Bi hài kẻ cướp tiệm vàng đòi “trả lại não”

An Dương| 17/03/2017 06:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ một thanh niên trẻ khỏe, biết lao động phụ giúp gia đình, Lê Đức Thắng (tự Luân, SN 1990) bỗng “mềm lòng” trước lời rủ rê của gã chủ thầu xây dựng, dùng súng thực hiện vụ cướp tiệm vàng cạnh nghĩa trang để rồi tàn đời trong trại giam.

Cáo trạng và lời khai của bị cáo tại Tòa cho thấy Lê Đức Thắng có gia cảnh khá đặc biệt. Bị cáo không được ăn học đến nơi đến chốn, mới đến lớp 2, Thắng đã nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Đến năm 19 tuổi, Thắng rời quê nhà Quảng Nam vào Tp. Hồ Chí Minh “đầu quân” cho chủ thầu Hà Văn Tiếp xin làm thợ hồ.

Mặc dù là chủ thầu, Hà Văn Tiếp không mê nghề xây dựng mà lại rất hứng thú với những trò cờ bạc đỏ đen. Hậu quả là Tiếp vỡ nợ, Tiếp muốn kiếm thêm tiền để tiêu xài và gỡ gạc nên nảy sinh ý định đi cướp tiệm vàng.

Thời điểm tháng 2/2011, Tiếp ngỏ lời rủ rê Thắng và các thuộc hạ vốn là nhân viên của y gồm Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Văn Phương và Lê Đức Thắng. Nghe ông chủ vẽ ra viễn cảnh đi cướp tại các tiệm vàng sẽ có nhiều tiền tiêu xài, cả bọn dễ dãi đồng ý. Thắng liền nhờ Lê Đức Thọ (là anh ruột của Thắng) ngụ tại xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông tìm nhờ mua 1 khẩu súng tự chế cùng 15 viên đạn với giá 4 triệu đồng để làm hung khí gây án. Ngoài trang bị “hàng nóng”, ngày 14/2/2011, Tiếp còn kêu Phước mua 4 dao nhọn để “trang bị tận răng” cho đồng bọn.

Cáo trạng xác định, để lấy tinh thần, chiều 16/2/2011, Tiếp rủ Thắng, Phương, Phước đi uống rượu tại ngã tư bốn xã thuộc quận Bình Tân. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, cả nhóm về phòng lấy dao, súng “xuất quân” đi cướp tiệm vàng. Tiếp phân công và đưa khẩu súng, 15 viên đạn và dao nhọn cho Thắng. Các đối tượng còn lại mỗi người cầm theo một dao. Tiếp phân công nhiệm vụ, dặn dò Phước, Phương đứng ngoài tiệm vàng cảnh giới, nếu ai dám xông vào cứu người trong tiệm vàng phải đâm ngay; Thắng cầm súng uy hiếp chủ tiệm vàng.

Sau đó, Thắng điều khiển xe mô tô chở Tiếp, Phước điều khiển xe mô tô chở Phương chạy xe đến tỉnh lộ 10, quận Bình Tân để tìm tiệm vàng nào vắng khách thì hành động. Tuy nhiên, do thời điểm này, các tiệm vàng ở đây đông khách nên Tiếp và đồng phạm đi đến khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa vào quán uống nươc.

 Bi hài kẻ cướp tiệm vàng đòi “trả lại não”

Hình ảnh minh họa

Quan sát khu vực xung quanh nghĩa trang, Tiếp và đồng phạm thấy tiệm vàng Kim Ngọc Thanh 2 (khu phố 6, phường An Lạc A, quận Bình Tân) vắng người nên kêu cả nhóm ập vào cướp. Theo đúng phân công, Phước và Phương cầm dao Thái Lan đứng gần cửa để canh giới. Thắng cầm khẩu súng đã lên đạn và Tiếp cầm dao Thái Lan ập vào bên trong tiệm vàng khống chế anh Lê Ngọc Thạch (chủ tiệm vàng).

