Dùng hàng Việt vì niềm tự hào thương hiệu quốc gia

Hương Lan| 04/08/2015 22:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tuần lễ “Tự hào thương hiệu Việt Nam” sẽ được tổ chức cả ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 01/8/2015 đến ngày 07/8/2015.

Mục tiêu đẩy mạnh công tác quảng bá cho Chương trình Thương hiệu Quốc gia, khuyến khích động viên các DN đạt Thương hiệu Quốc gia, hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Kết quả khả quan

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QÐ-TTg ngày 25/11/2003. Bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết:  Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua các thương hiệu hàng hoá và dịch vụ, nhằm hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2015, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Thường trực Ban chỉ đạo “Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động” cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước. Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tổ chức thực hiện được 50 đề án, trong đó phần lớn là các đề án phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Tĩnh, v.v… Mỗi phiên chợ có khoảng từ 15 đến 25 doanh nghiệp tham gia với 20 đến 40 gian hàng, doanh số đạt trên 500 triệu đồng. Các chương trình khác đang được triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua tiếp tục được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động. Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2015, các địa phương đã tổ chức được 101 đợt bán hàng về nông thôn với 1.355 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 600 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 8 nghìn tỷ đồng; tiếp nhận theo dõi hơn 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 109.000 lượt người, doanh thu mang lại là gần 9 tỷ…

Đáng chú ý là vấn đề quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường. Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá; kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, vi phạm nhãn hàng hóa; kiểm tra xử lý vi phạm kinh doanh mỹ phẩm giả; kiểm tra việc chấp hành pháp luật ghi nhãn hàng hoá mặt hàng phân bón; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2015. Bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã khắc phục khó khăn, xây dựng và triển khai trên 300 kế hoạch, chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Dùng hàng Việt vì niềm tự hào thương hiệu quốc gia

Hàng Việt đến với đồng bào vùng sâu 

Cũng theo bà Lê Việt Nga, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động trong 6 tháng 2015 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa chặt chẽ trong vấn đề truyền thông, dẫn đến chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng; vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó là khó khăn của một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo để xây dựng điểm bán hàng Việt, xây dựng hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị...). Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn các tỉnh còn thể hiện nhiều hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động.

Huy động mọi nguồn lực

Đánh giá chung kết quả thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá: Đến thời điểm hiện tại, Cuộc vận động đã triển khai được 6 năm và đã mang lại những kết quả tích cực khi tâm lý tin dùng hàng Việt đã có những bước tiến bộ đáng kể. Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%). Người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.

Trong các tháng cuối năm 2015, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh các biện pháp: Bộ Công Thương cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/1/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, phù hợp với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Cuộc vận động đã được đề ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động. Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020 và triển khai nhiệm vụ tại Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động năm 2015. Tiếp tục duy trì kết quả kết nối doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa hàng hóa công nghiệp địa phương, góp phần vào sự thành công của Cuộc vận động trong 6 tháng cuối năm 2015 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, tích cực vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới. Các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Đồng thời nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mọi người dân Việt Nam trong thực hiện Cuộc vận động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng hàng Việt vì niềm tự hào thương hiệu quốc gia