Thông qua Luật các TCTD: 5 phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt

Lan Trần| 21/11/2017 07:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với 436/444 đại biểu tán thành, chiếm 88,80% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018.

Tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau: Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; Hai năm liên tục bị xếp hạng yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng, khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.

Thông qua Luật các TCTD: 5 phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt

5 phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, trong đó có phương án phá sản

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng quy định 5 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; Phương án phá sản.

Về phương án phá sản, luật quy định: NHNN trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi TCTD được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét.

Trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 149 quy định về việc sáp nhập quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt vào ngân hàng thương mại.

Giải trình về vấn đề này, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Điều 149 của dự thảo Luật quy định chung về sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng cổ phần, góp vốn của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm quỹ tín dụng nhân dân. Việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng cổ phần, góp vốn của từng loại hình tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Việc sáp nhập quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt vào ngân hàng thương mại là không khả thi do khác biệt lớn về tính chất hoạt động và chủ sở hữu; cần được nghiên cứu, cân nhắc trong quá trình sửa đổi các quy định có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Luật các TCTD: 5 phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt