Hoãn phiên tòa xét xử vụ cố ý gây thương tích

Mạnh Hùng| 24/12/2018 20:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (24/12), TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm với bị cáo Nguyễn Sỹ Thắng (SN 1989, trú tại Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích.

Trước đó, ngày 20/9/2018, TAND huyện Thanh Trì đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Thắng 28 tháng tù giam. Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm bị cáo Thắng đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án, phía bị hại cũng có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tăng mức hình phạt với bị cáo Thắng và tăng mức bồi thường dân sự.

Theo bản án sơ thẩm, do mâu thuẫn trong việc mua bán cua, cá giữa anh Lê Văn Sâm (người bị hại, SN 1972, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) với Nguyễn Sỹ Thắng, ngày 31/5/2012, anh Sâm và Thắng có nhắn tin qua điện thoại chửi mắng nhau và hẹn 18h30’ cùng ngày gặp nhau ở đầu ngõ để nói chuyện.

Hoãn phiên tòa xét xử vụ cố ý gây thương tích

Bị cáo Nguyễn Sỹ Thắng tại phiên tòa chiều nay

Đúng hẹn, Thắng đến nơi gặp thì nhìn thấy anh Sâm cầm một con dao bản rộng 7cm (loại dao thái phở). Thấy anh Sâm cầm dao giơ lên chém mình nên Thắng bỏ chạy thì anh Sâm ném dao về phía Thắng, trúng vai trái nhưng không gây thương tích.

Lúc này, Thắng tiếp tục chạy và bị ngã vào hố cát ven đường ở bờ mương; đúng lúc anh Sâm đuổi kịp và lao vào Thắng; trong lúc hai người giằng co, xô xát với nhau thì anh Sâm bị Thắng dùng một con dao gọt hoa quả đâm một nhát vào bụng, dưới ngực trái của anh Sâm gây thương tích.

Nguyễn Sỹ Thắng khai nhận việc gây thương tích cho anh Sâm bằng con dao gọt hoa quả nhưng không thừa nhận việc chuẩn bị dao để đâm anh Sâm. Thắng khai con dao gọt hoa quả đâm vào anh Sâm là do anh Sâm mang theo từ trước, khi Thắng bỏ chạy thì anh Sâm cầm dao gọt hoa quả đuổi theo, lao vào đâm mình nên phải tóm lấy tay của anh Sâm; đồng thời vặn cổ tay cầm dao của anh Sâm làm mũi dao đâm vào bụng bị hại gây ra thương tích.

Ngoài ra, Thắng khai không dùng hung khí hay vật dụng gì khác để tác động tới anh Sâm. Việc anh Sâm khai Thắng dùng cát ném vào mặt anh Sâm, dùng mũ cứng đánh anh Sâm là không đúng.

Quá trình điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Thanh Trì đã tiến hành đối chất giữa anh Lê Văn Sâm và Nguyễn Sỹ Thắng nhưng cả hai vẫn giữ nguyên lời khai của mình nêu trên.

Tiếp đó, ngày 12/6/2012, Bệnh viện 103 đã cấp giấy chứng nhận ra viện cho anh Sâm với các chẩn đoán: bị thương vùng sụn sườn 10 -11; đứt đoạn sường 10,11; thấu bụng, xuyên phân thùy 3 gan, rách thanh mạch bờ cong nhỏ dạ dày do bị đâm.

Ngày 20/2/2014, Thắng tự nguyện giao nộp cho Cơ quan Công an 1 con dao Inox chuôi nhựa dài 10cm, lưỡi dao dài 10cm.

Tại giấy chứng thương của Bệnh viện 103 có kết luận: Vết thương thấu bụng, tổn thương gan, thanh mạc dạ dày 35%; gẫy xương sường 10,11 8%; các vết thương, vết mổ 0,4%.

Tại bản giám định pháp y tâm thần ngày 22/7/2013 và công văn ngày 19/8/2013 của Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương đã kết luận: Trong khi gây án ngày 31/5/2012 và giai đoạn hiện tại, Nguyễn Sỹ Thắng bị bệnh tâm thần: Bệnh các rối loạn khí sắc thực tổn.

Tại thời điểm gây án và hiện tại, Thắng đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi.

Tại phiên sơ thẩm, bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã nêu. Theo lời khai của bị cáo tại phiên sơ thẩm, bị cáo và anh Sâm có gặp nhau, có vật lộn nhau tại hố cát nhưng sau đó bị cáo đi về nhà; việc anh Sâm bị thương, bị cáo khai không biết.

Sau khi nghị án, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, việc truy tố bị cáo là có căn cứ. Hành vi của bị cáo là gây nguy hiểm cho xã hội và nhân dân, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Cũng theo HĐXX, thời điểm phạm tội và thời điểm xét xử sơ thẩm, bị cáo có đủ khả năng nhận thức, chỉ bị hạn chế về khả năng điều khiển hành vi.

Tuy nhiên, khi lượng hình, HĐXX cũng xem xét đến các tình tiết bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần, người bị hại cũng có lỗi.

Vì vậy, HĐXX cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Sỹ Thắng 28 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại hơn 39 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm chiều nay, trong khi chờ HĐXX vào làm việc, bị cáo Thắng đã có những biểu hiện bất thường. Bị cáo thường xuyên lấy hai tay đập vào đầu, có lúc còn nằm ra ghế dành cho bị cáo. Đại diện VKS hỏi bị cáo có mệt không? Có cần hoãn phiên toà và xin xét xử vắng mặt không? Thắng đáp: “Có chết cũng phải kêu oan”.

Cũng tại phiên toà, trong phần thủ tục, do vắng mặt một số nhân chứng nên vợ bị cáo Thắng đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Phía luật sư, người bào chữa cho bị cáo Thắng cũng cho rằng đây là vụ án bị cáo kháng cáo kêu oan. Ngoài hai nhân chứng trên còn có 2 nhân chứng khác nữa. Luật sư cho rằng việc chỉ có 1 nhân chứng tại phiên tòa không bảo đảm tính khách quan. Lời khai của nhân chứng Lưu Văn Tân và Lưu Tây Nguyên hoàn toàn trái ngược nhau nên cũng đề  nghị HĐXX hoãn phiên toà.

Đại diện VKS thì cho rằng, trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ lời khai của các nhân chứng. Quá trình xét xử, HĐXX có thể công bố lời khai của các nhân chứng này.

Trước những ý kiến nêu trên, HĐXX phúc thẩm TAND TP. Hà Nội đã hội ý và quyết định hoãn phiên toà.

Phiên tòa sẽ được mở lại vào chiều ngày 3/1/2019 tới đây.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoãn phiên tòa xét xử vụ cố ý gây thương tích