Nỗi đau của kẻ tự gieo mình vào vực xoáy đỏ đen

11/07/2012 07:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ vì không có tiền để thõa mãn với những trò cờ bạc “đỏ đen”, bị cáo Nguyễn Phú Thành (42 tuổi) đã nổi cơn điên dại, xuống tay tàn nhẫn với chính người vợ mà nhiều năm y “môi kề má ấp”.

Chỉ đến khi nghe Tòa tuyên án tử hình, Thành mới gục xuống dưới vành móng ngựa trong nỗi ân hận muộn màng...

Trước khi gây ra tội ác tày đình, bị cáo Nguyễn Phú Thành được bà con láng giềng đánh giá là một người đàn ông hiền lành, chăm chỉ và rất mực yêu thương vợ con. Hai vợ chồng Thành chí thú làm ăn và mua được căn nhà nhỏ, tổ ấm của họ luôn ngập tiếng cười của hai con. Cuộc sống đang êm ả bỗng dưng nổi sóng kể từ ngày Thành bị một số bạn bè xấu lôi kéo vào tệ nạn cờ bạc. Thành trở thành một con người hoàn toàn khác, mất khả năng kiểm soát bản thân. Ban đầu chỉ là đánh bài ăn tiền, sau đó Thành chuyển sang chơi lô đề, cá độ với số tiền lớn. Trong cuộc chơi “chỉ có thua mà không có thắng”, Thành nhanh chóng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Nỗi đau của kẻ tự gieo mình vào vực xoáy đỏ đen

Thấy chồng lầm đường lạc lối, chị Lê Thị Hằng, vợ Thành hết lời khuyên can nhưng Thành vẫn bỏ ngoài tai. Tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo những đêm trắng bên chiếu bạc của Thành. Cho đến khi những chủ nợ giang hồ đến nhà đòi tiền, Thành mới dùng “khổ nhục kế” quỳ xuống khóc lóc xin vợ cứu. Chị Hằng phải cắn răng vay nóng 100 triệu đồng đưa cho Thành trả nợ, tình cảm vợ chồng từ đó trở nên sứt mẻ nghiêm trọng. Chưa dừng lại, Thành còn buộc vợ phải bán căn nhà với giá 600 triệu đồng, nếu chị Hằng không đồng ý thì phải đưa cho Thành 300 triệu đồng coi như phân chia tài sản chung để y có tiền tiếp tục thỏa mãn máu đam mê cờ bạc. Chị Hằng nuốt nước mắt khuyên can chồng vì căn nhà là tài sản cuối cùng của gia đình, nơi ở của các con, nếu bán thì cả nhà sẽ phải ra đường.

Chẳng những không sáng mắt ra, Thành vẫn nuôi hy vọng sẽ gỡ gạc lại được những khoản tiền đã mất. Tối 28-9-2011, Thành sát phạt thâu đêm suốt sáng bên chiếu bạc và thua đậm. Thành trở về nhà yêu cầu vợ phải đưa ngay 200 triệu đồng để quay lại sòng tiếp tục đánh bạc. Chị Hằng không thể đáp ứng đòi hỏi vô lý của Thành nên y liền “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ ngay trước mặt con. Trong cơn khát đỏ đen che mờ lý trí, Thành đã hạ sát vợ bằng những nhát dao oan nghiệt. Chứng kiến cảnh bố giết mẹ, những đứa con của Thành chỉ biết ôm nhau khóc và kêu cứu. Khi những người láng giềng chạy đến thì chị Hằng đã tắt thở, riêng Thành nhanh chân bỏ trốn. Vài ngày sau, Thành biết không thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật nên đã đến Cơ quan điều tra đầu thú.

Nhằm tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, phiên tòa xét xử Nguyễn Phú Thành được Tòa án xét xử lưu động. Trước sự chứng kiến của hàng trăm người dự khán phiên tòa, Thành bật khóc khi đứng sau vành móng ngựa khai lại quá trình phạm tội: “Cáo trạng của viện kiểm sát truy tố bị cáo tội giết người là đúng, không oan. Suốt quá trình bị tạm giam, bị cáo không đêm nào ngon giấc vì nỗi ân hận, hình ảnh vợ bị cáo nằm chết cứ hiện về ám ảnh. Tất cả đều do bị cáo lỡ rơi vào con đường cờ bạc, đánh mất danh dự bản thân, hạnh phúc gia đình và tước đi tính mạng của người vợ mà bị cáo từng hết mực thương yêu”. Bị cáo Thành đúc kết: “Cờ bạc như một thứ ma túy với sức hủy hoại ghê gớm. Những ai có máu đỏ đen thì hãy nhìn vào trường hợp của bị cáo mà tỉnh ngộ trước khi chưa quá muộn”.

Mặc dù bị cáo Nguyễn Phú Thành thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nhưng HĐXX nhận định hành vi, thủ đoạn phạm tội của bị cáo quá tàn ác, côn đồ, khiến dư luận địa phương phẫn nộ. Với nhiều tình tiết tăng nặng định khung, cần phải loại bỏ bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Nghe Tòa tuyên mức án tử hình về tội “Giết người”, Thành bủn rủn tay chân, gục xuống dưới vành móng ngựa. Ở hàng ghế phía dưới, hai con của Thành đầu quấn khăn tang, ôm theo di ảnh người mẹ quá cố cũng khóc sụt sùi. Bản án tử hình dành cho bị cáo Thành là tương xứng. Tuy nhiên, điều khiến những người dự khán phiên tòa hôm ấy phải trăn trở, day dứt là hoàn cảnh bi thương của những đứa trẻ. Bỗng nhiên các em bơ vơ giữa cuộc đời vì những lỗi lầm không thể tha thứ của người bố hư hỏng...

An Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau của kẻ tự gieo mình vào vực xoáy đỏ đen