Sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ: Bị xuất toán hơn 3,4 tỷ đồng nhưng không ai chịu trách nhiệm?

Phong Vân| 16/03/2017 17:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như Báo Công lý đã phản ánh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP.Cần Thơ Lê Quang Võ tự ý cho thuê nhà thuốc bệnh viện trái với quy định của Bộ Y tế, tuyển bạn thân vào làm thợ hàn với mức lương cao ngất ngưởng...

Bổ nhiệm em rể làm thủ kho, bán thuốc giá cao gấp nhiều lần cho bệnh nhân… Mới đây, Báo Công lý tiếp tục nhận được thông tin bệnh viện làm xuất toán bảo hiểm y tế hơn 3,4 tỷ đồng. Điều kỳ lạ là mặc dù để xảy ra nhiều sai phạm như thế nhưng không một ai phải chịu trách nhiệm.

Sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ: Bị xuất toán hơn 3,4 tỷ đồng nhưng không ai chịu trách nhiệm?

Công văn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Năm 2014, qua công tác kiểm toán, cơ quan chức năng phát hiện, BVĐK Tp. Cần Thơ không được Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) cho thanh toán số tiền 3.498.000.000 đồng. Đây là số tiền mà bệnh viện chi cho thuốc đặc trị viêm gan C cũng như các dịch vụ kỹ thuật cao tuyến Trung ương cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Được biết, nguyên nhân của việc không được thanh toán là do bệnh viện đã làm trái các quy định của Bộ Y tế cũng như của BHXHVN.

Làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Phó Giám đốc, kiêm người phát ngôn của cơ quan BHXH Tp. Cần Thơ khẳng định việc ông Lê Quang Võ cho rằng sở dĩ có việc xuất toán là do cơ quan BHXH Tp. Cần Thơ ký thông qua danh mục là không đúng. Theo bà Phương, hàng năm, Hội đồng khoa học của bệnh viện (Giám đốc Bệnh viện là Chủ tịch Hội đồng) xây dựng danh mục thuốc điều trị cũng như các dịch vụ kỹ thuật. Thực tế về quy chế chuyên môn thì bệnh viện là nơi nắm rõ các quy định của ngành y tế, cơ quan bảo hiểm không tham gia sâu vào mà chỉ nắm trên cơ chế quỹ. Khi thống nhất danh mục bệnh viện gửi sang thấy đầy đủ thủ tục thì BHXH nhận. Tuy nhiên trong trường hợp này BVĐK Tp.Cần Thơ đã đưa vào một số thuốc điều trị và dịch vụ kỹ thuật mà chưa được Bộ Y tế phê duyệt là sai với quy định. Nói cách khác, bệnh viện vừa xây dựng danh mục, vừa tự phê duyện là sai.

Bà Phương cũng cho biết thêm, sau khi bị xuất toán số tiền trên, Giám đốc BVĐK Tp.Cần Thơ đã có công văn đề nghị Bộ Y tế xin thanh toán số tiền mà BHXHVN không đồng ý thanh toán. Sau đó Bộ Y tế có có công văn hỏi và được BHXHVN trả lời là không thể thanh toán vì BVĐK Tp.Cần Thơ đã thực hiện sai các quy định về khám và chữa  bệnh. Như vậy, việc gây xuất toán bảo hiểm trên là trách nhiệm của thuộc BVĐK Tp. Cần Thơ.

Cụ thể sự việc này như sau: Ngày 29/9/2014, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXHVN có Công văn số 3595/BHXHVN-CSYT về việc chi phí thuốc điều trị viêm gan C và dịch vụ kỹ thuật tại BVĐK Tp. Cần Thơ. Theo đó, BHXHVN nhận được Công văn số 5588/BYT-BH ngày 21/8/2014 của Bộ Y tế về việc giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của BVĐK Tp.Cần Thơ. BHXHVN có ý kiến như sau: Về việc thanh toán thuốc Interferon và Penginterferon thì tại điểm a, khoản 6, Điều 5 Thông tư số 31/2011/TT-BYT ngày 11/7/2011 của Bộ Y tế quy định Quỹ bảo hiểm y tế chỉ thanh toán thuốc Interferon và Penginterferon điều trị viêm gan C theo đúng phác đồ.

Theo quy định tại Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định chuyên môn, tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia… về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Đồng thời, theo điểm 2, khoản I, Phần I Quy chế Bệnh viện Ban hành theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện đa khoa hạng 1 không có chức năng ban hành phác đồ chẩn đoán và điều trị.

Tương tự, về việc thanh toán dịch vụ kỹ thuật: BVĐK Tp.Cần Thơ triển khai 24 dịch vụ kỹ thuật cao tuyến trung ương khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt là chưa đúng quy định tại điểm b, Khoản 1, Mục  III Quyết định số 23/2005/QĐ-BYT ngày 30/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành phân tuyến kỹ thuật và danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh.

Vì vậy, việc xây dựng phác đồ điều trị viêm gan C của BVĐK Tp.Cần Thơ trước thời điểm Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4817/QĐ-BYT ngày 28/11/2013 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan C” và Quyết định số 386/QĐ-BYT ngày 25/1/2014 phê duyệt danh mục bổ sung 49 kỹ thuật thực hiện tại BVĐK Tp.Cần Thơ, trong đó có 24 dịch vụ kỹ thuật cao tuyến trung ương là không đủ căn cứ pháp lý để thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế

Mặc dù đã có trả lời xác đáng của cơ quan BHXHVN nhưng trả lời phóng viên về xử lý trách nhiệm việc để xảy ra thiệt hại cho bệnh viện, Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng hiện nay Giám đốc bệnh viện một lần nữa có công văn xin BHXHVN được thanh toán số tiền trên, khi có kết quả cuối cùng thì UBND Tp Cần Thơ mới có hướng xử lý trách nhiệm (!?). Thế nhưng, lãnh đạo BHXH Tp.Cần Thơ khẳng định ông Lê Quang Võ chỉ nói miệng với Chủ tịch UBND thành phố chứ cho đến nay cơ quan này chưa nhận được công văn nào để xin thanh toán lần 2 từ phía BVĐK Tp.Cần Thơ.

Như vậy, việc để xuất toán hơn 3,4 tỷ đồng một lần nữa thể hiện cách làm việc tùy tiện, không tuân thủ các văn bản pháp quy của Giám đốc Lê Quang Võ khiến dư luận càng thêm bức xúc và làm mất lòng tin của đội ngũ y bác sỹ, cán bộ công chức bệnh viện.

Để giải quyết các bất cập xảy ra trong thời gian dài ở BVĐK Tp. Cần Thơ, trong 2 ngày 30 và 31/9/2016, UBND Tp.Cần Thơ đã tổ chức cuộc họp với Thành ủy, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và Ban Giám đốc bệnh viện, trưởng các phòng, khoa trực thuộc bệnh viện. Cuộc họp đã mổ xẻ những thiếu sót của bệnh viện trong thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ kết luận: Không có cơ sở để khẳng định sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo bệnh viện. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ: Bị xuất toán hơn 3,4 tỷ đồng nhưng không ai chịu trách nhiệm?