Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bị "tố" sao chép giáo trình: Chỉ mang tính kế thừa?

PV| 03/10/2014 15:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thanh tra Bộ GD-ĐT ngày 30/9 cho hay, Bộ vừa nhận được đơn tố cáo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN), sao chép giáo trình của người khác từ ông Nguyễn Ngọc Thành cán bộ nhà trường…

Để rộng đường dư luận chúng tôi đã gặp PGS.TS Trần Văn Tớp, Hiệu phó ĐHBKHN khi ông đã biết có người tố cáo mình tới Bộ Giáo dục cũng như nhiều cơ quan ban ngành liên quan.

Ông Tớp cho biết sẵn sàng mời các chuyên gia trong lĩnh vực điện để làm rõ những nội dung tố cáo và bản thân ông đã có giải trình với Bộ GD-ĐT. Đơn tố cáo của ông Thành cho rằng PGS.TS Trần Văn Tớp chép lại hầu hết các nội dung tập bài giảng: “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn.

Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bị

TS. Bạch Quốc Khách – Trưởng bộ môn hệ thống điện ĐHBK Hà Nội

Tuy nhiên, theo TS. Bạch Quốc Khánh – Trưởng bộ môn Hệ thống điện Trường ĐHBKHN cho biết, cá nhân ông và một số giảng viên nhà trường đã nghiên cứu tập bài giảng “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn” và giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp: Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” của PGS.TS Trần Văn Tớp do nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật phát hành năm 2007.        

Ông Khánh cho biết giáo trình của PGS.TS Trần Văn Tớp không phải sao chép bởi tập bài giảng của PGS.TS Võ Viết Đạn chỉ là một tập bài giảng chuyên đề của bộ môn chuẩn bị cho việc vận hành đường dây 500KV của trung tâm điều độ quốc gia, được đặt hàng bởi Tổng công ty điện lực Việt Nam. Tài liệu này chỉ được đánh máy, photo và lưu hành nội bộ nhóm chuyên môn của hệ thống điện.

Hơn nữa, tập bài giảng của PGS.TS Võ Viết Đạn là tổng hợp đóng góp và công sức chung của nhóm kỹ thuật điện cao áp, nên được xem là kết quả của cả nhóm, trong đó có PGS.TS Trần Văn Tớp cùng tham gia.

Việc ông Thành tố cáo 8 Chương trong cuốn giáo trình gồm 11 Chương của PGS.TS Trần văn Tớp, ông Thành cho biết: Về hình thức có một số đề mục, nội dung cụ thể, một số câu từ và một số hình vẽ có sự kế thừa những nội dung của PGS.TS Võ Viết Đạn. Tuy nhiên, bên cạnh đó PGS.TS Trần văn Tớp cũng đã bổ xung thêm nhiều nội dung mới như: (phương pháp mới nhất trong thiết kế, bảo vệ chống sét đánh trực tiếp, công nghệ chống sét hiện đại, vấn đề nối đất trong vùng điện trở suất cao, nối đất dây chống sét của các đường dây SCA, khoảng cách an toàn từ chống sét đến máy biến, điện từ trường dưới các đường dây SCA…).

Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bị

Cuốn sách (bên trái) là của PGS.TS Trần Văn Tớp biên soạn, cuốn (bên phải) là tập bài giảng của PGS.TS Võ Viết Đạn

Hơn hết, PGS.TS Trần văn Tớp hết sức trân trọng tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn, được thể hiện ngay trong lời nói đầu (trang 3) đưa vào danh mục tài liệu tham khảo (trang 301) của giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp: Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” của PGS.TS Trần Văn Tớp biên soạn.

 Ông Khánh đánh giá: Nhìn nhận khách quan, có thể thấy cuốn sách “Kỹ thuật điện cao áp: Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” của PGS.TS Trần Văn Tớp biên soạn không phải là sao chép, mà là sự kế thừa và phát huy từ tập bài giảng “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn.

Được biết giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp: Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” do PGS.TS Trần Văn Tớp biên soạn là do yêu cầu của Bộ môn và phân công của nhóm chuyên môn, nhằm đáp ứng nhu cầu cập nhật và phát triển giáo trình về kỹ thuật điện cao áp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cuốn giáo trình được biên soạn theo đề cương đã được nhóm chuyên môn và Bộ môn hệ thống điện thẩm định kỹ trước khi xuất bản năm 2007.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bị "tố" sao chép giáo trình: Chỉ mang tính kế thừa?