Gỡ khó để hạn chế nợ đọng bảo hiểm xã hội

Lan Trần| 15/11/2017 18:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng trốn, nợ, chiếm dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các doanh nghiệp đã đến mức báo động và trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp và khiếu kiện giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.

Doanh nghiệp nợ BHXH cả chục tỷ đồng

Thời gian qua, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành đã “điểm danh” hàng loạt các doanh nghiệp nợ BHXH, trong số đó có những doanh nghiệp có con số nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Ví dụ như tại Hà Nội, trong danh sách nợ BHXH, BHYT được BHXH Hà Nội công bố có Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment với số nợ lên tới gần 22 tỷ đồng, tiếp theo là Công ty Cổ phần Cầu 12 - Cienco 1 với số nợ gần 16 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Cầu 14 (quận Long Biên) nợ 21 tháng với số tiền gần 14,7 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Sông Tích (Sơn Tây) đang nợ gần 12,5 tỷ đồng…Đến hết tháng 10/2017, số nợ BHXH tại Hà Nội còn hơn 2.963 tỷ đồng (không bao gồm số tiền nợ của các đơn vị đã được xác định ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể, không còn lao động), chiếm 8,9% kế hoạch thu, giảm 399,3 tỷ đồng, tương đương 1,2% so với tháng 8/2017 và giảm 8,03% cùng kỳ năm 2016 (tương đương 259 tỷ đồng). Điều này cũng đã ảnh hưởng đến quyền lợi của trên 681.180 lao động.

Gỡ khó để hạn chế nợ đọng bảo hiểm xã hội

Các cơ quan chức năng đã và đang quyết tâm thực hiện các biện pháp để giảm nợ đọng BHXH

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, trong số 495 doanh nghiệp nợ BHXH mới được BHXH thành phố công bố, đứng đầu là Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) có số nợ 35,5 tỉ đồng. Tiếp đó là Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi), nợ BHXH 26,6 tỉ đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT, quận Bình Thạnh), nợ BHXH 14 tỉ đồng; Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (quận 3), nợ 13,2 tỉ đồng… Ngoài ra còn nhiều công ty có số nợ từ 5-7 tỷ đồng.

Không chỉ có BHXH Hà Nội, mà BHXH các tỉnh, thành phố cũng đã chọn giải pháp “bêu tên” các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hy vọng thúc đẩy các doanh nghiệp này chấp hành pháp luật.

Trước đó, vào năm năm 2016, BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, hàng quý BHXH gửi danh sách doanh nghiệp nợ tiền lớn, thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên tới chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ.

Sẽ xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH

Có một thực tế là sau gần hai năm, việc giao cho tổ chức công đoàn khởi kiện đơn vị nợ BHXH ra tòa theo quy định của Luật BHXH gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tình trạng các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng tăng tại các địa phương. Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT với số tiền lớn, thời gian kéo dài. Ðáng lo ngại, hiện có gần 2.000 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc hoạt động cầm chừng (liên quan gần 200 nghìn người lao động), trong đó có nhiều đơn vị được theo dõi trên sổ sách hơn 10 năm thuộc diện "nợ treo" không thể thu hồi... Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp hàng tháng vẫn trừ một phần tiền lương của người lao động, với lý do để đóng BHXH, không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, mà còn tác động xấu đến an toàn, cân đối nguồn quỹ, bảo đảm an sinh xã hội...

Tại phiên thảo luận của Quốc hội mới đây về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nợ BHXH đang là một nội dung rất bức xúc, đang có 102.900 đơn vị với khoảng 2,6 triệu lao động nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, với số tiền tương đương 14.700 tỷ đồng. Cơ quan BHXH đã khởi kiện ra tòa án các cấp 8.800 vụ với số tiền nợ 6.000 tỷ đồng, tòa án đã xử 3.986 vụ (16% tổng số nợ), còn lại tòa trả hồ sơ. Nguyên nhân của việc trả hồ sơ do có bất cập cả về luật thực định cũng như luật thực thi.

Cụ thể, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết từ khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, Quốc hội đã giao cho cơ quan BHXH quyền kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp trốn hoặc nợ đọng tiền BHXH. Vì vậy, các vụ án trước đây khởi kiện ra tòa theo trình tự dân sự, nay được chuyển sang trình tự hành chính và tố tụng hành chính. Nếu doanh nghiệp không chấp hành thì phải có một cơ quan hành chính cấp trên là UBND địa phương xử lý, quyết định hành chính đó đúng hay không, lúc đấy tòa mới bắt đầu xét xử theo trình tự hành chính.

Ðể giải quyết vướng mắc trong khởi kiện đơn vị nợ BHXH, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp cơ quan liên quan rà soát các quy định hiện hành. Theo ông Bùi Văn Cường, nếu có những quy định chưa cụ thể, có những cách hiểu khác nhau thì cần giải thích, thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải thích thống nhất một cách hiểu. Những quy định mâu thuẫn, chồng chéo thì Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu xem xét trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung...

Còn theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, những vướng mắc nói trên chỉ tồn tại cho đến hết năm 2017. Bắt đầu từ 1/1/2018 Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực, hành vi trốn đóng hay những gian lận trong BHXH, BHYT được hình sự hóa, trở thành một tội hình sự. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm các chính sách BHXH, BHYT hiện nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó để hạn chế nợ đọng bảo hiểm xã hội