Tiếp hô vang: “Đứng im” nhưng anh Thạch không sợ hãi, đi đến đứng đối diện, cách Thắng khoảng 3m. Thắng liền cầm súng ngang ngực chĩa nòng súng vào người anh Thạch bắn một phát nhưng không trúng, viên đạn chỉ làm xước tủ kính đựng vàng và văng trúng vào phần dựa lưng của ghế nệm xoay.

Nghe tiếng súng, anh Thạch bỏ chạy vào trong nhà kêu cứu. Chủ nhà là anh Lưu Quốc Quy nghe tiếng la nên chạy ra hỗ trợ, thấy Thắng lăm lăm khẩu súng, anh Quy đứng từ xa lấy ca nhựa ném vào Thắng. Lúc này, Tiếp xông vào trong quầy định mở tủ lấy vàng nhưng bị anh Quy dùng chiếc quạt để bàn đánh trả. Do thấy người trong tiệm vàng dũng cảm chống trả quyết liệt nên Phương và Phước bỏ chạy ra ngoài.

Thắng thấy vậy liền lấy đạn lắp vào súng nhưng luống cuống nên bị rơi xuống đất. Lúc này Thắng đứng cách anh Quy chỉ khoảng 2m, y tiếp tục lắp viên đạn khác vào nòng và lên đạn rồi chĩa về phía anh Quy bắn một phát. Súng nổ, đạn trúng cổ chân bên phải anh Quy khiến nạn nhân bị thương phần mềm.

Thấy tình thế bất lợi, các nạn nhân không sợ “hàng nóng” nên Thắng vứt khẩu súng tại hiện trường rồi nhảy lên xe mô tô của Tiếp để tẩu thoát. Do xe bị ngã nên Tiếp quăng xe lại, chạy đến nhảy lên xe mô tô của Phước, Phương rồi tẩu thoát. Riêng Thắng bị quần chúng nhân dân vây bắt quả tang cùng khẩu súng gây án.

Các đối tưởng bỏ trốn đi nhiều địa phương nhưng sau đó đã ra đầu thú. Trong thời gian điều tra, Thắng bất ngờ phát bệnh nên CQĐT đã trưng cầu giám định tâm thần. Kết quả giám định cho thấy Lê Đức Thắng trước, trong và sau khi gây án (đến ngày 29/6/2011) bị cáo đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Thắng được đưa đi chữa bệnh, còn Tiếp, Phước và Phương đã được TAND Tp. Hồ Chí Minh xét xử năm 2012. Cơ quan điều tra phải tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra để chờ Thắng bình phục.

Đến tháng 6/2016, tình trạng bệnh lý của Lê Đức Thắng đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa, đương sự có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nên Tòa đã đưa vụ án ra xét xử.

Trước vành móng ngựa, Lê Đức Thắng thỉnh thoảng lại kêu lên đòi… trả lại não. Khi bình tĩnh lại, Thắng khai được Tiếp phân công đứng cầm súng uy hiếp chủ tiệm vàng để các đối tượng cướp vàng. Nếu phải bắn thì không được bắn trúng người. Bị cáo không có ý định giết ai.

Kết luận giám định số 185 của Phòng kỹ thuật hình sự xác định: khẩu súng gây án là súng tự chế, khi bắn có thể gây chết người hay không còn phụ thuộc vào tầm bắn, số lượng phát bắn và tổn thương ở vị trí, bộ phận nào trong cơ thể do đầu đạn gây ra. Vị luật sư cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo tội giết người là không chính xác. Sau khi hội ý, Tòa xét thấy còn một số vấn đề chưa được làm rõ nên đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Thắng ngơ ngác nhìn quanh rồi đi bị áp giải ra xe, từ một thợ hồ, Thắng đã chọn sai con đường để rồi rơi vào cảnh “thân tàn ma dại”, tương lai phía trước đầy mịt mù. Bi kịch của Thắng cũng là bài học cho những kẻ lười nhác muốn kiếm tiền phi pháp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi hài kẻ cướp tiệm vàng đòi “trả lại não”