Thanh xuân - Hà Nội: Người dân khốn khổ vì tranh chấp đất đai bị "hành chính hóa"

Huyền Trang| 27/08/2015 21:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù biết vụ tranh chấp đất đai không thuộc thẩm quyền của mình, nhưng UBND quận Thanh xuân, Hà Nội vẫn "thụ lý" và ra quyết định giải quyết tranh chấp, biến quan hệ dân sự thành quan hệ hành chính khiến bên bị tranh chấp lao đao, khốn đốn.

Liên quan đến vụ “UBND quận lấn sân Tòa án” trong giải quyết tranh chấp đất đai tại địa chỉ số 438 - 440 đường Khương Đình, phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội mà Báo Công lý đã phản ánh, sau khi bị gia đình các ông Lê Văn Tự, Lê Kim Chung, Lê Văn Chính khởi kiện vì đã ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trái thẩm quyền, ngày 28/01/2015, UBND quận Thanh Xuân đã ra Quyết định số 334/QĐ-UBND hủy bỏ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai số 5780/QĐ-UBND mà quận đã ban hành và đang bị khởi kiện.

Thanh xuân - Hà Nội: Người dân khốn khổ vì tranh chấp đất đai bị

Nhà 438 - 440 đường Khương Đình

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là mặc dù bên tranh chấp đã được hướng dẫn cụ thể về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, nhưng bên tranh chấp không nộp đơn ra Tòa án mà vẫn cứ bám vào UBND quận, đòi quận giải quyết cho (?).

Sẽ không có gì đáng nói nếu như không có việc một phần diện tích đất mà gia đình các ông Lê Văn Tự, Lê Kim Chung, Lê Văn Chính đang sử dụng bị Nhà nước thu hồi để phục vụ xây dựng công trình giao thông công chính, thuộc dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội. Theo ghi nhận của phóng viên, tới thời điểm này dự án đang bị dừng lại ở khu đất của nhà ông Tự, ông Chung, ông Chính. Nguyên do được xác định là UBND quận Thanh Xuân chưa trả tiền đền bù cho gia đình các hộ này mà vẫn muốn thu hồi đất để thực hiện dự án nên không được các hộ bàn giao mặt bằng để thi công.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hải cho biết: "Thửa đất này của gia đình chúng tôi có nguồn gốc từ thời ông cha để lại, vô cớ bị người khác tranh chấp bằng những giấy tờ mua bán từ thời cải cách ruộng đất (năm 1958). Bên tranh chấp không theo hướng dẫn của quận nộp đơn ra cơ quan có thẩm quyền là Tòa án để giải quyết mà cố tình chây ỳ bám vào UBND quận? Tại sao UBND quận thấy sai mà vẫn cứ làm? Chúng tôi đã chờ bên kia nộp đơn ra Tòa từ năm 1995 nhưng họ vẫn "bám" UBND quận, rồi sau đó hết lần này đến lần khác UBND quận ra các quyết định hành chính nói là đất tranh chấp và ép chúng tôi phải tuân theo. Việc dân sự nhưng UBND quận cứ "hành chính hóa" làm khó chúng tôi, chờ đến khi nào tranh chấp giải quyết xong mới được nhận được tiền đền bù?...".

Qua xem xét hồ sơ tài liệu nhận thấy, năm 1995, khi nộp đơn ra UBND huyện Thanh Trì yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại số 438 - 440 đường Khương Đình, phường Hạ Đình, Thanh Xuân với gia đình ông Lê Văn Tự, gia đình ông Nguyễn Văn Mai đã đưa ra hai giấy tờ gồm: Một văn tự lập năm 1935 về việc ông  Lê Văn Thống người làng Hạ Đình, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông bán 190m2 đất tại thửa đất số 1357 (Không rõ địa chỉ và vị trí toạ lạc?) cho ông Lưu Kế Thịnh và bà Lê Thị Đức; Một văn tự đoạn mại lập năm 1958 về việc ông Lưu Kế Thịnh người Xóm Nở, thôn Hạ Đình, xã Nhân Chính, quận 6, Hà Nội bán 180m2 đất số 814 (Không rõ số thửa hay số nhà?) cho ông Nguyễn Văn Mai và bà Trịnh Thị Xuyến người thôn Hạ Đình, xã Nhân Chính, quận 6 Hà Nội. Phía gia đình ông Lê Văn Tự thì xuất trình Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp để chứng minh quyền sử dụng đất của mình.

Như vậy, khi tranh chấp phát sinh, các hộ gia đình liên quan đều đưa ra các giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất của mình, nên theo quy định của Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Tất cả các tài liệu, chứng cứ cần phải được Tòa án xác minh, thẩm định để đưa ra phán quyết. Thế nhưng từ năm 1995 đến nay, lần lượt từ UBND huyện Thanh Trì (sau này tách thành huyện Thanh Trì và quận Thanh Xuân) đến sau này là UBND quận Thanh Xuân đều “lấn sân” của Tòa án thụ lý, giải quyết, thậm chí còn ra quyết định công nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Nguyễn Văn Mai một cách mơ hồ (không xác định được vị trí, hình thể)?

Điển hình năm 2014, mặc dù nhận thấy UBND không có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc nhưng UBND quận Thanh Xuân vẫn ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai số 5780/QĐ-UBND. Tuy nhiên, sau khi nhận được Quyết định này, gia đình nhà ông Lê Văn Tự đã khởi kiện và sau đó UBND quận Thanh Xuân đã phải ra quyết định hủy bỏ Quyết định 5780/QĐ-UBND.

Có thể thấy, chính việc UBND các quận, huyện có liên quan “quá nhiệt tình” giải quyết tranh chấp và hành chính hóa nó là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ việc bị kéo dài nhiều năm không được giải quyết dứt điểm. Điều này không những gây mệt mỏi và ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của bên tranh chấp (gia đình ông Mai) và bên bị tranh chấp (gia đình ông Tự) mà nó còn gây ảnh hưởng tới lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng. Cụ thể là nó đã gây ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội, mặc dù đã đạt được thỏa thuận với người sử dụng đất về giá bồi thường nhưng quận lại không trả tiền cho họ vì đất “đang tranh chấp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh xuân - Hà Nội: Người dân khốn khổ vì tranh chấp đất đai bị "hành chính hóa"