Huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng): Hàng loạt xã lập khống hồ sơ mua bán giống lúa để rút tiền Nhà nước

Vũ Ba| 17/02/2017 05:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, Báo Công lý liên tục nhận được phản ánh của nhân dân về tình trạng nhiều xã ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã lập khống hồ sơ mua bán giống lúa DQ11 để rút nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.

Nhằm khuyến khích người dân tích cực, hăng say lao động sản xuất, hàng năm, thành phố Hải Phòng đã dành một phần ngân sách của thành phố để hỗ trợ kinh phí cho người dân trong việc mua giống cây trồng, phân bón, phương tiện kỹ thuật… phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp người dân ở các địa phương ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Năm 2014, thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số1332/QĐ-UBND, ngày25/06/2014, về việc phê duyệt phân bổ kinh phí hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất trồng trọt, sản xuất cây vụ đông và quản lý vật tư chuyên ngành năm 2014.  

Thực hiện quyết định này, UBND các xã trong huyện Vĩnh Bảo đã giao Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tiến hành lập danh sách các hộ mua giống lúa DQ11 để cấy vụ mùa năm 2014. Sau đó, HTXNN các xã ký kết Hợp đồng với Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp và Xây dựng Hải Phòng( Cty VTNN), thực hiện việc mua bán giống lúa DQ11 này về cấp phát cho các hộ dân theo cơ chế được thành phố hỗ trợ 40% kinh phí, người dân chỉ phải đóng 60% giá thành giống DQ11.

Theo tài liệu hồ sơ do người dân cung cấp, tại thời điểm năm 2014, giống lúa DQ11 do Cty VTNN cung cấp có giá là 32.000đ/kg. Theo chủ trương, thành phố hỗ trợ 40% kinh phí, tương ứng 12.800đ/kg, người dân chỉ phải đóng 60% giá thành giống DQ11, tương ứng 19.200đ/kg.

Huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng): Hàng loạt xã lập khống hồ sơ mua bán giống lúa để rút tiền Nhà nước

Tờ trình đề nghị chi trả kinh phí hỗ trợ giống lúa DQ11 các xã

Cũng theo hồ sơ, xã Đồng Minh có 515 hộ mua giống DQ11 với số lượng 4.000 kg thóc giống, tương ứng số tiền 128.000.000 đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 51.200.000 đồng; xã Dũng Tiến có 572 hộ mua giống DQ11 với số lượng 3.000 kg, tương ứng số tiền 96.000.000 đồng, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ là 38.400.000 đồng… và một số xã khác.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân dân, các địa phương trên đều lập khống danh sách người mua,khai khống số lượng giống lúa cấp cho người dân để rút tiền kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.  

Để tìm hiểu sự việc, phóng viên đã có cuộc khảo sát thực tế, xác minh tại các địa phương theo danh sách các hộ dân nhận giống lúa DQ11 do HTXNN các xã lập. Qua khảo sát, xác minh, hầu hết danh sách các hộ dân nhận giống lúa DQ11 tại các xã Đồng Minh, Dũng Tiến, Hùng Tiến, Giang Biên, Vinh Quang, Vĩnh An, Hưng Nhân đều là danh sách khống.

Những hộ dân có tên trong danh sách nhận giống lúa DQ11 đều khẳng định không mua giống lúa này để gieo cấy bao giờ, không ký tên vào danh sách nhận giống lúa DQ11. Đáng lưu ý, trong danh sách hộ dân nhận giống lúa DQ11 do các HTXNN lập có rất nhiều hộ dân không trồng lúa, có những hộ đã thoát ly khỏi địa phương từ những năm trước đó, cá biệt có những người dân đã chết nhưng vẫn có tên và chữ ký trong danh sách nhận giống lúa?  

Người dân cho biết thêm, theo kinh nghiệm trồng lúa, bà con nông dân chỉ cấy những giống lúa quen thuộc, gạo ngon và có năng suất, điển hình như giống lúa BC. Những giống lúa lạ như DQ11, ít có hộ mua và nếu có mua để cấy thử thì chỉ số lượng ít chứ không nhiều như danh sách do HTXNN các xã đã lập.  

Theo ông Nguyễn Xuân Thiều, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Minh, việc lập danh sách các hộ mua giống là có dôi dư số lượng thóc giống, do đơn vị cung ứng giống đặt vấn đề nhờ địa phương giúp. Sau đó đơn vị cung ứng giống đã lại “thối lại” cho HTXNN xã số tiền 6.000.000 đồng và HTXNN đã lấy số tiền đó mua bộ máy vi tính để làm việc. Việc lập khống danh sách người mua giống tại địa phương do HTX trực tiếp làm, các ông không biết.  

Ông Bùi Văn Hoạt, Chủ nhiệm HTXNN xã Dũng Tiến thì khẳng định: "Danh sách hộ dân nhận giống lúa DQ11 của xã là khống do các thôn trưởng lập và tự ký. Thực tế, lượng giống cấp về xã chỉ bằng 1/4 số 3.000 kg địa phương đã lập. HTXNN được đơn vị cung cấp giống là Cty VTNN chi phần trăm là 1.500 đồng/kg giống".  

Cũng về vấn đề này, ông Vũ Văn Nể, Phó Ban Nông nghiệp HTX Giang Biên khẳng định, năm 2014, giống lúa DQ11 cấp về địa phương thực tế là 33 kg. Việc lập danh sách các hộ nhận giống và Tờ trình đề nghị chuyển trả kinh phí hỗ trợ giống lúa DQ11 do HTXNN xã lập với số lượng 1.233 kg đều là khống, hợp đồng mua bán giống lúa DQ11 với Cty VTNN chỉ mang tính hình thức. Sau khi lập khống hồ sơ, địa phương được đơn vị này chi cho 2.000.000 đồng.  

Ông Đỗ Văn Khoái, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết: "Giống DQ11 có được cấp về địa phương, sau đó HTXNN phân phát cho trưởng thôn hơn 300 kg thóc giống. Tuy nhiên, theo Tờ trình đề nghị chuyển trả kinh phí hỗ trợ giống lúa DQ11 năm 2014 do HTXNN xã Vinh Quang trình thì địa phương nhận số lượng 1.000 kg giống DQ11. Việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng mua bán giống lúa và việc thanh toán chi phí do HTXNN làm việc với Cty VTNN không qua ngân sách xã nên việc quản lý không được sát sao, UBND xã không nắm bắt được".  

Được biết, việc lập khống hồ sơ nêu trên có sự tổ chức của đơn vị cung ứng thóc giống là Cty VTNN.

Báo Công lý sẽ tiếp tục xác minh làm rõ và phản ánh những thông tin này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng): Hàng loạt xã lập khống hồ sơ mua bán giống lúa để rút tiền Nhà nước