Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công

Mai Thoa| 18/10/2017 19:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam đã lên đến 94,8 tỷ USD, tương đương với 64,73% GDP và đã sát mức trần cho phép là 65% GDP.

Nợ công tăng cao và việc quản lý nợ công sao cho hiệu quả, cần nhiều biện pháp, trong đó có việc sửa Luật Quản lý nợ công 2009. Hội nghị “Quản lý nợ công ở Việt Nam, thực trạng và các khuyến nghị chính sách” do Tổ chức Oxfam và Liên minh minh bạch ngân sách tại Việt Nam (BTAP) tổ chức ngày 18/10 đã đưa ra nhiều vấn đề rất thiết thực trong công tác này hiện nay.

Nợ công đang ở mức cao

Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam đã lên đến 94,8 tỷ USD, tương đương với 64,73% GDP và đã sát mức trần cho phép là 65% GDP. Tại thời điểm đó, nợ công của chúng ta đã tăng 15 lần trong 15 năm qua. Một nghiên cứu về nợ công cũng đã chỉ ra rằng nợ công của Việt Nam tăng nhanh do 3 nguyên nhân: đầu tư công đã mở rộng ồ ạt và không hiệu quả; bội chi ngân sách nhà nước luôn ở mức cao trong thời gian dài dẫn đến việc Chính phủ buộc phải vay nợ để bù đắp thiếu hụt ngân sách; nợ của các doanh nghiệp Nhà nước đang ở mức rất cao.

Mặc dù trong cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện nay chưa tính đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước nhưng trong cơ cấu nợ của doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh hầu hết là khoản vay ngắn hạn. Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, Chính  phủ sẽ là người phải trả nợ thay. Khi kiểm soát không tốt, nợ công gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế và quan đó ảnh hưởng lao động việc làm và các vấn đề xã hội khác.

Việt Nam hiện có khá nhiều nghiên cứu về thực trạng quản lý nợ công. Các nghiên cứu này đều cho rằng công tác quản lý nợ công của Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề như: cách tính nợ công chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, đầu tư công thiếu hiệu quả, kỷ luật tài khóa còn lỏng lẻo và thiếu cơ chế cho minh bạch và trách nhiệm giải trình. Hiện chưa có nghiên cứu dự báo một cách định lượng tác động của nợ công đối với kinh tế xã hội, nhưng một nghiên cứu tổng quát mới đây được thực hiện trong năm 2016 lại chỉ ra rằng, mô hình phát triển tài chính như hiện nay đang làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập ở Việt Nam. Bài học từ một số quốc gia trên thế giới cho thấy khủng hoảng nợ công tạo ra các bất ổn, đói nghèo và bất bình đẳng trong xã hội. Các chuyên gia cho rằng từ những bài học này, Việt Nam cần củng cố công tác quản lý nợ công để giảm thiểu những rủi ro về kinh tế và xã hội.

Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công

Quang cảnh hội nghị

Trong bối cảnh Luật Quản lý nợ công đang được sửa đổi, các chuyên gia cho rằng cần phải thể chế một số tinh thần đó vào trong luật. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước liên tục bội chi lớn (khoảng 5,6% GDP), nợ công tăng nhanh (từ 51,7% GDP năm 2010 lên 61% GDP năm 2015 và đạt ngưỡng an toàn 65% GDP năm 2017). Hơn nữa, thu ngân sách đã đạt mức cao so với những nước có thu nhập trung bình thấp (theo Ngân hàng Thế giới chỉ nên thu ngân sách khoảng 18% GDP, thu ngân sách ở Việt Nam đã đạt 31% GDP). Nếu cộng thêm những khoản chi ngoài quy định, chi giáo dục, y tế theo định hướng tự chủ tài chính đối với những cơ sở công lập thì gánh nặng về thuế, phí và chi phí đối với doanh nghiệp và người dân đã ở mức rất cao; khả năng tăng thu chủ yếu nằm ở thuế bất động sản, thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản thất thu nên nhu cầu vay nợ để trang trải bội chi ngân sách vẫn còn. Vì vậy, xây dựng Luật Quản lý nợ công thay thế cho Luật Quản lý nợ công 2009 là hợp lý và kịp thời.

Cần những biện pháp hiệu quả

TS. Lê Đăng Doanh cũng quan ngại rằng, nhu cầu chi ngân sách rất cao, nhưng kỷ luật ngân sách còn lỏng lẻo, tình trạng chi lãng phí, kém hiệu quả rất phổ biến hiện nay. Chi thường xuyên lên đến 70-71% tổng chi ngân sách, chi trả nợ lên đến 24,5% chi ngân sách và hầu như toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào đi vay. Số vay mới chỉ đủ để trả lãi và một phần nợ gốc nên nợ công tiếp tục tăng nhanh và chưa thấy điểm dừng. Doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ cũng là một gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc chỉnh đốn chi ngân sách là hết sức cần thiết và cấp bách để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.

Quản lý cao cấp Tổ chức Oxfam cho rằng, bên cạnh việc tăng cường quản lý nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và nợ bảo lãnh, Việt Nam cần xây dựng các cơ chế để quản lý tốt hơn nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ từ hệ thống tín dụng. Xem xét và áp dụng một số thông lệ quốc tế định nghĩa và thống kê nợ công. Theo như Ngân hàng thế giới, nợ công không chỉ là nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ do Chính phủ bảo lãnh mà còn là nợ ở Ngân hàng Trung ương, các tổ chức công lập, các doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là các khoản cam kết chi trả như lương hưu, bảo hiểm. Vì vậy, cần xây dựng các cơ chế quản lý nợ của doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tín dụng bên cạnh các cơ chế quản lý nợ thông thường.

Phải tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công. Theo đó, nợ công phải được báo cáo rất chi tiết theo từng chủ nợ, công cụ nợ, chủ nợ, kỳ hạn và lãi suất với tần suất báo cáo hàng tháng. Đồng thời đưa những quy định cụ thể về chế độ báo cáo và công bố thông tin vào Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Cùng với đó là việc nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và đầu tư công. Trước hết, Chính phủ và UBND các cấp cần công bố các tài liệu ngân sách và dự án đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách. Nhà nước có thể mở rộng không gian cho sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách và đầu tư công.

Cùng với đó, việc xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ công trong dự thảo Luật là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự thảo Luật đã quy định một số hành vi bị cấm trong trong đó có quy định cấm vay nợ vượt quá chỉ tiêu an toàn. Các ý kiến cho rằng, về mặt pháp lý khi đặt ra quy định như vậy thì phải có quy định xử lý trong trường hợp vi phạm. Cụ thể, dự thảo Luật này cần có những quy định xử lý nếu nợ công vượt chỉ tiêu an toàn. Vì với mỗi quy định nếu không có chế tài xử lý thì sẽ không đảm bảo quy định đó được thực hiện một cách nghiêm túc.

Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, cần xác định một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân về nợ công, đó là Bộ Tài chính. Luật cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình của người ký quyết định chi ngân sách. Nếu có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính, tài chính hay hình sự về những sai phạm hay thiếu sót. Quy định cụ thể, chi tiết về công khai, minh bạch đối với các khoản chi ngân sách có thể góp phần làm tăng nợ công. Bổ sung những quy định, chế tài trong phần tổ chức thực hiện chi ngân sách.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công