Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải

Đức Minh| 05/02/2016 09:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải

Các nhân viên Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải - đơn vị thuộc Bộ Giai thông vận tải chuyển ngư dân bị nạn đi cấp cứu. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công ngành Giao thông vận tải, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất; thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công; thí điểm chuyển một số đơn vị sang mô hình doanh nghiệp hoặc thực hiện cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện theo quy định. Phấn đấu đến năm 2020 chuyển 39 đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp và thí điểm thực hiện cổ phần hóa 5 đơn vị, sau đó tổ chức đánh giá, nếu có kết quả tốt sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho cổ phần hóa một số đơn vị đủ điều kiện khác.

Các đơn vị sẽ tăng dần mức độ tự chủ hàng năm phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phấn đấu đến hết năm 2020 có 52% đơn vị có thể tự đảm bảo được chi thường xuyên.

Cụ thể, duy trì 17 ban quản lý dự án như hiện có; chuyển 11 Trung tâm đăng kiểm cho doanh nghiệp quản lý; chuyển 11 Trung tâm đăng kiểm cho doanh nghiệp quản lý; tiếp tục duy trì 04 đơn vị hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp nhà nước đảm bảo chi hoạt động thường xuyên: Trung tâm Công nghệ Thông tin trực thuộc Bộ; Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải và Trung tâm Thông tin An ninh hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam; Trạm Kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam; thành lập mới 03 Trung tâm quản lý điều hành giao thông đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên...

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp tình hình phát triển ngành Giao thông vận tải; tiếp tục mở rộng thực hiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và thực hiện cổ phần hóa đối với những đơn vị đủ điều kiện theo quy định; tiếp tục chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn, phấn đấu đến năm 2030 tất cả các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Theo quy hoạch, trong giai đoạn này, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các hoạt động dịch vụ đăng kiểm chuyển cho doanh nghiệp đảm nhận sau khi đã thực hiện ở giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục duy trì hoạt động của các đơn vị sự nghiệp như giai đoạn 2016 - 2020.

Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Thủ tướng Chính  phủ cũng vừa phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng sinh viên trúng tuyển đầu vào, bảo đảm người học sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng cao hơn quy định, theo cam kết được công bố của Học viện; được tiếp cận việc ứng dụng khoa học công nghệ; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức; phát triển chương trình đào tạo theo chương trình của các trường đại học hiện đại trên thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển thông tin và truyền thông của xã hội; phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, phù hợp với nguồn lực của Học viện; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao, theo đặt hàng; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học và sau đại học.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; tăng cường nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; hoàn thiện mô hình quản lý, cơ cấu tổ chức theo mô hình quản trị doanh nghiệp, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của Học viện; thực hiện trách nhiệm xã hội của trường đại học công lập với các chính sách học bổng, khuyến khích học tập và tín dụng sinh viên; tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập tại Học viện.

Theo đề án, Học viện được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách hỗ trợ, học bổng, học phí; đầu tư, liên doanh liên kết và mua sắm...

Học viện thu học phí theo kế hoạch. Cụ thể, mức thu học phí bình quân tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm 2015-2016 là 12 triệu đồng/sinh viên/năm, năm 2016-2017 là 15 triệu đồng/sinh viên/năm.

Học viện quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần; cao đẳng bằng 0,8 lần; trung cấp bằng 0,7 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải