Nghi vấn biến đất công thành đất tư, sử dụng sai mục đích

Nhóm PV| 27/09/2016 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý nhận được đơn tố cáo của bà Lại Thị Hường, đại diện cho nhân dân cụm Cơ khí 3B (Thượng Đình, Thanh Xuân, HN) về việc Xí nghiệp xây lắp và thi công cơ giới thuộc Cty CP xây lắp và SX công nghiệp biến đất công thành đất tư, sử dụng sai mục đích.

Tự ngăn nhà trẻ thành các căn hộ cho thuê

Theo đơn tố cáo của bà Hường, Xí nghiệp xây lắp 1 thuộc công ty Xây lắp 2, Bộ Cơ khí luyện kim cũ ( nay là Xí nghiệp xây lắp và thi công cơ giới thuộc Công ty Cổ phần xây lắp và sản xuất công nghiệp, trực thuộc Bộ Công thương). Sau khi được thành lập, Xí nghiệp đã được nhà nước giao cho một khu đất tại số 38C cũ, nay là tổ dân phố 29 phường Thượng Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) để làm nhà máy, một phần khu đất đã được Xí nghiệp dùng làm nhà tạm cấp 4 cho cán bộ công nhân viên chức để ở. Trên cơ sở đó, Xí nghiệp cũng đã cắt một phần khoảng 150m2 để xây nhà trẻ cho con em cán bộ công nhân viên trong cơ quan.

Nghi vấn biến đất công thành đất tư, sử dụng sai mục đích

Bà Lại Thị Hường - Tổ trưởng tổ dân phố số 29, phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Khu nhà trẻ được hình thành từ năm 1973 và được sử dụng cho đến năm 2007 thì ngừng hoạt động do các cháu đã trưởng thành. Trong quá trình hoạt động, các cán bộ công tác tại khu nhà trẻ không hưởng lương trực tiếp từ Xí nghiệp mà vẫn được hưởng lương theo chế độ biên chế của nhà nước. Đặc biệt, trên bản đồ địa chính từ năm 1992 vẫn ghi rõ: Đất thuộc khu vực này là đất nhà trẻ.

Tới năm 2006, Công ty cổ phần xây lắp và sản xuất công nghiệp được cổ phần hóa thì dãy nhà trẻ của Xí nghiệp xây lắp 1 lại không được đưa vào tài sản chung của công ty mà để ngoài sổ sách. Năm 2007, khi nhà trẻ ngừng hoạt động, Xí nghiệp tự ngăn nhà trẻ này thành 06 gian để cho thuê sau một thời gian dài để không.

Tháng 10/2013, xí nghiệp cải tạo 04 gian thành 3 căn hộ, rồi từ 03 căn cải tạo thành 02 căn. Mỗi căn có diện tích khoảng trên 40m2. Ông Trần Thanh Việt là Bí thư Đoàn thanh niên Công ty CPXL & SXCN đã cho người vào dỡ bỏ nhà tạm cấp 4 dãy nhà trẻ, xây dựng lại có gác lửng bằng bê tông cốt thép, xà gồ thép hộp, mái lợp tôn lạnh. Mặt bằng cải tạo thành 1 phòng lớn, 1 phòng nhỏ, 1 vệ sinh.

Một điểm đáng lưu ý nữa là 04 gian nhà trẻ là đất sử dụng vào mục đích công cộng (theo quy định của pháp luật), 04 gian nhà trẻ chưa được địa chính gắn biển số nhà nhưng, Xí nghiệp đã tự đặt ra biển số nhà là: Căn hộ số 01, 02, 03, 04, tại 80A ngách 72/1 tập thể Xí nghiệp Xây lắp 1.

