Xét xử phúc thẩm đại án 9.000 tỷ: Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Lê Hoàng| 29/12/2016 14:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 29/12, phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục với ngày làm việc thứ ba. Sau khi tóm tắt nội dung bản án, HĐXX tiến hành xét hỏi 25 bị cáo kháng cáo và 27 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo.

HĐXX hỏi bị cáo Phạm Công Danh trình bày cụ thể kháng cáo, Danh xác định kháng cáo toàn bộ hành vi trong bản án sơ thẩm cũng như hình phạt áp dụng đối với bị cáo là 30 năm tù. HĐXX, đại diện VKS và các luật sư đã tiến hành xét hỏi đối với Danh về các hành vi liên quan đến tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Danh bác bỏ quy kết bị cáo về hành vi đề ra chủ trương, thuê mặt bằng 268 Tô Hiến Hành và 816 Sư Vạn Hạnh gây thiệt hại 581 tỷ đồng cho VNCB.

Xét xử phúc thẩm đại án 9.000 tỷ: Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Bị cáo Mai Hữu Khương kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Bị cáo cũng xác định không phải là người đề ra chủ trương cho các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương làm thủ tục thuê mặt bằng tại Tô Hiến Thành hơn 200 tỷ đồng để lấy ra chi chăm sóc khách hàng. Theo Danh, bị cáo không chối tội, bị cáo có “giao cho anh Phan Thành Mai làm” và cho rằng “việc thuê mặt bằng không phải là thuê khống mà có thực tế”.

Luật sư hỏi Phạm Công Danh về đề án CoreBanking, bị cáo có nhận thức việc nâng cấp có cần thiết cần phải thông qua Hội đồng quản trị. Danh trả lời đã giao toàn quyền cho Phan Thành Mai. Thực chất khoản tiền 63 tỷ có dùng vào mục đích cá nhân không? Danh đáp “Tôi dùng tất cả chi cho chăm sóc cho khách hàng”.

Đại diện VKS hỏi Phạm Công Danh về việc Công ty An Phát có khả năng về mặt công nghệ để thực hiện đề án Corebanking không? Danh cho rằng bị cáo không trực tiếp làm việc này mà giao cho bị cáo Mai. Về việc Phạm Việt Thép khai bị cáo nhờ Thép là giám đốc Công ty, lời khai trên có đúng không? Bị cáo Danh không trả lời thẳng vào câu hỏi. Thực tế, Công ty An Phát không hoạt động,  không có khả năng làm được công nghệ.

Nhiều bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó có Phan Thành Mai bị cấp sơ thẩm phạt 22 năm tù. Mai khai nhiều nhận định của bản án sơ thẩm có nhiều nội dung chưa đánh giá đầy đủ động cơ hành vi mà Mai chưa trình bày hết. Ngoài ra, có nhiều nội dung, nhận định bản án sơ thẩm đối với hành vi của bị cáo chưa khách quan. Về việc có tình tiết giảm nhẹ mới như lập công chuộc tội không? Mai khai “không bổ sung thêm”.

Ngoài Mai, bị cáo Mai Hữu Khương bị cấp sơ thẩm phạt 20 năm tù cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Liên quan đến việc thực hiện đề án nâng cấp CoreBanking, Khương khai bị cáo chỉ có vai trò soạn hợp đồng, ngoài ra không phụ trách gì thêm. Quá trình điều tra, bị cáo tự nguyện khai báo. Khương cũng khai bị cáo soạn thảo hợp đồng thuê 816 Sư Vạn Hạnh, còn 268 Tô Hiến Thành, bị cáo ký vào biên bản Hội đồng quản trị vì biết có thuê trụ sở thật.

Thời điểm đó, Tổ giám sát NHNN có văn bản ngưng việc thuê đối với trụ sở ở Sư Vạn Hạnh. Lúc bị cáo đặt bút ký chưa trình tổ giám sát, sau này mới biết không được chấp nhận. Khương mong HĐXX xem xét hoàn cảnh thời điểm đó và đánh giá các tình tiết giảm nhẹ cấp sơ thẩm chưa xem xét. Tương tự Khương, bị cáo Bạch Quốc Hào xin giảm nhẹ 2 tội danh.

Bị cáo Phan Minh Tùng, phụ trách tổ tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh bị cấp sơ thẩm phạt 7 năm tù kháng cáo kêu oan. Theo Tùng, bị cáo là người ký séc nhận tiền tạm ứng 25 tỷ đồng vì đây là tài khoản đồng sở hữu để phục vụ sản xuất cho Tập đoàn Thiên Thanh. Bị cáo chỉ ký và hoàn tất thủ tục, số tiền 27 tỷ đồng sau khi chuyển vào tài khoản, bị cáo chuyển cho bị cáo Danh. Bị cáo không hưởng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử phúc thẩm đại án 9.000 tỷ: Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt