết bồi thường đồng thời xác định rõ cơ quan giải quyết bồi thường thủ tục giải quyết bồi thường và nghĩa vụ hoàn trả ngân sách nhà nước đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại do lỗi cố ý. Do đó người thi hành công vụ trong các hoạt động nói trên đã đề cao ý thức tuân theo pháp luật, trách nhiệm công tác.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nhận thấy một số quy định không phù hợp, môi trường giải quyết không đem lại cảm giác thân thiện đối với người bị oan. Tiếp xúc với một số người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra trong việc giải quyết bồi thường, chúng tôi nhận thấy tâm lý của người bị oan là thiếu tin tưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường là vô tư, khách quan. Thậm chí có người có tâm lý lo sợ bị cơ quan có trách nhiệm bồi thường trù dập khi người bị thiệt hại hoặc người thân trong gia đình họ có vụ việc liên quan đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường nên người bị thiệt hại từ bỏ yêu cầu giải quyết bồi thường. Sự từ bỏ này tuy là tự nguyện nhưng đã làm cho người bị thiệt hại phải chịu thiệt thòi.

Mặt khác, trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về quyền yêu cầu của người bị thiệt hại, về cơ quan giải quyết bồi thường làm cho người đọc luật, người bị thiệt hại khó nhận biết và sự nhận xét chung là không bảo đảm khách quan, không mang tính chất truyền thống dân tộc đối với trường hợp người gây ra thiệt hại chủ động gặp người bị thiệt hại để giải quyết bồi thường.

Sửa đổi, bổ sung như thế nào?

Chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ dung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về một số nội dung là:

Thứ nhất. Cần bổ sung một điều luật.

Điều luật cần quy định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường với nội dung là; Cơ quan gây ra thiệt hại, Cơ quan Trọng tài thương mại; TAND.

Giải quyết bồi thường theo trình tự: Cơ quan gây ra thiệt hại chủ động tổ chức thương lượng với người bị thiệt hai. Trường hợp người thiệt hai không đồng ý với kết quả thương lượng thì Cơ quan Trọng tài thương mại giải quyết. TAND giải quyết trong trường hợp người bị thiệt hai không đồng ý với quyết định của Hội đồng Trọng tài. Việc giải quyết tại TAND được thực hiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quy định bổ sung ở trên nhằm mục đích để người đọc luật dễ nhận biết và bảo đảm sự khách quan, Cơ quan Trọng tài thương mại là cơ quan không gây ra thiệt hại cũng không phải là Tòa án giải quyết ngay sau khi người bị thiệt hại không đồng ý với kết quả thương lượng giữa cơ quan gây ra thiệt hại với người bị thiệt hại. Còn TAND giải quyết  sau cùng với phán quyết là giữ nguyên quyết định của Hội đồng trọng tài hoặc sửa quyết định của Hội đồng trọng tài.

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

VKS trao quyết định đình chỉ thi hành án cho ông Nguyễn Thanh Chấn

Thứ hai, bãi bỏ Điều 4 quy định về “Quyền yêu cầu bồi thường”.

Tại Điều 9 đã quy đinh về “Quyền, nghĩa vụ của người bị thiệt hại”. Như vậy là quyền của người bị thiệt hại đã chia tách thành hai điều luật là không cần thiết. dài dòng làm người tìm hiểu luật phải kết nối nhiều điều luật mới biết được quyền của người bị thiệt. Do đó bãi bỏ Điều 4 để chuyển nội dung Điều 4 vào nội dung Điều 9 của Luật hiện hành.

Thứ 3, sửa đổi bổ dung một số điều luật.

Sửa đổi, bổ sung Điều 6. Điều này quy định về “Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường”. Nội dung sửa đội, bổ sung là: Sửa đổi khoản 3. Lý do sửa đổi: Nội dung khoản 3 không phù hợp với quy định tiên đề của điều luật. Theo chúng tôi nội dung khoản 3 Điều 6 là thuộc nguyên tắc giải quyết bồi thường. Nội dung khoản 3 Điều 6 quy định như sau: “Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp sau đây:

a) Do lỗi của người bị thiệt hại;

b) Người bị thiệt hại che giấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc;

c) Do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết”. Do đó cần chuyển nội dung khoản 3 Điều 6 vào Điều 7 của  Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Sửa đổi bổ sung Điều 7. Điều này quy định về “nguyên tắc giải quyết bồi thường”.

