Thông qua Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC

PV| 09/11/2017 13:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam đã đề xuất, chủ trì xây dựng sáng kiến về Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trong APEC và coi đây là một nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017.

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC 2017 ngày 8/11/2017 đã thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017. Một trong số đó bắt nguồn từ sáng kiến của Bộ Công Thương Việt Nam, đó là Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC.

Thông qua Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC

Doanh thu TMĐT B2C xuyên biên giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD

APEC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhận thấy vai trò ngày càng tăng của thương mại điện tử trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, APEC đã đặt TMĐT thành một trong những trọng tâm lớn của Chương trình nghị sự năm nay.

Việc ra đời Khung thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới như một thành quả của năm APEC 2017, cũng như sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp TMĐT hàng đầu thế giới (Alibaba, Facebook...) tại Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC đã cho thấy tầm quan trọng của TMĐT cả từ góc nhìn chính sách cũng như kinh doanh trong bài toán hội nhập hiện nay.

Theo Bộ Công Thương, TMĐT xuyên biên giới hiện được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới (bao gồm giao dịch doanh nghiệp – doanh nghiệp B2B và bán lẻ B2C) ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ.

Tính riêng về TMĐT B2C, doanh thu TMĐT B2C xuyên biên giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu TMĐT xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020.

TMĐT xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.

Nhằm phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới, đóng góp tích cực cho liên kết thương mại và kinh tế khu vực, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì xây dựng sáng kiến về Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC và coi đây là một nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017.

Khung Thuận lợi hóa này tập trung vào 5 trụ cột làm việc gồm: Hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý TMĐT của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới trong khu vực; Tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường TMĐT xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới; Thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC; Thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực;- Giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong TMĐT xuyên biên giới.

APEC 2017 được đánh giá là năm APEC có vai trò then chốt hướng tới kỷ niệm 20 năm gia nhập APEC của Việt Nam. Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nền kinh tế APEC, là một trong những điểm nhấn của năm APEC 2017 và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; trở thành nguồn động lực cho phát triển kinh tế khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC