Xử lý triệt để những dự án thua lỗ, tiết kiệm chi hành chính

Mai Thoa| 28/12/2016 16:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là tinh thần mà Chính phủ đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017.

 Xử lý triệt để những dự án thua lỗ, tiết kiệm chi hành chính

Ba chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng nhất năm 2017 là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương

Phải ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp cuối năm nhằm phân tích, đánh giá tình hình KTXH năm 2016, cùng bàn thảo, đề ra những giải pháp lớn, những nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2017. Năm 2016, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng GDP đạt gần 6,3%; thu ngân sách tăng; mặt bằng lãi suất giảm; thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục, với vốn thực hiện FDI đạt gần 15,8 tỷ USD (tăng 9% so cùng kỳ) và vốn FDI đăng ký mới (bao gồm cả bổ sung tăng vốn, vốn mua cổ phần) đạt 24,4 tỷ USD (tăng 7%). Năm 2016, lần đầu tiên có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới; thu hút hơn 10 triệu khách du lịch...

Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại để thảo luận và đưa ra các biện pháp khắc phục như: Ngành khai khoáng giảm mạnh, nhất là dầu thô; thiên tai hạn hán, lũ lụt xâm ngập mặn; sự cố môi trường biển miền Trung; các dự án nghìn tỉ thua lỗ mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn rủi ro cao; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng; nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các sai phạm trong công tác cán bộ (vụ Trịnh Xuân Thanh); xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc;...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững khi trình bày dự thảo Nghị quyết 01 về thực kiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Theo đó, ba chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương. Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các Bộ trong tổ điều hành vĩ mô phải theo dõi sát diễn biến, cập nhật tình hình các đối tác kinh tế lớn để có phản ứng chính sách phù hợp. Năm 2016 đã đi qua những sự kiện như Brexit, chứng khoán Trung Quốc, FED tăng lãi suất ngân hàng, điều chỉnh chính sách sau bầu cử ở một số nước,…có thể tác động đến chúng ta, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vậy nên, để đảm bảo sự bình ổn, phía Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm điều hành chính sách chủ động linh hoạt, tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng, lưu ý kết cấu tin dụng, ổn định lãi suất 2017, phấn đấu giảm lãi suất trung dài hạn, quản lý thị trường ngoại tệ, vàng hiệu quả. Phải cố gắng giữ ổn định lãi suất như hiện nay, lãi suất cơ bản ngân hàng Nhà nước phải giữ không vượt quá 2%. Bộ Tài chính cố gắng tối đa các nguồn giảm chi và triệt để tiết kiệm.

Tiết kiệm chi ngân sách

Việc điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu trừ cam kết quốc tế, hạn chế ban hành chính sách tăng chi trừ trường hợp đặc biệt. Phải xác định tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật ngân sách, thu trong nền kinh tế, chi theo khả năng, vay trong khả năng trả nợ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Các địa phương chủ động cắt giảm hạng mục chi thường xuyên không cần thiết, Phó Thủ tướng nói.

Đối với tái cơ cấu kinh tế, gắn với tăng trưởng, dự thảo nghị quyết cho biết các Đề án liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu và đổi mới DNNN, tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn xử lý nợ xấu… quyết tâm của Chính phủ trong quý 1/2017 tất cả các Đề án đều phải được trình các cơ quan liên quan.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, đối với tiến trình xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, hiện lãnh đạo Chính phủ đã đi thị sát, có những chỉ đạo xử lý để trong 2017 sẽ có bước chuyển biến, sang năm 2018 cơ bản xử lý xong. Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng phương án xử lý các dự án làm ăn bị thua lỗ. Trước mắt mới đang xem xét Nhà máy đạm Ninh Bình, chuẩn bị xem xét nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Về cơ cấu thu chi ngân sách tái cơ cấu nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội, đề nghị trong quý 1/2017 phải tổng hợp báo cáo với Chính phủ về tình nợ, trả nợ; rà soát báo cáo các dự án  vay có bảo lãnh của Chính phủ; xây dựng lộ trình điều chính giá các dịch vụ công. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, yêu cầu Bộ NN&PTNT phải xây dựng Đề án trình Chính phủ, tổ chức triển khai xác định nền kinh tế trọng điểm. Nâng cao chất lượng trong quản lý vật tư nông nghiệp đầu vào và vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến 2019 không còn phát sinh nợ mới của Chính phủ.

Phó Thủ tướng cho biết trong năm 2017 các Bộ NN&PTNT, Công Thương, KH&ĐT, KHCN, VHTT&DL… phải có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đổi mới KHCN, chú trọng sản xuất, chế biến sâu...; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh thị trường nội địa…

Nghị quyết giao cụ thể cho các Bộ: NN&PTNT, Xây dựng, KHCN, TN&MT… chủ động triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường; đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình để thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó lũ lụt. Trong thực hiện nhóm giải pháp cải cách hành chính, yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung xử lý các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng…Trong tháng 1/2017, phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể. Thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp trên để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, Phó Thủ tướng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý triệt để những dự án thua lỗ, tiết kiệm chi hành chính