Kết luận của Sở Xây dựng Hà Nội

Trước sự việc trên, bà Lại Thị Hường, đại diện cho tổ dân phố số 29 phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân cùng nhân dân cụm Cơ khí 3B đã làm đơn khiếu nại gửi đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị UBND TP xem xét kiểm tra, giám định quyết định phân nhà ngày 06/10/1990 của xí nghiệp xây lắp 1 Công ty xây lắp 2 (cũ), nay là Xí nghiệp xây lắp và thi công cơ giới thuộc Công ty Cổ phần xây lắp và sản xuất công nghiệp. Đồng thời, kiến nghị thu hồi diện tích đất dãy nhà trẻ nêu trên và giao cho nhân dân 2 cụm được xây dựng nhà hội họp, sử dụng vào mục đích công cộng, sinh hoạt, vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Sau khi nhận được đơn thư, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng Hà Nội xác minh và trả lời.

Nghi vấn biến đất công thành đất tư, sử dụng sai mục đích

Khu nhà trẻ công ở địa chỉ số 38C cũ nay là tổ 29 phường Thượng Đình bị chiếm dụng và sử dụng sai mục đích

Trong công văn số 4756/SXD-B61 của Sở Xây dựng Hà Nội trả lời bà Lại Thị Hường vào ngày 13/06/2016, Sở Xây dựng Hà Nội kết luận bốn hộ gia đình đang sử dụng mảnh đất thuộc diện tích nhà trẻ công nói trên là phù hợp với quy định của Luật đất đai.

Trong công văn này, Sở Xây dựng nêu rõ: “Ngày 12/5/2016 Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức buổi họp cùng đại diện các cơ quan: UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Thượng Đình, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Công ty cổ phần xây lắp và sản xuất Công nghiệp, Xí nghiệp QL&PTN Thanh Xuân. Cuộc họp kết luận: Bốn hộ gia đình đang sử dụng nhà đất phù hợp với quy hoạch đất ở theo quy định của Luật đất đai… Việc bà Hường thắc mắc về quá trình phân phối, bố trí nhà ở cho 04 hộ gia đình kính mời bà liên hệ với Công ty cổ phần Xây lắp và sản xuất công nghiệp – Tổng Công ty cổ phần xây dựng Công nghiệp Việt Nam để được trả lời cụ thể”.

Những điểm bất cập, chưa hợp lý

Chiếu theo Công văn trả lời từ Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 2/6/2016 Công ty Cổ phần Xây lắp và sản xuất Công nghiệp (Công ty CPXL&SXCN) đã bổ sung Quyết định phân nhà ở ngày 06/10/1990 của 04 ông bà Tân, Thông, Thiện, Nhã.

Tuy nhiên, trong quyết định phân nhà trẻ ngày 06/10/1990 mà Công ty CPXL & SXCN lại có rất nhiều điểm nghi vấn.

Thứ nhất, ba ông bà Thông, Thiện, Nhã không phải là cán bộ công nhân viên chức của Xí nghiệp xây lắp 1 nên không thuộc đối tượng được phân nhà. Năm 1988, 1989, 1990 Xí nghiệp xây lắp 1 chỉ phân nhà cho cán bộ công nhân viên chức của xí nghiệp, tất cả các đối tượng khác ngoài Xí nghiệp xây lắp 1 điều không được phân nhà.

Riêng trường hợp của ông Tân, năm 1990, lúc đó ông đang là thợ hàn của Xí nghiệp nên đã được phân nhà tại khu B nhà A3, căn hộ số 3, ngách 3/4 phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.

Thứ hai, trong quyết định phân nhà được ghi rõ ngày cấp là 06/10/1990, tuy nhiên trên thực tế nhà trẻ vẫn được hoạt động tới 01/01/2007. Điều này đã được thể hiện trong các quyết định nghỉ hưu của những giáo viên mầm non đã công tác tại nhà trẻ. Hơn nữa, ngày 2/6/2016, Công ty có nộp bổ sung quyết định phân nhà nhưng lại là quyết định phô tô và có dấu treo của Công ty và giải thích quyết định phân nhà bị thất lạc?

Thứ ba, cũng trong quyết định nêu trên, diện tích sử dụng được phân cho bốn ông bà Tân, Thông, Thiện, Nhã  tổng cộng là 24m2 nhưng trên thực tế diện tích cả khu nhà trẻ là khoảng 150m2, và một điều phi lý là với 24m2 thì 4 hộ dân không thể sinh hoạt được. 

Mặt khác, tại thời điểm năm 1990, nhiều cán bộ công nhân viên chức của xí nghiệp được phân nhà đều có quyết định riêng biệt, có bằng chứng để chứng minh. So sánh với quyết định phân nhà của 4 ông bà Tân, Thông, Thiện, Nhã thì có sự lệch chuẩn so với quyết định chính thức của các cán bộ công nhân viên chức khác. Nội dung điều 1 và điều 2 của quyết định phân nhà cho 4 ông bà nêu trên cũng thiếu so với mẫu quyết định chính thức ra cùng thời điểm.

Cụ thể: Chiếu theo văn bản quyết định chuẩn thời điểm bấy giờ của bà Hường khi được xí nghiệp cây lắp 1 (cũ) phân nhà cung cấp cho phóng viên thì tại điều 1 của quyết định phải đề cập đầy đủ tên họ của người được cấp nhà. Ví dụ, trong quyết định của bà Hường có đề cập nguyên văn: “Điều 1: Bàn giao cho đồng chí Lại Thị Hường. Bậc lương.. được ở căn nhà số…với diện tích…”.

Nhưng trong quyết định phân nhà mà xí nghiệp xây lắp 1 (cũ) phân nhà cho các ông bà Tân, Thông, Thiện, Nhã thì trong văn bản quyết định lại chỉ đề cập đến Tên của các ông bà này mà không hề đề cập đến họ. Theo đó, trong quyết định phân nhà của các ông bà này cung cấp thì tại điều 1 của quyết định được ghi nguyên văn: “Phân phối cho ông bà Tân + Thông + Thiện + Nhã. Bậc lương… được ở căn nhà số.. Nhà số: Nhà trẻ cũ…”.

Thứ tư, trong quyết định được cung cấp, người được ký quyết định là ông Bùi Chí Mưu lúc đó đang là Phó giám đốc Xí nghiệp xây lắp 1, kiêm Chủ tịch Hội đồng phân nhà ở. Tuy nhiên ông Mưu khẳng định, trong thời gian đảm nhiệm công việc ông không ký quyết định ngày 06/10/1990 để phân nhà cho bốn ông bà Tân, Thông, Thiện, Nhã?

Nghi vấn biến đất công thành đất tư, sử dụng sai mục đích

Ông Bùi Chí Mưu – Nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp xây lắp 1

“Sau khi tôi về nghỉ hưu được một thời gian dài thì ngôi nhà trẻ 4 gian vẫn còn. Ngôi nhà này là để cho 4 cô giữ trẻ ở vì các cô vẫn còn đang giữ trẻ nên mình lấy luôn thì lại không tiện. Thực chất ngôi nhà trẻ là để cho các cô giữ trẻ ở để trông nom các cháu chứ không nói miếng đất đấy là phân cho các cô hay là cho ai cả. Mỗi gian nhà trẻ này có diện tích khoảng 24m2”. Ông Mưu cho biết.

Cuối cùng, theo phản ánh của các dân hộ dân tại cụm dân cư Cơ khí 3B thì UBND phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã cung cấp nguồn gốc đất dãy nhà trẻ với Sở Xây dựng Hà Nội không trung thực vì dãy nhà trẻ của Xí nghiệp xây lắp 1 cũ được hoạt động từ năm 1973 đến hết tháng 12/2006 mới ngừng hoạt động và dãy nhà không được phân gian. Tuy nhiên, UBND phường Thượng Đình lại cung cấp hồ sơ cho Sở Xây dựng là khu đất này gồm 4 căn nhà đã tồn tại khoảng trước năm 1990?

Những điểm còn chưa được làm rõ ràng trong việc sử dụng mảnh đất thuộc nhà trẻ công ở phường Thượng Đình nêu ở trên đã khiến cho các hộ dân Cụm Cơ khí 3B vô cùng băn khoăn và bất bình. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm sáng tỏ việc sử dụng mảnh đất công trên để giải tỏa những khúc mắc, bức xúc trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghi vấn biến đất công thành đất tư, sử dụng sai mục đích