Nội dung khoản 2 Điều 7 quy định như sau: “Được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ”. Nội dung sửa đổi như sau: Tiến hành trực tiếp giữa cơ quan  giải quyết bồi thường với người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Quy định cơ quan giải quyết bồi thường mà không quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường như quy định tại khoản 2 Điều 7. Vì cơ quan giải quyết bồi thường là bao gồm tất cả các cơ quan mà pháp luật quy định, đó là: Cơ quan gây ra thiệt hại, TAND, có thể còn có cơ quan khác. Nếu quy định như hiện tại thì chỉ giới hạn một cơ quan.

Bổ sung khoản 4 (mới) với nội dung của khoản 3 Điều 6 chuyển đến. Nội dung khoản 3 dự kiến như sau: Nhà nước không bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: Do lỗi của người bị thiệt hại; Người bị thiệt hại cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật; Thiệt hại do tình thế cấp thiết hoặc sự kiện bất khả kháng.

Sửa đổi bổ sung Điều 9. Điều này quy định về Quyền nghĩa vụ của người bị thiệt hại”. Nội dung sửa đổi, bổ sung là: sửa đổi bổ dung điểm a khoản 1 Điều 9. Lý do sửa đổi là: Nội dung quy định chung chung không cụ thể. Điểm a khoản 1 Điều 9 quy định như sau: “Yêu cầu nhà nước bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự theo quy định của Luật này”. Nội dung sửa đổi dự kiến như sau: Yêu cầu cơ quan đã gây ra thiệt hại, bồi thường thiệt hại, khôi phục danh sự (bãi bỏ nội dung “theo quy định của Luật này). Việc xác định thiệt hại và tính số tiền bồi thường thuộc trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường. Đối với cơ quan giải quyết bồi thường phải thực hiện nguyên tắc giải quyết bồi thường là đúng pháp luật.

Thời hiệu bồi thường

Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường nhưng không giải thích thời hiệu yêu cầu là gì, cũng không có điều luật quy định cách xác định ngày nhận đơn yêu cầu của người bị thiệt hại để kết luận việc nộp đơn yêu cầu trong thời hiệu hay đã hết thời hiệu. Vì trong thực tế có người nộp đơn yêu cầu trực tiếp tại cơ quan giải quyết bồi thường, nhưng cũng có người nộp đơn yêu cầu qua bưu điện. Hai cách nộp đơn yêu cầu khác nhau thì cách tính ngày nhận đơn yêu cầu giống nhau hay khác nhau và việc quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường cần quy định rõ trong điều luật để người bị thiệt hại dễ nhận biết. Không nên quy định mà chỉ người soạn thảo hoặc người làm việc tại các cơ quan tiến hành tố tụng của Nhà nước mới có thể nhận biết được. Ví dụ tại khoản 2 Điều 5 quy định như sau: “Thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 2 Điều 4 của luật này được xác định theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính”. Quy định này mà người bị oan có trình độ văn hóa lớp 4 lớp 5 mà đọc Điều 5 thì dễ bị “choáng không biết gì”. Ví dụ quy định “theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo”. Quy định này thì người bị thiệt hại thực hiện theo luật nào? Luật Khiếu nại hay Luật Tố cáo (hai luật riêng biệt). Do đó chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 5 theo hướng có giải thích thời hiệu yêu cầu bồi thường, quy định rõ thời hiệu đối với từng trường hợp và sửa đổi một số điều luật liên quan đến thời hiệu.

Nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 5, chúng tôi đề xuất như sau:

Khoản 1: Giải thích thời hiệu yêu cầu bồi thường. Thời hiệu yêu cầu bồi thường là thời hạn mà người bị thiệt hại được quyền yêu cầu cơ quan đã gây ra thiệt hại giải quyết bồi thường thiệt hại. Nếu hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Một vụ xin lỗi công khai người bị kết án oan 

Khoản 2: Quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và hoạt động quản lý hành chính là hai năm kể từ ngày cơ quan của Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng ban hành.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính là một năm kể từ ngày thiệt hại xảy ra.

