Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội

An Dương| 16/08/2016 15:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 16/8, phiên sơ thẩm xét xử đại án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) chuyển qua phần tranh luận.

Vị đại diện VKS nhận định, vụ án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng. Qua phần xét hỏi và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho thấy, việc truy tố các bị cáo về hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165, BLHS năm 1999) và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (Điều 179, BLHS năm 1999) là có căn cứ.

Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo đó, về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện VKS nhận định Phạm Công Danh và một số đồng phạm đã thực hiện hành vi tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỉ đồng; ký hợp đồng khống về việc thuê mặt bằng tại quận 10  để hợp thức hóa rút khoảng 601 tỉ đồng, hiện còn 581,6 tỉ đồng VNCB không có khả năng thu hồi; rút 5.490 tỉ đồng từ tài khoản của bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) khi không có chữ ký của chủ tài khoản; ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 900 tỉ đồng đầu tư trái phiếu khi chưa được Ngân hàng Nhà nước đồng ý bằng văn bản để rút 903 tỉ đồng của VNCB.

Mặc dù một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng theo tài liệu hồ sơ và lời khai những bị cáo khác có đủ căn cứ cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội.

Đại diện VKS nhận định, bị cáo Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương và chỉ đạo nên phải chịu trách nhiệm toàn bộ thiệt hại trên 7.000 tỉ đồng về hành vi cố ý làm trái. Danh đã bổ nhiệm Phan Thành Mai làm Tổng giám đốc, sau đó phân công các nhân viên từ bảo vệ, lái xe của ngân hàng để thực hiện hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật, rút tiền của VNCB, câu kết với Nguyễn Việt Hà để rút 900 tỉ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư vốn.

Từ một ngân hàng ít lỗ, đến cuối năm 2012, số tiền lỗ của VNCB tăng cao, đến thời điểm vụ án bị khởi tố, số tiền lỗ lên đến 18.000 tỉ đồng, số dư nợ phải trả là 18.000 tỉ đồng trong khi số tiền ngân hàng này có chỉ là 16.000 tỉ đồng.

Ngân hàng Nhà nước đã mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng để chặn lại những hậu quả xảy ra tiếp với VNCB. Sau khi trừ các giá trị tài sản thế chấp, số tiền gây thiệt hại là hơn 9.100 tỉ đồng. Các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho VNCB tương xứng đối với hành vi của các bị cáo gây ra.

Đối với số tiền 5.190 tỉ đồng của nhóm bà Bích vay của VNCB, sau đó bị Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) chuyển đến tài khoản của Danh, đại diện VKS nhận định cần phục hồi lại cho VNCB trên cơ sở bà Bích hoàn trả 5.190 tỉ đồng nên VNCB phải tiếp tục quản lý 124 sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích có số tiền 5.881 tỉ đồng.

Đối với mối quan hệ vay mượn giữa nhóm bà Bích, ông Danh, tại phiên tòa thể hiện các bên có những lời khai khác nhau. Ông Danh khai nhóm bà Bích cho ông vay 5.490 tỉ đồng với lãi suất cao, cụ thể tiền lãi ông phải trả là trên 2.500 tỉ đồng; trong khi bà Bích khai chỉ cho bà Phạm Thị Trang (Trang “Phố núi”) vay nhưng nay bà Trang đã xuất cảnh, không ghi nhận được lời khai nên không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm bà Bích.

Liên quan đến trách nhiệm của Phạm Thị Trang, đại diện VKS nhận định có đủ chứng cứ, chứng minh Trang gây thiệt hại cho VNCB. Cần phải khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Trang.

Nhận định về hành vi phát hành trái phiếu khống của ông Nguyễn Việt Hà, giám đốc Quỹ Lộc Việt, giúp Phạm Công Danh rút 903 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng VNCB, đại diện VKS  cho rằng ông Hà không thể không biết quy định của ngân hàng về việc nhận ủy thác. Từ đó, đại diện VKS kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSNDTC xem xét trách nhiệm với ông Hà.

Đối với hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gây thiệt hại cho VNCB khoảng 2.095 tỉ đồng của Phạm Công Danh và đồng phạm,  đại diện VKS nhận định cáo trạng truy tố là có cơ sở.

Qua xét hỏi và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã xác định bị cáo Danh chỉ đạo một số đồng phạm sử dụng 12 pháp nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh lập hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh, phương án trả nợ khống; lập các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản và hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống; không tiến hành thẩm định thực tế hồ sơ vay; tài sản thế chấp vay vốn là các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và đất tại số 209 Trường Chinh (TP. Đà Nẵng) đã được thế chấp vay vốn tại BIDV trước đó, gây thiệt hai đặc biệt nghiêm trọng cho VNCB.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội