Mỗi người sinh ra trên đời đều có một số phận riêng, một ngã rẽ riêng cho bản thân mình. Có người biết nắm bắt cơ hội sẽ “công thành, danh toại”, nhưng cũng có người cuộc đời rẽ vào khúc cua định mệnh mà ở đó là nỗi ân hận muộn màng...

Theo cáo trạng, ngày 12/8/2016, Công ty Hiền Phát Đạt tổ chức cho cán bộ, công nhân viên ăn nhậu tại quán Bằng Hữu ở xóm 2, thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, khi ra về, Lê Văn Cảnh (21 tuổi) ở TP. Quảng Ngãi mâu thuẫn với nhóm Lê Quốc Trưởng (26 tuổi) ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Nhóm của Trưởng chặn đánh Cảnh nhưng được mọi người can ngăn.

Ngã rẽ cuộc đời

Các bị cáo tại phiên xét xử

Bực tức vì bị nhóm Trưởng đánh, Cảnh gọi Lê Văn Thông (22 tuổi), Võ Khắc Tường (26 tuổi), Phạm Tình (17 tuổi), Nguyễn Văn Thuận (24 tuổi), Bùi Ngọc Phúc (22 tuổi) đều ở tại TP. Quảng Ngãi đi đánh trả thù.

Cả nhóm đến phòng trọ của anh Trưởng ở xóm 1, thôn Thế Long, thấy anh Trưởng đang ở trong phòng, cả bọn cầm cây sắt dài, khúc gỗ tròn lao vào đánh, đâm nhiều cái vào đầu, vào lưng khiến anh Trưởng chết trên đường đi cấp cứu.

Khuôn mặt trắng bệch vì những ngày tạm giam thiếu ánh sáng mặt trời, ánh mắt đầy lo lắng, Lê Văn Cảnh khai tại phiên tòa: “Người bị hại đánh bị cáo trước nên bị cáo mới đánh trả thù, vô tình gây ra cái chết cho anh Trưởng. Bị cáo ân hận lắm”.

Vị chủ tọa phiên tòa lắc đầu: “Chúng tôi rất hiểu, trong sự việc này, lỗi cũng một phần do người bị hại, nhưng nếu như bị cáo bình tĩnh hơn, giải quyết mọi chuyện hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật thì không xảy ra chuyện tày đình khiến anh Trưởng chết, các bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa như thế này”.

Khi được hỏi vì sao lại cùng Cảnh là em ruột của mình đi đánh anh Trưởng, Lê Văn Thông nói trong nỗi day dứt: “Bị cáo rất bức xúc, anh Trưởng và Cảnh làm chung công ty ở Khu công nghiệp VSip Quảng Ngãi. Đáng lý ra phải bảo bọc, thương yêu nhau nhưng anh Trưởng lại đánh, dùng dao rượt đuổi Cảnh nên bị cáo mới đi đánh anh Trưởng cảnh cáo. Ngờ đâu, anh Trưởng chết. Mấy tháng tạm giam đêm nào bị cáo cũng trằn trọc đến sáng không thể nào ngủ được, chỉ muốn ra Tòa để gửi đến gia đình bị hại lời xin lỗi”.

Được nói lời sau cùng, các bị cáo gửi lời xin lỗi gia đình người bị hại, mong pháp luật khoan hồng để các bị cáo sớm trở về làm ăn, thắp nén nhang cho người bị hại.

Nhận thấy hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, nên HĐXX đã tuyên phạt Lê Văn Cảnh 16 năm tù, Lê Văn Thông 15 năm tù, Võ Khắc Tường 15 năm tù, Phạm Tình 10 năm tù, Nguyễn Văn Thuận 9 năm tù, Bùi Ngọc Phúc 9 năm tù đều về tội “Giết người”.

Kết thúc phiên tòa, ông N.V.Q (cha của Nguyễn Văn Thuận) chua xót: “Thuận là bộ đội xuất ngũ, đóng quân ở tận nhà giàn DK1 Cam Ranh. Ở nhà chơi ít ngày, ngày hôm sau nó lại ra Đà Nẵng để tiếp tục học nghề lái xe phục vụ trong quân đội. Ngờ đâu, chúng bạn rủ rê xảy ra cớ sự này. Bậc làm cha, làm mẹ đau xót lắm…”.

Ông tiếp lời: “Ra phiên tòa thấy người nhà bị hại hoàn cảnh cũng khó khăn, cha Trưởng bị bệnh tâm thần không làm lụng được. Thôi thì cũng phải cố gắng kiếm tiền để bồi thường, cấp dưỡng cho người ta”.

Nhìn chiếc áo đã sờn vai, dáng người khắc khổ của người cha, chợt thấy xót xa cho những bậc cha mẹ có con lỡ sa chân vào vòng lao lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngã rẽ cuộc đời