Vụ nhận tin nhắn mua số đề: Bị cáo liên tục kêu oan tại tòa

Nguyễn Thanh Vĩnh| 27/05/2017 19:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Lưu Mỹ Liên bị VKSND quận 7 (TP.HCM) truy tố về tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 BLHS, bị cáo Liên đã liên tục kêu oan vì cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo đánh bạc với số tiền hơn 8 triệu đồng là chưa hợp lí.

Bị cáo kêu oan

Vụ nhận tin nhắn mua số đề: Bị cáo liên tục kêu oan tại tòa

Bị cáo Lưu Mỹ Liên trong phiên xử sơ thẩm ngày 23/5 tại TAND quận 7 (TPHCM)

Theo cáo trạng của Viện KSND quận 7 (TP.HCM), khoảng 17 giờ 10 ngày 21/12/2016, Công an phường Tân Thuận Đông (quận 7) kiểm tra bà Lưu Mỹ Liên (sinh năm 1974, ngụ tại TPHCM, đang làm công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận) khi người này đang chạy xe máy đi làm về thì phát hiện trong điện thoại của bà Liên có tin nhắn phơi đề. Theo đó, số tiền đánh bạc trên phơi đề vào ngày nêu trên là hơn 8 triệu đồng.

Đồng thời, qua quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định được ba người mua số tiền phơi tổng cộng chưa tới 1,9 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 6 triệu đồng thì không tìm ra được người chơi. Tuy nhiên, trên cơ sở đó, VKSND quận 7 vẫn kết luận, Lưu Mỹ Liên đã thực hiện hành vi đánh bạc trái phép dưới hình thức ghi số đề, với tổng số tiền đánh bạc trên phơi đề ngày 21/12/2016 khi bị bắt là 8.419.000 đồng. Vì vậy, VKS  đã quyết định truy tố bà Liên về tội đánh bạc.

Ngày 23/5, tại TAND quận 7, trong phiên xử sơ thẩm vụ Lưu Mỹ Liên bị VKSND quận này truy tố về tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 BLHS (có hình phạt cao nhất đến ba năm tù), bị cáo Liên đã liên tục kêu oan. Bởi lẽ, theo bị cáo Liên, số tiền gần 1,9 triệu đồng là bà này nhận ghi đề cho những người quen làm cùng công ty sau đó chuyển lại cho chủ đề để hưởng hoa hồng.

Ngoài ra, với số tiền hơn 6 triệu đồng còn lại, do đang trong giờ làm việc nên khi nhiều tin nhắn mua đề từ những số điện thoại lạ gửi đến tới tấp vì thế bị cáo chỉ biết chấp nhận tin nhắn chứ hoàn toàn không quen biết những người mua đề này.

“Cáo trạng truy tố bị cáo đánh bạc với số tiền hơn 8 triệu đồng là làm oan cho bị cáo. Bị cáo chỉ quen biết với ba người cùng công ty nhắn tin mua số đề, những người khác nhắn tin vào máy thì bị cáo không quen biết…”, Lưu Mỹ Liên khai tại tòa.

Theo đó, chưa hết phần xét hỏi, HĐXX đã phải tuyên bố hội ý, sau đó ra thông báo hoãn phiên tòa để triệu tập ba người mà CQĐT xác định đã mua số đề của Liên.

Cần sớm xác định sự thật

Nói về trường hợp Lưu Mỹ Liên bị truy tố hình sự về tội đánh bạc như trên, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng, CQĐT và VKS (quận 7) chưa làm tròn trách nhiệm trong việc làm rõ số tiền phơi đề được lưu trong điện thoại bà Liên.

Cụ thể, ngoài số tiền chưa tới 1,9 triệu đồng đã xác định được người mua đề thì số tiền hơn 6 triệu đồng còn lại không tìm được người chơi. Như vậy, trường hợp đặt ra là có thể một số đối tượng nào đó đã cố tình dùng “sim rác” nhắn tin mua đề nhằm đẩy bà Liên “vào tròng”.

Ngoài ra, nếu CQĐT cho rằng số tiền hơn 8 triệu đồng Liên dùng để phạm tội thì phải làm rõ Liên chơi đề với ai, thắng hay thua, chủ đề là có thật hay không. Bởi lẽ, bị cáo không thể tự chơi đề một mình được.

Luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 qui định, CQĐT, VKS và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

"Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Như vậy, theo tôi, CQĐT và VKS (quận 7) có trách nhiệm phải làm rõ, hơn 6 triệu đồng tiền phơi đề trong điện thoại của bị cáo Liên có phải là tiền mua đề thật không hay liệu rằng đó chỉ là “chứng cứ ảo” mà kẻ xấu cố tình tạo nên để buộc tội Liên. Nếu đó là tiền mua đề thì cần xác định rõ người chơi đề là ai. Đồng thời, các cơ quan nói trên cũng có trách nhiệm làm rõ những chứng cứ xác định bị cáo Liên vô tội. Điều đó có nghĩa rằng, các cơ quan chức năng nên cân nhắc, làm rõ việc bị cáo Liên có bị kẻ xấu “gài bẫy” khiến người này rơi vào vòng lao lý hay không”, Luật sư Phạm Tấn Thuấn nói.

Về phía Lưu Mỹ Liên, bị cáo này cũng cho hay, từ thời điểm bị cơ quan chức năng truy tố đến bây giờ, Liên thường xuyên bị khủng hoảng tinh thần. Hơn nữa, do phải nhiều lần đến cơ quan chức năng trình diện theo yêu cầu trong thời gian dài nên công việc của Liên gặp nhiều khó khăn, thu nhập cá nhân bị sụt giảm đáng kể. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm xác định sự thật, truy tố, xét xử đúng tội, tránh trường hợp xảy ra oan sai đối với bị cáo Lưu Mỹ Liên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ nhận tin nhắn mua số đề: Bị cáo liên tục kêu oan tại tòa