Quảng Nam: Vụ án con trâu lạc…bị mất

Sơn Tùng| 23/08/2016 10:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cho rằng trâu bị mất là sự cố ngoài ý muốn nên ông Dân đã kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Nam.

Theo lời trình bày của ông Phan Nho (SN 1942, ngụ thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), ông có một con trâu cái to cao, có 2 xoáy mặt, 2 xoáy hậu, 1 xoáy tiền bên phải, trọng lượng 2,5 tạ. Ông thường thả trâu vào trong núi đập Thạch Bàn (thuộc địa phận xã Duy Phú) cùng với gia súc của nhiều người hàng xóm như ông Trịnh Thanh Minh, bà Nguyễn Thị Tài, ông Võ Lý, ông Trương Văn Chín... Hàng tuần, ông Nho và những người có trâu thả rông vào núi để kiểm tra gia súc của mình.

Ngày 6/7/2014, ông Nho được mọi người thông báo con trâu ông không còn trong núi. Nhận được tin, ông Nho tất tả vào núi kiểm tra rồi cùng bà con hàng xóm tìm kiếm khắp nơi. Sau đó, ông Nho nhờ Đài truyền thanh địa phương và các xã lân cận thông báo về việc ông bị mất trâu nhằm mong ai đó nhìn thấy sẽ báo lại cho ông.

Trong thời gian tìm kiếm “đầu cơ nghiệp” của mình, ông Nho nghe phong thanh ông Huỳnh Dân (SN 1968, ngụ thôn 4, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có bắt được một con trâu đi lạc và đang nuôi giữ trong nhà. Ông Nho liền điện thoại cho ông Dân để hỏi thăm và được ông Dân trả lời rằng con trâu mà ông Dân bắt được không phải là con trâu của ông Nho.

Để khẳng định có phải là trâu của mình hay không, sang ngày hôm sau, ông Nho đến nhà ông Dân để nhận dạng. Tuy nhiên, khi ông Nho đến nhà ông Dân thì con trâu này đã không còn nữa. Ông Dân cho biết con trâu đã vùng vẫy làm tuột dây mũi (dây buộc trâu-PV) và đã bỏ đi. Nghi ngờ ông Dân đã bán con trâu của mình, ông Nho làm đơn gửi chính quyền xã Duy Hòa nhờ giải quyết.

Quảng Nam: Vụ án con trâu lạc…bị mất

Ông Phan Nho buồn khi trâu bị mất

Khi đến UBND xã để gửi đơn thì ông Nho được Công an xã cho xem những bức hình về con trâu đi lạc mà ông Dân bắt được. Sau khi nhìn những bức hình này, ông Nho khẳng định, đó là con trâu của ông.

Trước đó, ngày 18/7/2014, nghe người dân báo cáo về việc ông Dân bắt được 1 con trâu đi lạc, Công an xã Duy Hòa đã đến nhà ông Dân để kiểm tra, chụp ảnh, lập biên bản. Vì chưa xác định được chủ trâu nên Công an xã bàn giao cho ông Dân nuôi giữ con trâu cho đến khi chủ trâu đến nhận. Khoảng 23h cùng ngày thì ông Dân báo cho địa phương biết con trâu bị mất.

Trao đổi với phóng viên, ông Dân trình bày, gia đình ông có trâu đực nên thỉnh thoảng hay có trâu cái tự tìm đến. Ngày 9/7/2014 (tức ngày 12/6/2014 âm lịch), ông phát hiện 1 con trâu cái lạ đến tìm trâu đực nhà ông nên ông buộc giữ trong vườn. Sáng hôm sau ông có thông tin cho bà con trong thôn biết và nhờ người quen ở các vùng lân cận thông báo có ai mất trâu thì đến nhà ông nhìn nhận.

Ngày 13/7/2014, vợ chồng ông đến nhà ông Nho để lấy tiền mua bàn ghế. Tiện thể, ông Dân hỏi ông Nho rằng có người nào ở xã Duy Phú mất trâu không và nhắn qua ông Nho nếu có ai bị mất trâu thì đến nhà ông nhận. Theo lời ông Dân, sau khi ông nói chuyện bắt được con trâu đi lạc, ông Nho cho biết trâu của mình còn ở trong núi.

Ngày 18/7/2014, Ban nhân dân thôn 4 và Công an xã Duy Hòa đã đến nhà ông để kiểm tra thông tin, chụp ảnh con trâu, lập biên bản và giao cho gia đình ông tiếp tục nuôi giữ, chờ địa phương thông báo tìm chủ trâu. Gia đình ông thống nhất theo yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên, khuya hôm đó, khi ra vườn bỏ cỏ cho trâu ăn, ông phát hiện con trâu bị mất.

Quảng Nam: Vụ án con trâu lạc…bị mất

Ông Dân chỉ chỗ ông cột trâu bị mất

Ngay sau đó, ông Dân báo cáo cho Ban nhân dân thôn 4 biết sự việc. Ban nhân dân thôn cùng Công an xã tổ chức tìm kiếm cả đêm nhưng không thấy con trâu đâu.

Theo ông Dân nhận định, con trâu này bị mất trộm vì trong thời gian ông buộc trâu trong chuồng, có một vài đối tượng, trong đó có một người tên V. là lái trâu ở xã Duy Châu đến nhận là trâu của mình. Khi nghe vợ chồng ông Dân bảo phải có giấy xác nhận của địa phương về việc thất lạc trâu thì người tên V. bỏ về, khoảng vài ngày sau thì con trâu ông bắt được bị mất. 

Sau khi nhận được đơn của ông Nho, Công an huyện Duy Xuyên đã mời 2 bên đến để hòa giải nhưng không thành. Ông Nho khẳng định con trâu mà ông Dân bắt được và giữ ở nhà mình là con trâu của ông. Đồng thời, ông Nho yêu cầu ông Dân phải bồi thường giá trị con trâu đó cho ông.

Còn phía ông Dân thì không đồng ý bồi thường, bởi ông cho rằng, con trâu đi lạc mà ông bắt được chưa chắc là con trâu của ông Nho và trâu bị mất là sự cố bất ngờ, ông không giữ con trâu trong nhà như tài sản của ông được.

Sau đó ông Nho đã làm đơn khởi kiện, ngày 20/5/2016, TAND huyện Duy Xuyên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “Yêu cầu bồi thường về thiệt hại tài sản” và yêu cầu ông Dân phải bồi thường giá trị con trâu là 29 triệu đồng cho ông Nho.

Theo đó, HĐXX TAND huyện Duy Xuyên xét xử vụ án trên căn cứ vào Điều 231, Bộ luật Dân sự. Nội dung điều này quy định: “Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 6 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 1 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Ngoài ra, trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc này bị mất thì người tạm nuôi phải bồi thường thiệt hại…”.

Cho rằng mình không có lỗi trong việc con trâu bị mất, ông Dân làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Vụ án con trâu lạc…bị mất