Đoạn kết của người đàn bà 6 lần ra tòa trong 2 vụ án

An Dương| 18/05/2017 08:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người đàn bà từng được xin lỗi công khai vì bị kết án oan, những tưởng cuộc đời sẽ lặng gió, nhưng đúng ngày Quốc tế phụ nữ, bà Ước bị bắt giam để điều tra về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Vừa qua, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Thị Ước (SN 1965), ngụ thị trấn Chơn Thành 6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, khép lại vụ án kéo dài hơn 3 năm với nhiều tranh cãi. Đoạn kết là những giọt nước mắt của người đàn bà từng phải 6 lần ra Tòa trong hai vụ án khác nhau...

Có thể nói Nguyễn Thị Ước là người đàn bà có số phận “đặc biệt” bởi từng được các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước tổ chức xin lỗi công khai, bồi thường 22 triệu đồng do kết án oan 10 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Những tưởng cuộc đời sẽ lặng sóng gió nhưng đúng ngày “quốc tế phụ nữ” năm 2014, bà Ước bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Một điều khá oái oăm là chính Điều tra viên Nguyễn Hữu Nhàn, người từng làm oan bị cáo trước đây lại được phân công xử lý vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Kết quả điều tra xác định ngày 17/8/2011, Nguyễn Thị Ước đến nhà Lê Thị Bông (khu phố 6, thị trấn Chơn Thành) vay 200 triệu đồng trong 3 tháng, lãi 12 triệu đồng/tháng, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên Nguyễn Thị Ước. Sau đó, Ước không trả lãi và nợ gốc, dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của bà Bông. Bà Ước làm đơn lấy cớ là xin cấp lại sổ đỏ mới nhưng không thành do bà Bông phát hiện trình báo.

Đoạn kết của người đàn bà 6 lần ra tòa trong 2 vụ án

Bị cáo Nguyễn Thị Ước

Bà Ước khẳng định không cầm sổ đỏ khi làm việc tại UBND thị trấn Chơn Thành, riêng giấy vay tiền có chữ ký và ghi tên "Nguyễn Thị Ước", Ước nói do bà Bông ngụy tạo. Quá trình điều tra xét xử, bà Ước đều kêu oan rằng bị hình sự hóa quan hệ dân sự vì trong giấy vay tiền không thể hiện việc trả lãi 12 triệu đồng/tháng và thời hạn trả nợ gốc là ba tháng như cáo trạng nêu. Trong phiên tòa sơ thẩm lần 1 vào ngày 19/9/2014, TAND huyện Chơn Thành phạt bà Ước 10 năm tù.

Trong phiên toà phúc thẩm ngày 30/6/2015,  bà Ước kháng cáo kêu oan, HĐXX đã cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng các chứng cứ, phát hiện nhiều thiếu sót và vi phạm tố tụng. CQĐT không tiến hành giao kết luận giám định chữ ký, chữ viết cho bà Ước là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo; có nhiều mâu thuẫn về quá trình vay mượn và giao nhận tiền; lời khai của các nhân chứng trong vụ án chưa đảm bảo tính khách quan. Do chưa đủ cơ sở vững chắc kết tội bị cáo, có nhiều vi phạm tố tụng nên HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại.

Sau khi tiến hành điều tra lại, TAND huyện Chơn Thành xét xử và giữ quan điểm Nguyễn Thị Ước phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, phạt bị cáo 6 năm tù. Chiều 15/5, sau 5 ngày nghị án, TAND tỉnh Bình Phước công bố bản án phúc thẩm. HĐXX nhận định qua xem xét các chứng cứ, lời khai, nhận thấy đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo. Bị cáo kháng cáo kêu oan không có căn cứ nên bác và giữ nguyên hình phạt 6 năm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trong phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Bình Phước nhận định bị cáo Ước vay 200 triệu đồng và thế chấp sổ đỏ cho bà Bông. Sau đó, bị cáo vẫn làm đơn cớ mất và làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ mới. Hành vi trên nhằm chiếm đoạt tài sản và đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Quá trình điều tra bị cáo không nhận tội và thành thật khai báo.

Luật sư Trần Hải Đức, người bào chữa miễn phí cho bị cáo cho rằng cần xem xét trên nguyên tắc suy đoán vô tội để đánh giá toàn diện vụ án. Hành vi bà Ước không cấu thành tội phạm, việc vay mượn giữa bị cáo và bà Bông là quan hệ giao dịch dân sự. Lời khai của các nhân chứng không thể hiện rõ hành vi chiếm đoạt của bị cáo. Với vai trò chủ nợ nhưng bà Bông khai tại Tòa hai năm không đi đòi vì không biết nhà trong khi hai người ở cùng khu phố... là không bình thường. Luật sư cũng đề nghị HĐXX triệu tập 3 hội đồng giám định giấy vay tiền để làm rõ vì có dấu hiệu không khách quan vì có thành viên của hội đồng chưa phải là giám định viên…

Vị đại diện VKS tranh luận lại giữ nguyên quan điểm cho rằng cáo trạng truy tố bà Ước là có căn cứ, không oan, đồng thời không có căn cứ nào để nói các kết luận giám định là không khách quan như luật sư nêu.

Bản án phúc thẩm ngày 15/5 với phán quyết hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Ước phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đã khép lại vụ án gây nhiều tranh cãi. Người từng bị kết án oan tại tỉnh Bình Phước cuối cùng phải chịu hình phạt của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoạn kết của người đàn bà 6 lần ra tòa trong 2 vụ án