Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ trộm cây gỗ khô ở Kon Tum

Mạnh Cường| 15/03/2017 08:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14/3, TAND tỉnh Kon Tum đã xét xử phúc thẩm các bị cáo Lê Quốc Khánh (SN 1979), Nguyễn Văn Bảy (1981), Nguyễn Văn Thụ (SN 1977), Nguyễn Ngọc Bình (1980) và Phan Tiến Dũng (SN 1977, cùng trú xã Đắk Mar, Đắk Hà, Kon Tum) về tội Trộm cắp tài sản.

Trước đó TAND huyện Đắk Hà đã tuyên phạt Lê Quốc Khánh 15 tháng tù, Nguyễn Văn Bảy 14 tháng tù, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Phan Tiến Dũng cùng mức án 12 tháng tù. Sau khi bản án tuyên, tất cả các bị cáo đều có đơn kháng cáo kêu oan vì cho rằng hành vi của họ chỉ vi phạm vào Điều 85 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 về xử lý vi phạm.

Cáo trạng nêu rõ, khoảng 16 giờ ngày 11/4/2016, Dũng điện thoại rủ Khánh ra quán nước trước cổng Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy, thuộc thôn 1, (Đắk Mar, Đắk Hà) để nhờ Khánh tìm người làm cành cà phê cho nhà mình.

Sau khi trao đổi công việc xong, Khánh hỏi Dũng về cây khô trong rừng đặc dụng Đắk Uy. Đến 18 giờ cùng ngày, Khánh gặp và uống cà phê với Nguyễn Văn Bảy tại quán cà phê..

Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ trộm cây gỗ khô ở Kon Tum

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 14-3

Đến 4 giờ 20 phút ngày 12/4/2016, tất cả tập trung tại nhà Bình, sau đó cả nhóm đi vào rừng, khi đi Bảy mang theo 1 cưa tay dài 53 cm, Thụ mang theo 1 cưa tay dài 51 cm, Khánh mang theo 1 đèn pin, Bình kéo theo một chiếc xe kéo có cột sẵn sợi dây thun bằng cao su rồi men theo bờ mương vào rừng đặc dụng Đắk Uy.

Khánh phát hiện cây gỗ trắc đã chết khô, lá rụng hết, cách lán số 3 khoảng 25 mét nên chỉ cho Bảy biết. Sau khi phát hiện cây gỗ trắc khô các đối tượng dùng cưa tay mang theo cắt dây rừng, cây rừng cột làm thang và dựng vào cây trắc. Sau đó Thụ, Bình thay nhau trèo lên cưa thân cây trắc phía trên, còn Khánh, Bình thay nhau cưa phần thân dưới.

Khoảng 5 giờ 40 phút cây trắc đứt và đổ xuống gây ra một tiếng động lớn. Khi nghe tiếng động này anh A Mĩm là nhân viên bảo vệ rừng đang nằm ở lán số 4 cách lán số 3 khoàng 125 mét chạy lại lán số 3 thì thấy Bình, Khánh, Bảy, Thụ đang cưa phần chưa đứt hết trên thân cây trắc.

Sau đó A Mĩm truy hô lâm tặc và chạy vào lán số 3 tìm ông Hải nhưng không thấy. A Mĩm đã điện thoại cho cho ông Nay Y Riu (giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy), sau khi nhận được tin báo ông Riu cho người và công cụ hỗ trợ. Cùng lúc này Khánh và Bình nâng khúc gỗ 2,07 mét lên vai cho Thụ và Bình vác chạy ra hướng ngoài rừng ra đường.

Ngày 12/4/2016, Ban quản rừng đặc dụng Đắk Uy làm báo cáo gửi cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Hà, điều tra các đối tượng vào rừng cưa gỗ. Chiều cùng ngày Lê Quốc Khánh, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Ngọc Bình đến Công an huyện Đắk Hà khai báo sự việc, đến ngày 13/4/2016, Nguyễn Văn Thụ cũng về Công an huyện khai báo về việc cưa gỗ.

Kết quả được xác định, cây gỗ trắc bị cưa hạ thuộc thôn 3 xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà với chiều dài 17,3 mét, trên cành không có lá, phần thân lộ thiên, đường kính chỗ lớn nhất 42 cm, mặt cắt nhỏ nhất 13 cm, cách mặt đất 0,5 mét, xung quanh không có mầm, chồi. Trong đó khúc gỗ trắc mà các bị cáo chiếm đoạt được xác định dài 2,07m trị giá chưa đến 20 triệu đồng.

Luật sư (LS) tham gia bào chữa cho các bị cáo không thống nhất về tội danh và quan điểm của VKS. LS đặt ra câu hỏi tại sao các vụ việc xảy ra có hành vi, tính chất tương tự nhau, mức độ thiệt hại gần giống nhau nhưng cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền khác nhau? 

Các vụ việc khác thì bị xử phạt hành chính trong khi vụ việc của Phan Tiến Dũng, Khánh, Đấu, Thụ, Bình lại bị xử lý hình sự với mức hình phạt từ 12-15 tháng tù? Trong khi đó đối chiếu với qui định tại Nghị định 157/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì hành vi của các bị cáo vi phạm điểm b, Khoản 3 Điều 12 Nghị định này (khai thác chưa vượt quá mức 5m3).

Tại phiên tòa phúc thẩm, một lần nữa VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội danh “Trộm cắp tài sản”, tuy nhiên có nhiều nội dung chưa được làm rõ cũng như có nhiều vi phạm tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung tại tòa. Sau khi xem xét HĐXX cấp phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều ra bổ sung.  

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ trộm cây gỗ khô ở Kon Tum