Sửa đổi bổ sung Điều 16. Lý do sửa đổi, bổ sung. Điều 16 quy định về “hồ sơ yêu cầu bồi thường”, tiếp theo Điều 17 quy định về thụ lý đơn yêu cầu bồi thường”. Quy định như thế này, chúng tôi nhận thức là quy định ngược với thực tế. Vì chưa thụ lý đơn yêu cầu bồi thường thì không bao giờ có được “hồ sơ yêu cầu bồi thường”. Do đó cần sửa đổi, bổ sung Điều 16. Trước hết là sửa đổi tên điều luật. Chúng tôi đề xuất tên điều luật là: Đơn yêu cầu bồi thường, gửi đơn yêu cầu bồi thường.

Về nội dung các khoản trong điều luật:

Khoản 1: Đơn yêu cầu bồi thường có các nội dung chính sau đây:

-           Tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường.

-           Lý do yêu cầu bồi thường.

-           Thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.

Khoản 2: Gửi đơn yêu cầu bồi thường.

Người gửi đơn yêu cầu bồi thường bằng các phương thức sau:

-           Gửi đơn trực tiếp tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

-           Gửi đơn đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường qua bưu điện.

-           Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho việc yêu cầu bồi thường.

-           Ngày người bị thiệt hại nộp đơn yêu cầu bồi thường được tính từ ngày nộp đơn trực tiếp tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Sửa đổi, bổ sung Điều 17. Điều 17 quy định về “Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường”. Tuy nhiên nội dung quy định trong Điều 17 lại không thể hiện đầy đủ việc thụ lý đơn. Nội dung sửa đổi bổ sung, chúng tôi đề xuất như sau: Phần đầu của điều luật có nội dung sau: Khi nhận đơn yêu cầu bồi thường mà nhận thấy thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì phải vào sổ nhận đơn ghi ngày tháng năm nhận đơn tiến hành các thủ tục sau đây:

Khoản 1: Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu bồi thường và tài liệu chứng cứ thì phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại biết.

Khoản 2: Trường hợp người nộp đơn yêu cầu bồi thường mà không đầy đủ tài liệu chứng cứ thì hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung.

Nếu vụ việc yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm giải quyết thì cơ quan đã nhận đơn yêu cầu bồi thường và tài liệu kèm theo phải trả lại người đã nộp đơn và hướng dẫn họ gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường.

Sửa đổi, bổ sung Điều 19. Điều 19 quy định về “Thương lượng việc bồi thường” với các nội dung, việc tổ chức bồi thường, thành phần, địa điểm tổ chức thương lượng và biên bản thương lượng. Chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 như sau: Nội dung khoản 2 có hai đoạn. Với đoạn một thì cần bãi bỏ cụm từ: “Trong trường hợp cần thiết, người thi hành công vụ gây ra thiệt hại được mời tham gia vào việc thương lượng”. Lý do bãi bỏ cụm từ này là quy định phải có văn bản giải thích trường hợp cần thiết là trường hợp nào? Không giải thích sẽ mời tràn lan. Hai là, sự có mặt của người gây ra thiệt hại rất dễ gây bức xúc, tức giận đối với người bị thiệt hại.

Với đoạn hai thì bãi bỏ cụm từ “với người bị thiệt hại”. Lý do bãi bỏ là dài dòng không cần quy định vì đoạn này quy định tư cách, thẩm quyền của người đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường mà thôi.

Cần bổ sung thành phần dự thương lượng là thư ký ghi biên bản thương lượng để phù hợp với khoản 4 của điều luật. Sau khi sửa đổi, bổ sung, khoản 2 Điều 19 có nội dung là: Thành phần thương lượng gồm: đại diện cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người bị thiệt  hại hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải là người có thẩm quyền để thỏa thuận việc bồi thường và chịu trách nhiệm trước cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Cơ quan có trách nhiệm bồi thường cử người ghi biên bản thương lượng.

Về bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự

Trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, những trường hợp được bồi thường, những trường hợp không được bồi thường và mức bồi thường đối với từng trường hợp trong các giai đoạn tố tụng đã gây ra thiệt hại đối với người bị thiệt hại như bị tạm giam giữ, tạm giam, bị khởi tố, truy tố hoặc bị kết án oan.

Tuy nhiên tại các Điều 31, 32 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quy định VKSND, TAND phải bồi thường trong trường hợp VKS truy tố người không thực hiện hành vi phạm tội hoặc Tòa án kết án người không thực hiện hành vi phạm tội.

Ví dụ 1: VKS truy tố A ra trước Tòa án về tội “Cướp giật tài sản”. Tòa án cấp sơ thẩm đã hoàn trả VKS hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, nhưng sau đó Cơ quan điều tra có quyết định đình chỉ điều tra vụ án với lý do A không thực hiện hành vi phạm tội.

Ví dụ 2: Tòa án kết án ông Nguyễn Thanh Chấn (vụ án ở tỉnh Bắc Giang được sự quan tâm của nhiều người dân hiện nay) về tội “Giết người”, bản án đã có hiệu lực pháp luật, ông Chấn đang thi hành án phạt tù, nhưng bản án đã bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm và quyết định tái thẩm của Tòa án có thẩm quyền đã hủy bản án sơ thẩm, hủy bản án phúc thẩm để điều tra, xét xử sơ thẩm lại. Kết quả điều tra lại vụ án, Cơ quan điều tra đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án với lý do ông Chấn không thực hiện hành vi phạm tội. Chúng tôi cho rằng nếu chỉ quy định bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự đối với người bị truy tố, bị xét xử oan với lý do người bị truy tố, bị xét xử không thực hiện hành vi phạm tội là chưa đầy đủ. Vì trong thực tế có người chỉ thực hiện hành vi phạm tội một lần và đã bị Tòa án kết án, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng họ lại bị truy tố, xét xử lại lần thứ hai đối với hành vi đã bị truy tố, xét xử rồi. Về trường hợp này cũng có ý kiến rằng: Việc truy tố, xét xử đối với hành vi phạm tội đã bị truy tố, xét xử mà đã có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được coi như người bị truy tố, xét xử lần thứ hai về cùng một hành vi phạm tội là trường hợp không thực hiện hành vi phạm tội. Chúng tôi không đồng tình với ý kiến này. Vì người không thực hiện hành vi phạm tội hoàn toàn khác với người có thực hiện hành vi phạm tội mà hành vi phạm tội đó lại bị truy tố, xét xử hai lần.

Do đó, đề nghị bổ sung vào các khoản 2,3,4,5 Điều 31 và các khoản 1,2,3,4 Điều 32 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cụm từ: “người mà hành vi phạm tội của họ đã bị truy tố, xét xử đã có quyết định đình chỉ xét xử hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật”. Cụm từ này nối tiếp sau cụm từ “Vì không thực hiện hành vi phạm tội” và nối tiếp sau cụm từ: “Vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội”.

Một quy định khác cũng cần được bổ sung là: tại khoản 4 Điều 32 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định TANDTC có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong ba trường hợp sau đây: “a, Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa có thẩm quyền thuộc TANDTC và đình chỉ vụ án, vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội. b, Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa có thẩm quyền thuộc TANDTC để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội. c, Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa có thẩm quyền thuộc TANDTC để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội, vì không thực hiện hành vi phạm tội”.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 32 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà chúng tôi trích dẫn ở trên thì có hai trường hợp mà chúng tôi quan tâm đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung là:

Trường hợp 1: Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm thuộc TANDTC đề điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội hoặc Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm thuộc TANDTC để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên bố là không có tội, vì không thực hiện hành vi phạm tội hoặc khi Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm thuộc TANDTC và đình chỉ vụ án, vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội thì Tòa án nào có trách nhiệm bồi thường cho người bị kết án oan? Ví dụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang bị Tòa phúc thẩm thuộc TANDTC kết án, xử phạt tù. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm thuộc TANDTC đã xét xử phúc thẩm đối với ông Chấn để điều tra lại, sau đó Cơ quan điều tra đình chỉ điều tra đối với ông Chấn và đình chỉ vụ án đối với ông Chấn.

Lý do đặt vấn đề để sửa đổi bổ sung khoản 4 Điều 32 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không quy định trường hợp Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm thuộc TANDTC để điều tra lại, xét xử lại mà sau đó đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án hoặc tuyên bố bị cáo không có tội, vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

Trường hợp 2, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC bị hủy và sau đó bị can, bị cáo được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc được tuyên bố là không có tội vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội, nhưng trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không quy định TANDTC có trách nhiệm bồi thường.

Trường hợp này là khi Hội đồng Thẩm phán TANDTC ra quyết định không chấp nhận kháng nghị của người có thẩm quyền mà quyết định kháng nghị đề nghị hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa phúc thẩm thuộc TANDTC hoặc quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa thuộc TANDTC để điều tra lại, xét xử lại.

Để có căn cứ thực hiện trường hợp này cần sửa đổi BLTTHS để bổ sung quy định đối với trường hợp hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Do đó cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các điều 31, 31 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước