Đằng sau những phiên tòa ma túy

Nam Hoàng| 17/06/2018 07:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi đã từng tham dự nhiều phiên tòa xét xử tội phạm về ma túy ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu...., những điểm nóng về ma túy của Việt Nam. Đằng sau những phiên tòa ấy, điều ám ảnh tôi nhất là bi kịch gia đình của những kẻ buôn bán "cái chết trắng".

Con đói cơm, thất học

Thật khó có thể thống kê cũng như thấu hiểu đến tận cùng hoàn cảnh của những đứa trẻ bị văng ra đời từ những “gia đình ma túy” ở mỗi bản, mỗi làng mà tôi đã qua, thế nhưng hầu như chúng đều có một điểm chung là bị quăng quật từ thuở nhỏ. Trong khi bố mẹ mải miết luồn rừng “ăn hàng”, vò đầu bứt tóc tính trăm ngàn mưu hèn kế bẩn hoặc vùi đời trong khói phù dung thì những thiên thần bé ấy phải tự tắm rửa, cơm nước, chăm sóc cho mình.

 Pháp luật thượng tôn, mà lưới trời lồng lộng, việc những “ông bố, bà mẹ ma túy” ấy sớm hay muộn cũng bị pháp luật trừng trị, đó cũng là cái lẽ thường tình. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là ngoài việc đem “cái chết trắng” gieo rắc cho đồng loại, những đại ca, ông trùm, hoặc những “ông nghiện, bà nghiện” ấy còn đẩy chính con cái - ràng ruột, máu mủ của mình vào cơn bĩ cực. Thậm chí, có những “ông trùm” tiền kiếm tính bằng... bao tải nhưng từ đầu chí cuối chỉ lo thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, quẳng bỏ vợ con lăn lóc mưu sinh nơi góc rừng xó núi, như trường hợp Hạng Khua Ly, SN 1975, ở xã Pù Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Mang tiếng là một “ông trùm” ma túy nhiều mưu ma chước quỷ, lưu manh, liều lĩnh bậc nhất trong giới “ăn hàng trắng” ở khắp dải rừng Tây Bắc, kẻ đã từng ôm… bao tải tiền sang nước bạn ăn chơi, nhưng “dinh thự” của Ly chả khác gì cái lều chăn vịt. Tường vách tả tơi, nhìn lên thấy lốm đốm trời. Thời hoàng kim, đã có lúc Ly từng bao trọn cả một khách sạn hạng sang bên nước bạn để anh em chiến hữu hát hò nhảy múa. Bia rượu ngập tràn, nhan sắc bủa vây. Ấy thế nhưng có một nghịch lý là ở nơi xó rừng heo hút Pù Nhi, vợ và 4 đứa con hắn vẫn lay lắt, vật vã trong cái đói, cái nghèo thăm thẳm.

 Đứa con lớn của Ly học “bữa đực, bữa cái”, thời gian rảnh lại theo mẹ lên rừng đào củ măng, củ sắn về ăn. Trong nhà hắn, chả có gì đáng giá. Vài cái xoong nồi nhọ nhem vứt chơ lơ, hai lu nước để đầu hồi toàn loăng quăng, bọ gậy. Khách đến, Hờ Thị S, vợ Ly, quay trước, quay sau mãi mới kiếm nổi manh chiếu rách trải tạm ra nền đất. Từ đầu đến cuối câu chuyện S chỉ khóc và nói mãi về cái đói, cái nghèo, về tương lai bịt bùng của 4 đứa con “trứng gà, trứng vịt”. Và, S cũng trăn trở, lo lắng cho “cái ông chồng buôn ma túy bị đi tù”…

Khóc chán, S mang sắn ra thái để chuẩn bị bữa ăn chiều cho mấy đứa con. S bảo, đận này lũ trẻ không ăn được ngô, nên phải “đổi món” cho chúng bằng cách… bán ngô mua sắn. Ngồi thần ra mất mấy giây, S cũng không nhớ nổi lần gần nhất mà mấy mẹ con được ăn thịt là từ bao giờ. Và, S càng không nhớ được 4 đứa con mình được mẹ mua cho quần áo mới là từ khi nào. Cuộc sống của mấy mẹ con S nó tăm tối, hoang biệt còn hơn cả đại ngàn.

“Từ giờ đến cuối năm, nếu cặp lợn trong chuồng hay ăn chóng lớn, không bệnh tật, không lở mồm long móng gì thì tôi sẽ bán lấy tiền cho mấy đứa trẻ đi thăm bố nó ở trại giam. Còn nếu không may lợn chết thì cũng chịu thôi. Đến ăn còn không có nữa mà, đi sao được”, S phân trần.

Đằng sau những phiên tòa ma túy

Vợ con trùm ma túy Hạng Khua Ly 

Vợ vật vã mưu sinh

 Cũng giống như Điện Biên Đông, lâu nay, Quế Phong (Nghệ An) nổi tiếng là một điểm nóng về ma túy. Khi đặt chân lên bất cứ bản làng nào ở cái huyện biên giới nằm mút ngọn miền Tây xứ Nghệ này, người ta cũng có thể bắt gặp vô số những gia đình, những phận đời bầm dập vì ma túy. Ở đây, có cả một thế hệ những người nghiện lên tới hàng nghìn, rồi nhiễm HIV, rồi chết rục trong sự hắt hủi xót xa. Có những gia đình bị “bão ết” cuốn tất thảy già trẻ, lớn bé về nơi chín suối; có người chồng dính “ết”, vẫn hồn nhiên về “nhây” sang vợ, như trường hợp Vi Văn Khá (SN 1975, ở Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An).

 Cách đây ít lâu, tôi có được tham dự phiên tòa xét xử Khá về tội mua bán chất ma túy của TAND huyện Quế Phong. Đã phạm tội thì phải trả giá, âu đó cũng là chuyện nhân quả ở đời, nhưng điều đáng nói trong vụ án này là Khá không chỉ gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại mà còn đem cả “con HIV” về “gieo” vào vợ là Vi Thị H.

H mới ngoại tứ tuần mà người héo quắt, phất phơ như cái dải khoai. Tôi nhìn mãi, tuyệt nhiên không tìm thấy trên gương mặt chị lưu giữ được nét gì của thời xuân sắc. Nghe nói, ngày trước chị đẹp. Đẹp đến nỗi tối tối trai bản xếp hàng ngồi từ trong nhà ra ngoài ngõ để những mong rước chị về làm vợ. 17 tuổi, H lấy Khá, là người cùng xã. Cưới nhau được vài năm, H sinh 2 con, một trai một gái. Nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào hơn sào ruộng nước và mấy nương ngô, co kéo mãi mà vẫn thậm thụt bữa no bữa đói. Thế là Khá tính lên thị trấn kiếm việc làm.

Sau khi bán sạch số thóc, gạo trong nhà, cộng thêm chút tiền vay mượn, H mua được chiếc xe máy cà tàng cho chồng chạy xe ôm. Tưởng rồi chiếc xe sẽ như chiếc “cần câu cơm” kéo cả gia đình lên no ấm, nào ngờ nó rặt “câu” tai họa. Từ lúc Khá chạy xe, tiền kiếm được cũng nhì nhằng. Ban đầu thì còn mang về đưa vợ, sau Khá tập tành theo đám bạn bập vào ma túy.

Và, cũng từ một lần chạy xe trong trạng thái tinh thần phấn khích, Khá gây tai nạn. Đi cấp cứu, bác sỹ bảo Khá nghiện và nhiễm “ết”. H chả biết con vi rút HIV nó hình thù thế nào, nhưng “con ma thuốc phiện” thì H biết. Bởi ở bản H, đã có mấy người vác cả trâu bò, lợn gà mang đi “cúng” cho con “ma” vô hình nhưng quái ác ấy.

Kể từ đó, Khá nghiện không cần giấu giếm, công khai đi mua thuốc về chích hút. Trong nhà có gì đáng giá hắn mang đi bán hết. Không chỉ bao ngô, tải thóc mà đến cả cái ang, cái chậu cũng đội nón ra đi. Nhà nghèo lại càng nghèo. Đến khi không còn gì để bán, Khá theo chúng bạn đi mua heroin về bán kiếm lời. Rồi Khá bị bắt. Nhưng trước khi “xộ khám”, Khá cũng kịp “dúi” cho vợ “con HIV”. Giờ H ngày hai buổi lên rừng bói măng, kiếm củi. Hôm nào rừng động, chị ở nhà ngó mưa thì y rằng cả 3 mẹ con đều nhịn. Mà rừng Quế Phong thì động liên miên...

Mẹ đớn đau, sầu tủi

Không chỉ đẩy vợ con mình vào cơn bĩ cực với đói cơm rét áo mà rất nhiều kẻ “bán mạng cho ả phù dung” còn đẩy cha mẹ mình vào vòng đớn đau, tủi khổ. Có những kẻ “dành hết cả tuổi thanh xuân để... đi tù”, bắt mẹ già thăm nuôi mòn mỏi, như trường hợp của Nguyễn Khắc Trung (SN 1970, ở Khối 3, thị trấn Kim Sơn, Quế Phong, Nghệ An).

Cuộc đời Trung, án chồng án kể từ khi 26 tuổi. Xen kẽ giữa những lần “vào tù ra tội”, gã cũng kịp lấy hai đời vợ và sinh được hai đứa con, một gái một trai. Tuy sinh ra trong một gia đình cũng chả có gì khá giả, nhưng từ nhỏ Trung đã ham chơi bời, lêu lổng. Quá mỏi mệt với việc cứ dăm bữa nửa tháng lại phải lên đồn công an bảo lãnh cho đứa con ngỗ ngược, cha mẹ gã nhờ vả rồi xin cho gã làm phụ xe cho một người quen.

Phụ xe được một thời gian, Trung cặp kè và chung sống cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng” với một phụ nữ quê mãi tận trong Nam. Kết quả của cuộc hôn nhân “se vội” ấy là một đứa con gái chào đời vào năm 1993. Gã làm cha, làm chủ gia đình khi còn đang ở cái tuổi “dở người lớn, dở trẻ con”. Bí bách, túng quẫn, gã lừa “ôm” của ông chủ xe gần trăm triệu tiền hàng. Năm 1996, gã bị bắt. Tòa tuyên gã 11 năm tù vì tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Gã đi tù lần thứ nhất. Vợ con gã sống lay lắt, lần hồi ở cái xó rừng hiu hắt. Không chịu được cảnh đói ăn thiếu mặc, vài năm sau vợ gã cũng cắp con bỏ nhà đi biệt tích.

Ngày 2/9/2000, Trung được đặc xá. Về lại thị trấn Kim Sơn, việc đầu tiên gã làm là “sắm” cho mình một cô vợ mới. Hà Thị L (SN 1970), vợ gã, người dân tộc Thái ở xã Châu Kim. Tưởng là sau một lần vấp ngã, Trung sẽ biết chọn “con đường sáng” để hoàn lương, nào ngờ gã lại chọn cách làm giàu bất chính từ việc buôn “hàng trắng”. Địa bàn hoạt động của gã chính là quê vợ. Bởi, gã lý giải, “người ta chả chú ý gì đến một thằng đàn ông “đi thăm bố vợ” như mình!”.

Và, Trung đã nhầm. Gã nhanh chóng bị bắt và phải hầu tòa lần thứ 2 trong đời. Lần này, gã lĩnh án 30 tháng tù. Lúc đó, vào khoảng đầu năm 2002, vợ gã vừa mới sinh con, gã là lao động chính nên được hoãn thi hành án. Nghĩ rằng, mình sắp “đi vắng lâu ngày”, cần phải kiếm một số tiền giúp vợ con “làm vốn”, gã tiếp tục xách ma túy đi bán với số lượng lớn hơn. Tiền đâu chả thấy, chỉ thấy gã “kiếm” thêm cho mình bản án 8 năm 6 tháng tù. Cộng với cái án còn đương “nợ”, gã “ôm” trọn 11 cuốn lịch vào trại giam để “bóc” dần. Gã đi tù lần hai.

Cuối năm 2011, Trung được ra tù. Vợ chồng sum họp, được đúng tròn 90 ngày, kể từ khi mãn hạn, “con vừa quen mặt, vợ vừa bén hơi” thì gã lại bị bắt quả tang khi đang mang ma túy đi bán. Khi TAND huyện Quế Phong đưa Nguyễn Khắc Trung ra xét xử, hàng trăm người dân chen chúc hội trường để xem mặt “thằng Trung “nghiện đi tù” mồm ngang mũi dọc thế nào!”. Mẹ gã, bà Lê Thị Ng, dù tuổi gần 90 cũng nhờ con cháu dắt dìu, lặn lội đến Tòa từ sáng sớm. Khi nghe từ chính miệng đứa con mình dứt ruột đẻ ra tường trình lại toàn bộ hành vi phạm tội trước tòa, bà khóc lặng, hai bàn tay khẳng khiu tự đấm vào ngực mình thùm thụp. Có lẽ, bà đang tự trách mình vì đã không răn dạy được “thằng con trời đánh”?!

Có điều lạ là trong lúc mẹ và vợ vật vã sụt sùi, Trung vẫn lẳng lặng, trơ lì như gỗ đá khi nghe tòa tuyên án. Gã đón nhận bản án 10 năm tù (nâng tổng số án mà đời hắn phải gánh qua 4 lần vịn vành móng ngựa lên đến… 32 năm tù) với một sắc thái bình thản đến lạ lùng. Phải đến tận lúc được gặp mẹ ít phút trước khi bị áp giải lên chiếc xe bít bùng, gã mới chợt rưng rưng. Có lẽ, nhìn cảnh người mẹ gần đất xa trời phải chịn tựa người thân mà khóc, gã cầm lòng không đặng. Dù sao, thẳm sâu trong con người gã, kẻ đã có một cuộc sống lệch lạc, bất thành nhân từ tấm bé, mà khi đối mặt với đấng sinh thành vẫn nhỏ ra được vài giọt lệ, thì âu cũng là chuyện đáng mừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau những phiên tòa ma túy