Nguồn vốn nào cho nhà ở xã hội hiện nay?

PV| 04/08/2016 16:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nguồn vốn để triển khai chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang là vấn đề được quan tâm.

Nguồn vốn nào cho nhà ở xã hội hiện nay?

Theo thông báo mới đây của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ 15/8/2016, chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở sẽ được ngân hàng này triển khai. Vấn đề đặt ra là nguồn  vốn nào để giúp cho chương trình triển khai có hiệu quả?

Quy định người vay phải gửi tiết kiệm

Chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở được NHCSXH triển khai thực hiện theo Luật nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Theo đó, sau khi có Thông tư số 20/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/6/2016 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, NHCSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn số 2526/NHCS-TDSV ngày 27/7/2016 để triển khai thực hiện chương trình bắt đầu từ ngày 15/8/2016.

Căn cứ Điểm 2, Điều 74 Luật nhà ở số 65/2014/QH13 quy định: “NHCSXH được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định”.

Tại điểm 5, Điều 13, Chương III Nghị định 100/NĐ-CP quy định: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.

Theo những quy định pháp lý đã nêu, cũng như tạo thêm một phần nguồn vốn thực hiện chương trình vay ưu đãi nhà ở xã hội, trong hướng dẫn của NHCSXH đã có điều kiện khi vay vốn là “người vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn”.

Đây là chính sách hoàn toàn phù hợp trong điều kiện nguồn vốn thực hiện chương trình hiện đang gặp khó khăn.

Một điểm khác biệt khi vay vốn chương trình nhà ở xã hội tại NHCSXH với các Ngân hàng thương mại khác là người vay vốn chưa phải trả nợ gốc trong thời gian ân hạn 12 tháng kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên.

Nguồn vốn không thể chỉ duy nhất dựa vào tiết kiệm của người vay

Mô hình tiết kiệm nhà không phải là xa lạ với các ngân hàng thế giới. Điển hình như Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwabisch Hall AG (BSH). Đây là  ngân hàng dẫn đầu thị trường Đức trong lĩnh vực tiết kiệm nhà ở và là ngân hàng tiết kiệm nhà ở lớn nhất thế giới.

Ngân hàng BSH không được huy động, cho vay vốn trên thị trường tài chính, chỉ được nhận tiền gửi tiết kiệm và cho vay về nhà ở đối với khách hàng đã gửi tiền. Theo mô hình này, nguồn vốn huy động của BSH là từ đóng góp của người lao động thông qua Hợp đồng tiết kiệm. Khách hàng có nhu cầu nhà ở trong tương lai thỏa thuận với BSH về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hàng tháng với lãi suất cố định. Khi đã tiết kiệm được tối thiểu 50% giá trị nhà ở cần mua, khách hàng được vay 50% còn lại với lãi suất thấp, cố định đã thỏa thuận khi ký Hợp đồng tiết kiệm. 

Khi soạn thảo các quy định pháp lý trong Luật nhà ở và Nghị định 100, các cơ quan Bộ ngành đã nghiên cứu kinh nghiệm Ngân hàng BSH để vận dụng hợp lý vào điều kiện Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, để có nguồn vốn triển khai chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thông qua NHCSXH, không thể chỉ duy nhất dựa vào tiết kiệm của người vay như trường hợp ngân hàng BSH mà cần dựa chủ yếu vào vốn từ Chính phủ.

Để chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thực sự có hiệu quả, cần Chính phủ, các Bộ ngành liên quan bố trí nguồn vốn cho NHCSXH để triển khai thực hiện, thông qua việc huy động từ các nguồn lực khác nhau: ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương dành một phần để chuyển qua NHCSXH cho vay nhà ở phục vụ quá trình đô thị hóa;  phát hành trái phiếu, công trái nhà ở; tiền gửi tiết kiệm của nhân dân, vốn ODA…Khi chương trình triển khai có hiệu quả sẽ mở ra nhiều hy vọng cho người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng chính sách có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận nhà ở xã hội, cải thiện và ổn định cuộc sống.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn nào cho nhà ở xã hội hiện nay?